Năm 2023, có thể kiểm soát lạm phát dưới 4,5%?

06:16 09/01/2023

Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được dự báo phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Hàng loạt yếu tố rủi ro gây áp lực cho lạm phát như nguy cơ nhập khẩu lạm phát, giá cả hàng hóa đồng loạt tăng. Để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% như mục tiêu Quốc hội đặt ra, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải vào cuộc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê Việt Nam) đánh giá, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tổ chức quốc tế dự báo, lạm phát thế giới đã đạt đỉnh trong năm 2022 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro năm 2023.

Với đặc thù nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 trên 730 tỷ USD. Mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero-COVID sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng lên, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 tăng 6,79% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua và chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,56%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 trong khi hơn 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất…

Trước những thách thức trên, chuyên gia kinh tế cũng lo ngại áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, lo ngại  thì cũng có một số yếu tố giúp giảm bớt áp lực lạm phát như: Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023 sẽ kiềm chế tốc độ tăng của giá xăng dầu. Cùng với đó là sự quyết tâm, kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Lạm phát so với cùng kỳ có khả năng sẽ đạt đỉnh vào tháng 1/2023 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023. Lạm phát trung bình trong năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 3,5-4%.

Để kiểm soát thành công lạm phát năm 2023 theo mục tiêu Quốc hội đề ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, cần giữ ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớn dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

TS Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn, cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Lưu Hiệp

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文