Kiểm soát việc kinh doanh mặt hàng rượu trên sàn thương mại điện tử
Tại cuộc toạ đàm “Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 14/12, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra mặt hàng rượu ở các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường…
Theo ông Nguyễn Việt Tấn, thông thường các dịp cuối năm, đối với sản phẩm rượu, quá trình kiểm tra tập trung vào các khâu như: Hồ sơ tự công bố; quy trình công bố chất lượng sản phẩm; các phiếu kiểm nghiệm về chất lượng sản phẩm, cũng như là quá trình sản xuất, chế biến, sản phẩm nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất tạo màu, hương liệu trong quá trình chế biến...
“Đặc biệt, lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc, rượu nhái các nhãn mác, rượu không đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Việt Tấn nói.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh mặt hàng rượu trên sàn thương mại điện tử.
Đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo quy định của pháp luật, các cơ sở này phải có bản cam kết đối với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Các đợt kiểm tra của ngành công thương, lực lượng quản lý thị trường đều tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ này, để đảm bảo cơ sở đó chấp hành đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT - Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, có thể nói, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực mà được Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Cục QLTT đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, người dân.
Đứng trước nhu cầu cấp bách đó, Tổng cục QLTT luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu. Đặc biệt, tuyên truyền hướng dẫn để cho người sản xuất phải thực hiện cho đúng.
Đồng thời, lực lượng QLTT đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh không sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm hạn chế các hành vi, vi phạm trong việc sản xuất và kinh doanh rượu.
Đặc biệt, người tiêu dùng không nên lạm dụng rượu thủ công tự nấu để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì, sản phẩm rượu thủ công đôi khi lẫn những tạp chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Quá trình kiểm tra kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng phát hiện các vi phạm chủ yếu như: Rượu không được đảm bảo an toàn thực phẩm; cơ sở sản xuất đưa thêm chất phụ gia vào rượu dẫn đến ngộ độc, nguy hiểm tính mạng…
“Đáng lo ngại nhất là rượu sản xuất thủ công. Mặc dù quy định pháp luật là người sản xuất rượu thủ công phải cam kết, thế nhưng thực tế thì hầu như chúng ta thấy rằng, các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là sử dụng sản phẩm rượu thủ công là chính, rất hiếm trường hợp sử dụng sản phẩm của những nhà sản xuất có tên tuổi có uy tín.
Đặc biệt, rượu sản xuất thủ công tại các vùng sâu, vùng xa, chủ yếu người dân tự cung, tự cấp, đến lúc uống không hết thì lại mang ra bán hoặc hàng xóm có nhu cầu xin mua lại một ít. Việc tự sản xuất, tự tiêu dùng như thế dẫn đến việc quản lý chất lượng không được đảm bảo và gây ra ngộ độc”, ông Nguyễn Đức Lê nói.
Đối với người tiêu dùng, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sản phẩm đảm bảo chất lượng về an toàn thực phẩm; Lựa chọn những sản phẩm có tên tuổi của những doanh nghiệp uy tín, có đầy đủ nhãn mác, địa chỉ rõ ràng, để có thể truy xuất được, hãy là người tiêu dùng thông thái và sử dụng sản phẩm có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Việt Tấn cũng cho biết thêm, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm do mình do mình sản xuất ra. Các tổ chức, cá nhân phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Các tổ chức cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm phải chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có đối với sản phẩm của mình.
Đặc biệt, là trong dịp Tết và mùa lễ hội xuân sắp tới, "chúng tôi khuyến cáo tới người tiêu dùng là chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, phải tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, không vì ham rẻ tiền mà sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm không đảm bảo, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, kinh tế của gia đình cũng như là của xã hội,"ông Nguyễn Việt Tấn nói.