Nâng cao chất lượng quản lý thuế thương mại điện tử
Với số liệu ước tính mỗi năm thất thu ngân sách khoảng 85% thuế phải thu từ các nền tảng số (Facebook, Google...), câu chuyện thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành vấn đề nóng của ngành Tài chính.
Trong khi TMĐT đang ngày càng phát triển, việc thất thu thuế TMĐT không chỉ gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn là tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Đứng trước thực tế này, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã tìm nhiều giải pháp để chống thất thu thuế từ hoạt động này.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu, từ năm 2018 đến ngày 29/6/2022 đạt 5.432 tỷ đồng, tốc độ tăng thu bình quân 30%/năm, số thu bình quân đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, số thu năm 2018 đạt 770 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.167 tỷ đồng; năm 2020 đạt 1.143 tỷ đồng; năm 2021 có số thu lớn nhất đạt 1.591 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam đã khai thay, nộp thay thuế nhà thầu gần 760 tỷ đồng, bằng 48% so với số thu năm 2021.
Để tạo thuận lợi cho việc kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với các chức năng cơ bản (thông tin, giao diện, hướng dẫn, đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, tra cứu) và đã hướng dẫn, hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định. Đến nay, đã có 23 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Nhiều nhà cung cấp nước ngoài đã chủ động kê khai, nộp thuế trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, tiêu biểu như: Facebook nộp 2.071 tỷ đồng; Google nộp 2.034 tỷ đồng; Microsoft nộp 692 tỷ đồng.
Dù kết quả đạt được khá tích cực, song theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, so với thu nhập và doanh thu, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tốc độ phát triển. Chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời chất vấn trên nghị trường cũng cho hay, với đặc trưng nền kinh tế số, TMĐT phát triển nhanh, việc quản lý, thu thuế gặp nhiều thách thức. "Việc thu thuế trên sàn TMĐT, các nền tảng số như Zalo, hay thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt (COD)... là vấn đề mới, khó và hiện thất thu thuế lớn do các máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc truy địa chỉ để thu thuế không dễ", ông Phớc cho biết.
Cùng với việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp TMĐT, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT để chống thất thu thuế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 18 doanh nghiệp trong nước, trong đó: Có 6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT; 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán; 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Cùng với đó, ngành Thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Đồng thời, Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an,... thu thập cơ sở dữ liệu đấu tranh, khai thác và yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài kê khai, nộp thuế tại Việt Nam. Thông qua việc tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được 220 tỷ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trên cơ sở đề án và kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại đề án “Quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam” đã được Bộ Tài chính phê duyệt, ngành Thuế đang tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin...
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngoài cơ quan thuế, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại, trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động TMĐT. Chỉ khi có nguồn thông tin tin cậy cơ quan thuế mới đưa ra được các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT hiệu quả. Cùng với đó, ngành Thuế cần đầu tư xây dựng các công cụ phần mềm chuyên dụng trong tìm kiếm dấu vết, phát hiện và xử lý giao dịch TMĐT có gian lận, né thuế…