Loay hoay tìm vốn xây dựng tuyến Vành đai 4
Ngay từ năm 2011, tuyến đường Vành đai 4 với chiều dài hơn 197km, chiều rộng 6-8 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tổng mức đầu tư 98.538 tỷ đồng đi qua TP Hồ chí Minh và 4 tỉnh lân cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, giai đoạn 1 được ấn định sẽ hoàn thành trước năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 49.110 tỷ đồng, quy mô tuyến rộng 4 làn xe. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có vẻn vẹn 11km được hoàn thành, đưa vào khai thác là đoạn chạy qua các khu công nghiệp (KCN) VISIP 2A và KCN Mỹ Phước 3 ở Đồng Nai. Ngoài ra, hiện tỉnh Long An cũng đã phê duyệt đầu tư đoạn từ nút giao An Thạnh với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương kéo dài đến đường tỉnh lộ 830.
Tuyến này trùng với Vành đai 4 khoảng 7,3km có quy mô đầu tư khoảng 3.3.81 tỷ đồng được tỉnh Long An lập kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Bình Dương hiện cũng mới chỉ triển khai đầu tư đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc có chiều dài 12,6km. Như vậy, tuyến Vành đai 4 hiện còn lại 166,6km chưa được các địa phương có kế hoạch đầu tư.
Theo báo cáo chi tiết về tình hình triển khai và nhu cầu vốn cho tuyến đường Vành đai 4 do Bộ GTVT lập cách đây 2 năm, thì tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1 đã lên đến 51.240 tỷ đồng, tăng 2.130 tỷ so với dự kiến ban đầu. Số còn lại được chia thành 7 đoạn đi qua các tỉnh, thành nhưng chưa địa phương nào có kế hoạch đầu tư.
Để triển khai tuyến đường trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ giao cho địa phương này cùng với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phối hợp lập dự án trên đoạn Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Quốc lộ 13 (tỉnh Bình Dương) trên cơ sở mỗi địa phương tự lập dự án với đoạn đi qua địa phương mình để báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thống nhất trình Chính phủ. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ một phần nguồn vốn từ Trung ương để đầu tư đoạn Phú Mỹ - Quốc lộ 13 trong giai đoạn 2021-2025 theo hình thức đối tác công - tư.
Trong khi đó, UBND tỉnh Long An cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất Chính phủ triển khai đầu tư bằng ngân sách Trung ương cho giai đoạn 2 đoạn từ nút giao cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đến đường Tỉnh lộ 830 và đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh này.
Kiến nghị của các địa phương là vậy, nhưng Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Đối với đường Vành đai 4, giao các địa phương liên quan lập dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025 các tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh việc chuẩn bị đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này”. Từ chỉ đạo trên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị các địa phương lập dự án, Bộ GTVT sẽ góp ý cụ thể về phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư và kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.
Dự án được triển khai ì ạch, đến nay các tỉnh, thành có tuyến Vành đai 4 đi qua vẫn loay hoay lo tìm vốn để đầu tư. Chưa nói đến tình trạng đội vốn do chậm triển khai dự án, tại khu vực này riêng cảng Cát Lái tại TP Hồ Chí Minh đã đạt 163 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ngoài ra, Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải cũng đã được Chính phủ định hướng phát triển thành Trung tâm logicstic Cái Mép Hạ và hệ thống kho bãi, cảng cạn, ICD nhằm hỗ trợ cho cảng nước sâu này. Đồng thời nghiên cứu thành lập Khu mậu dịch tự do tại Cái Mép để các tập đoàn quốc tế chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu về đây nhằm tận dụng lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép.
Bên cạnh đó, dự án Sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác trong năm 2025. Trong khi các tuyến kết nối liên vùng quan trọng như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành chưa được hình thành, thì những năm qua, lưu lượng hàng hóa XNK và giao thương hàng hóa tiêu thụ nội địa tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng nhanh đã dẫn đến hạ tầng giao thông đường bộ của khu vực trọng điểm công nghiệp này thường xuyên quá tải.
Nhất là gây quá tải nghiêm trọng trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 52, Quốc lộ 51, Quốc lộ 50 hay đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành… Vì vậy, ưu tiên đẩy nhanh các tuyến kết nối liên vùng trên để tháo gỡ ách tắc trong vận tải hàng hóa XNK, trong giao thương kinh tế - xã hội là vấn đề đặt ra với các tỉnh, thành có tuyến đường trên đi qua.