Lãng phí hàng triệu USD để xử lý rác thải sinh hoạt

08:32 13/12/2024

Theo con số của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày. Nếu chỉ lấy con số khiêm tốn là 50 USD cho chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý 1 tấn CTRSH thì 1 ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/năm).

Trong khi đó, CTRSH này nếu được tái chế sẽ tạo ra nhiều giá trị. Theo các chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn Công đoàn lao động vì môi trường năm 2024 (do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Báo Lao động là đơn vị thực hiện) chiều ngày 12/12, việc chưa quan tâm đến câu chuyện tái chế CTRSH đang lãng phí rất nhiều giá trị về tiền và lợi ích xã hội.

Theo đánh giá của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, tỷ trọng các loại chất thải trong CTRSH phát sinh tại Việt Nam thì chất thải thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất, dao động từ 50 - 70% tổng khối lượng CTRSH phát sinh. Chất thải này nếu được phân loại ngay từ hộ gia đình, cá nhân thì có thể biến thành phân compost chất lượng cao hoặc tạo thành điện sinh khối với giá trị thu được vô cùng lớn. Trong khi đó, chất thải có khả năng tái chế (như chai nhựa, vỏ các loại lon nước ngọt, bia...) dao động từ 20-25% tổng lượng CTRSH phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất. Số còn lại là chất thải rắn sinh hoạt khác như túi nilon sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ... giá trị thấp. Nhưng chất thải này nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu để làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp hoặc đốt phát điện cũng tạo ra giá trị.

Như vậy, gần như toàn bộ CTRSH phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị từ chất thải. Tuy nhiên, khoảng 65% tổng lượng CTRSH tại Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Chỉ có khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu...

"Với thực trạng quản lý, xử lý CTRSH của Việt Nam như hiện nay, có thể thấy mỗi ngày chúng ta đang làm mất đi những giá trị về tiền và lợi ích xã hội, môi trường từ CTRSH đem lại là rất lớn nếu chất thải này không được phân loại, tái chế, tái sử dụng nhưng lại phải bỏ ra rất nhiều kinh phí để thu gom, xử lý chúng", ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho hay. Tuy vậy, theo ông Trung câu chuyện phân loại CTRSH từ đầu nguồn hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân chính vẫn đến từ việc người dân hiện nay vẫn chưa nhận thức đúng và thực hiện phân loại rác thải tại nhà.

Nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải sinh hoạt đóng vai trò quan trọng bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý rác thải.

Thực tế về hạn chế việc phân loại rác thải từ đầu nguồn, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng cho hay, dù đã tuyên truyền rất nhiều nhưng để người dân ý thức chủ động phân loại từ đầu nguồn là vô cùng khó khăn. Bà Nguyễn Thuý Hằng cũng nêu thực trạng với đặc thù quận Hoàn Kiếm đông khách du lịch, khách vãng lai, nhà hàng, quán ăn mở bán vào nhiều thời điểm khác nhau nên khối lượng rác phát sinh hằng ngày rất nhiều. Bên cạnh đó một bộ phận hộ dân, hộ kinh doanh còn chưa thực hiện đúng việc vứt đổ rác.

"Vẫn còn hiện tượng người dân bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định (đặc biệt là khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều khách du lịch, hàng quán vào các khung giờ từ 10h đến 13h và từ 17h đến đêm muộn)", bà Hằng nói và nhấn mạnh tình trạng này đã gây tồn đọng rác trong các dải cây, các tuyến đường phố.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì việc phải chi hàng triệu USD/ngày cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh là không hề nhỏ. Do đó, làm thế nào để nâng cao được ý thức người dân trong việc phân loại sẽ đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyên truyền giáo dục về ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải tới người dân chưa hiệu quả. Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, thì kinh nghiệm quan sát từ các nước khác cần làm thường xuyên lâu dài, có thể mất tới hàng chục năm để thay đổi hành vi, ý thức của người dân.

"Công tác tuyên truyền giáo dục cần làm thường xuyên, sâu rộng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có nhiều hành động liên quan đến công tác tuyên truyền như xây dựng phim hoạt hình để hướng dẫn về công tác phân loại. Chúng tôi cũng đi tới các tỉnh làm tốt để ghi hình. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xây dựng bộ công cụ để nhận diện chất thải như chất tái chế, chất thải thực phẩm… để người dân dễ dàng nhận biết…", ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, công tác truyền thông cần dùng nhiều biện pháp để tuyên truyền hơn trong thời gian sắp tới. Trong đó, nổi bật là vai trò của chính những người công nhân môi trường. Vì hơn ai hết họ là người hiểu nhất về ý nghĩa vai trò của phân loại rác thải. Ngoài ra, cũng nên cho người dân đi tham quan khu vực tái chế để thấy ý nghĩa của việc phân loại và thấy được chính những sản phẩm tái chế lại quay trở lại cộng đồng.

Phan Hoạt

Đường dây do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều hành; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài, rửa tiền thông qua mua bán ngoại tệ, tiền ảo, với số tiền đã chiếm đoạt lên đến 84 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng.

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành khác ở miền Bắc sáng sớm có sương mù, ngày nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, cảm giác hanh khô. Khu vực Nam Bộ thời tiết mưa dông được dự báo về chiều tối và đêm, ngày nắng.

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文