Mất mùa lại thêm mất giá, người trồng dưa hấu lỗ nặng
Thời điểm này, rất nhiều ruộng trồng dưa hấu trên địa bàn các xã Ia Lâu, Ia Piơr thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, trái ngược với khung cảnh tấp nập của những vụ dưa trước, rất nhiều ruộng dưa người dân bỏ không thu hoạch.
Một số ruộng dưa có thương lái đến hỏi mua thì chỉ là số lượng nhỏ lẻ để tiêu thụ các chợ trong nước, hầu như không có thương lái đến mua đi xuất khẩu. Điều này đã khiến nhiều người trồng dưa thua lỗ nặng, nhiều hộ mất hàng trăm triệu đồng chỉ sau vài tháng.
Ông Lê Văn Tú (trú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, tôi đến xã Ia Lâu, huyện Chư Prông thuê 3ha đất từ tháng tháng 8/2024 với giá thuê 20 triệu/ha; đến đầu tháng 9 thì tôi bắt đầu xuống giống dưa. Sau gần 3 tháng chăm sóc cật lực, dưa hấu đã cho trái nhưng cây không đạt năng suất và chất lượng như kì vọng.
Theo ông Tú, chi phí đầu tư cho mỗi ha dưa hấu là khoảng 160-180 triệu/ha, thông thường sẽ thu hoạch được 20-25 tấn/ha. Tuy nhiên, thời tiết năm nay bất thường nên năng suất chỉ đạt 15 tấn/ha. Đó là chưa kể do thời tiết mưa nhiều nên chất lượng quả không đảm bảo, quả không ngọt nên dưa hấu của gia đình chỉ được bán tại các chợ trong nước với giá trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.
Trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Vạn (trú xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) rầu rĩ, tôi thuê 1,2 ha đất để trồng dưa hấu từ cuối tháng 8/2024. Từ đó đến nay, trên địa bàn xã Ia Lâu thường xuyên xuất hiện mưa nên làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dưa hấu, quả không ngọt nước. Càng khó khăn hơn nữa khi đúng vào thời điểm thu hoạch, giá dưa hấu xuống quá thấp nên gia đình thua lỗ nặng.
Cũng theo ông Vạn, thương lái vừa đến thu mua dưa hấu của gia đình với giá 1.000-1.500 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1/5 giá so với các năm trước. Trong khi đó, công chăm sóc, chi phí vật tư đều tăng hơn các năm trước. Với 1,2ha dưa hấu, gia đình tôi lỗ khoảng 120 triệu đồng. "Đó là tôi còn may mắn chứ nhiều ruộng dưa khác quả kém, thương lái mua giá thấp hơn nên chủ ruộng dưa bỏ không thu hoạch vì giá bán không đủ để bù tiền thuê nhân công thu hoạch", ông Vạn nói.
Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tình trạng này cũng đang diễn ra tại xã Ia Piơr (huyện Chư Prông). Tại các ruộng dưa chỉ lác đác vài thương lái đến hỏi mua nhưng giá mua thì cũng chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ dưa hấu chủ yếu là các chợ trong nước, chất lượng dưa thấp nên không xuất khẩu được. Nhiều ruộng dưa, người dân không thu hoạch dẫn đến quả thối, nằm lăn lóc đầy ruộng. Kết quả thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trên địa bàn xã Ia Lâu có khoảng 100ha trồng dưa hấu, xã Ia Piơr có 30,6ha trồng dưa của người dân đang trong giai đoạn thu hoạch.
Ông Bùi Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr thông tin: Diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn hầu hết là người từ các địa phương khác đến thuê đất để trồng. Việc giá dưa thấp, năng suất kém địa phương đã nắm bắt được thông tin nhưng chưa thể hỗ trợ gì vì đây là các giao dịch dân sự tự nguyện. Địa phương đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở người dân trồng dưa không được xâm phạm đến đất rừng.
Ông Lưu Hoài Hưng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông nhận định, đợt thu hoạch vừa qua giá dưa hấu xuống quá thấp, người dân gần như bỏ ruộng, không thu hoạch để mặc cho bò ăn. Bên cạnh đó, trong thời gian qua thời tiết liên tục có mưa lớn đã ảnh hưởng đến chất lượng dưa hấu. Đặc biệt trong giai đoạn đậu quả, những cơn mưa kéo dài khiến cây đậu quả kém, không đủ độ ngọt, dễ bị nứt, thối.
Về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đánh giá, dưa hấu chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên khi bên đó ngưng nhập hàng, dưa hấu chỉ bán trong nước dẫn đến giá xuống thấp là điều không tránh khỏi. Ngành nông nghiệp đã có các khuyến cáo người dân chỉ phát triển những cây trồng ở vùng đảm bảo điều kiện về đất đai, khí hậu và thị trường tiêu thụ để tránh các thua thiệt đáng tiếc.