Kiểm toán Nhà nước kiên quyết với những sai phạm

Kiểm toán “ghé” chuyên đề nào, chuyên đề đó lộ nhiều tồn tại (bài cuối)

08:14 21/10/2024

Lựa chọn chuyên đề kiểm toán thường được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) lên kế hoạch từ sớm và dựa trên thực tế của tình hình kinh tế, xã hội. Chính bởi điều này các kết quả từ các cuộc kiểm toán chuyên đề thường thu hút sự quan tâm của người dân và dư luận.

“Nhộm nhoạm” vấn đề quản lý và cho thuê đất công ích

Năm 2024, KTNN đã thực hiện tới 9 chuyên đề trọng tâm. Chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập (thực hiện kiểm toán tại 4 bộ và 3 địa phương, phục vụ giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội), chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” (thực hiện kiểm toán tại 4 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương), chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023” và chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023” (thực hiện kiểm toán tại 4 bộ, cơ quan trung ương).

Tính đến hết tháng 9/2024, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 207 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội. Ảnh minh họa.

Cùng đó là một số chuyên đề như  “Việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”, chuyên đề “Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ”; Chuyên đề “Việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội”; chuyên đề “Việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023” (thực hiện tại Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình); chuyên đề “Công tác quản lý giá điện giai đoạn 2022-2023”.

Đối với chuyên đề việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023: KTNN chỉ rõ thành phố Hà Nội còn trường hợp đã hết hạn hợp đồng thuê đất nhưng chưa thực hiện thu hồi đất, chưa thực hiện đấu giá, cho thuê đất; đã hết hạn hợp đồng thuê đất nhưng người thuê không bàn giao lại mặt bằng. Tại Thanh Hoá cũng diễn ra tình trạng UBND huyện đã trực tiếp cho thuê đất nông nghiệp công ích thuộc quản lý của các xã chưa phù hợp về thẩm quyền; hợp đồng thuê đất chưa thực hiện trên cơ sở đấu giá theo quy định; chưa thực hiện rà soát nguồn gốc, diện tích đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công ích đầy đủ, kịp thời.

Với chuyên đề việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, KTNN cũng nêu rõ việc tham mưu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 với tiến độ thực hiện ban đầu trong 2 năm 2022-2023 còn chưa khả thi trong quá trình thực hiện dẫn đến phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc Chương trình đến hết 31/12/2024.

Tính đến 31/3/2024, luỹ kế số vốn giải ngân của các nhiệm vụ, dự án mới đạt 66,4%/tổng hạn mức vốn được giao (giải ngân 86.707/130.490 tỷ đồng). Đến 31/1/2024, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương không thực hiện việc điều chỉnh vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết 93/2023/QH15 có tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 chưa đạt yêu cầu giải ngân 100%. Một số Bộ, ngành, địa phương đã giao vốn thấp hơn so với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; 44 dự án tại các địa phương có thời gian khởi công hoàn thành trước năm 2024 nhưng chưa bố trí đủ vốn đối ứng với số vốn còn thiếu là 546,2 tỷ đồng. Bộ Tài chính chậm phê duyệt dự án đầu tư đối với 10 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với dự kiến tổng mức đầu tư 2.063 tỷ đồng.

Nhiều tồn tại trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Tại chuyên đề kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023, KTNN đã phát hiện ra Bộ LĐTBXH lập dự toán cao hơn so với định mức và đối tượng thụ hưởng; phân bổ dự toán kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công (NCC) khi chưa đảm bảo quy định phải hủy dự toán, vượt định mức; quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án của một số địa phương chưa xác định tỷ lệ vốn của ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo kinh phí thực hiện dự án.

Cũng ở chuyên đề này, qua kiểm tra đoàn công tác nhận thấy, việc chi hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương cho một số dự án hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất phục vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tại các địa phương vượt mức tối đa 70% giá trị công trình, tương đương 2,5 tỷ đồng. Một số nhiệm vụ hủy dự toán lớn so với dự toán giao. Cụ thể như đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hủy dự toán 69.574,1 triệu đồng bằng 77,3% dự toán giao; Dự án Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu NCC hủy dự toán 26.826,6 triệu đồng bằng 82,3% dự toán giao.

Việc phối hợp quản lý kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC còn tồn tại: Bộ LĐTBXH chưa hoàn thiện việc cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu NCC phục vụ công tác quản lý cũng như công tác lập, phân bổ dự toán; nhiều địa phương chưa báo cáo Bộ LĐTBXH tình hình thực hiện công tác mộ liệt sĩ và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác.

Một số văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC chưa quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi theo thực tiễn phát sinh hoặc chưa quy định thống nhất giữa Pháp lệnh và các Nghị định hướng dẫn nên các địa phương vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC. Việc tham mưu ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi NCC chưa kịp thời; chưa kịp thời hướng dẫn chính sách, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. 

Một điểm nhấn trong báo cáo kiểm toán được gửi tới Quốc hội lần này là kết quả kiểm toán việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH. Qua đó cho thấy, ở Bộ Y Tế, Bộ LĐTBXH, còn có hiện tượng tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản chưa kịp thời. Việc giảm đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc không đạt mục tiêu theo theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017.

Cụ thể, Bộ Y tế năm 2021 giảm 8 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 đạt tỷ lệ 8,2%; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Năm 2021 có 44 đơn vị, không đạt được mục tiêu giảm 10% so với năm 2015 mà còn phát sinh tăng 1 đơn vị (tiếp nhận Báo điện tử Dân trí từ ngoài về); năm 2023 có 43 đơn vị, giảm 1 đơn vị so với năm 2021, bằng 2,27%, như vậy năm 2024 và 2025 còn phải giảm 7,73% mới đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, cũng tại Bộ LĐTBXH, việc tinh giản biên chế chưa đạt so với Đề án giai đoạn 2016-2021; chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 theo quy định. Cũng tại bộ này, một số đơn vị chưa/không thực hiện sắp xếp để giảm đầu mối, giảm trùng lắp về chức năng nhiệm vụ theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian.

Tại Bộ Y tế, một số đơn vị có số lượng cấp phó cao hơn quy định; thậm chí tại bộ này KTNN cũng chỉ ra việc chưa hoàn thành việc xây dựng danh mục dịch vụ công NSNN, định mức kinh tế kỹ thuật. Đáng chú ý, KTNN đã làm rõ, việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT ngày 29/6/2023 của Bộ Y tế quy định khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu còn chậm nên sau nửa năm áp dụng đã trở nên lạc hậu. Ngoài ra, việc quy định mức giá tối thiểu tại Thông tư số 13/2023/TT-BYT là không phù hợp với với lộ trình tính giá quy định …

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển 1 hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra, làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP; đồng thời phối hợp cung cấp nhiều tài liệu, báo cáo kiểm toán (BCKT) cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra để làm rõ theo thẩm quyền.

Tính đến cuối tháng 9/2024, KTNN đã cung cấp 207 BCKT và tài liệu có liên quan  cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...; cung cấp nhiều báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán liên quan đến các nội dung giám sát của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội.

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc công khai kết quả kiểm toán và phối hợp giữa các cơ quan trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực, KTNN đang phối hợp với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực (Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương) để cung cấp báo cáo kiểm toán theo hình thức điện tử.

Phạm Huyền

Ngày 21/10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH),  Bộ Công an phối hợp với Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, Công an TP Hà Nội và Công ty Genstory triển khai thu nhận hồ sơ cấp căn cước và thu mẫu ADN cho lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và thân nhân Văn phòng Trung ương Đảng tại trụ sở số 1A đường Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới đã kéo giá vàng trong nước tăng vọt. Các chuyên gia cho rằng đà tăng của vàng vẫn chưa có lực cản.

Như một quy luật, cứ vào những tháng cuối năm thì tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới các huyện Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóc, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An lại trở nên phức tạp.

Các vụ nổ lớn được ghi nhận ở nhiều khu vực trên khắp lãnh thổ Ukraine sau khi giới chức quân sự nước này loan báo về một đợt không kích quy mô lớn của Nga.

Từ tối 20 đến sáng 21/10, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to. Riêng tại TP Tam Kỳ, trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam, mưa lớn kéo dài đã làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu, phương tiện lưu thông đi lại hết sức khó khăn.

Liên tục trong những ngày qua, hàng loạt vụ việc tài xế ô tô điều khiển phương tiện chạy ngược chiều cao tốc khiến dư luận bức xúc. Tình trạng trên cho thấy ý thức tuân thủ luật giao thông của một bộ phận tài xế đang rất kém, bất chấp nguy cơ tai nạn có thể xảy ra.

Ngày 21/10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long đã tạm giữ Nguyễn Hoàng Minh (SN 1972, ngụ phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) để làm rõ hành vi phóng hỏa gây bỏng bạn nhậu dẫn đến tử vong.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文