Nghề nuôi ong lấy mật giúp nông dân Bạc Liêu tăng thu nhập

06:42 22/03/2022

Nghề nuôi ong lấy mật lâu nay đã phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước nhưng với người dân tỉnh Bạc Liêu đây là nghề mới, hứa hẹn nhiều triển vọng.

Cuối năm 2021, Hội Nông dân huyện Hồng Dân triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật” từ bông tràm tại thị trấn Ngan Dừa, nơi có nhiều diện tích trồng tràm và cây ăn quả, được đánh giá phù hợp để phát triển nghề nuôi ong.

Thu hoạch mật ong.

Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa ra đời ban đầu với 9 thành viên nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất. Thông qua nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Hồng Dân đã đầu tư 54 triệu đồng (trung bình mỗi hộ tham gia dự án được vay 6 triệu đồng) để mua con giống và đóng thùng nuôi ong. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật từ khâu thiết kế thùng, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm...

Theo ông Huỳnh Thanh Nhơn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ong lấy mật thị trấn Ngan Dừa, nuôi ong không mất nhiều thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Để nuôi hiệu quả, người nuôi cần quan tâm lựa chọn giống tốt, chọn địa điểm đặt đàn ong, có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày.

Kết quả sau hơn 5 tháng nuôi, các tổ viên đã thu hoạch được khá nhiều mật ong chất lượng với giá thành cao do mật ong hoàn toàn tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng, số lượng mật cung không đủ cầu. Nếu như ban đầu, mỗi tổ viên chỉ đặt vài thùng ong để thăm dò thì nay, các hộ đã mạnh dạn đầu tư hàng chục thùng, nâng tổng số thùng ong trong Tổ hợp tác lên gần 200 thùng, lượng mật ong đã thu hoạch là gần 1.000 lít.

Ông Huỳnh Thanh Nhơn cho biết, nhờ tham gia Tổ hợp tác, các hộ nuôi ong nhỏ lẻ trên địa bàn được kết nối, có thêm cơ hội học hỏi kinh nghiệm và tập huấn khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chăm sóc đàn ong. Với vai trò Tổ trưởng, ông Nhơn không thường xuyên đi thăm, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi với nhiều hộ khác trong tổ. Hiện tại, mật ong được bán với giá 500-600 ngàn đồng/lít. Ngoài khai thác bán mật, các hộ còn bán ong giống, các gia đình đều có thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng mật ong chất lượng cao cũng như mở rộng mô hình nuôi trong thời gian tới, ông Huỳnh Thanh Nhơn cho biết đang tiến tới thành lập hợp tác xã, tổ chức xây dựng thương hiệu, đăng ký mẫu mã nhãn mác cũng như quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại tỉnh Bạc Liêu, nuôi ong lấy mật tuy là mô hình mới mẻ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, vì nuôi ong chủ yếu dựa vào mùa hoa, lấy mật hoàn toàn tự nhiên nên người nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường. Những vùng có nhiều tràm như huyện Hồng Dân chính là môi trường lý tưởng, có nguồn thức ăn ổn định từ bông tràm nên đàn ong phát triển tốt và cho lượng mật nhiều, chất lượng tốt. Ông Trần Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Dân cho biết: Để phát triển mô hình này, Hội đã tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm những nơi nuôi ong thành công ở một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi ong lấy mật.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, anh Nguyễn Tiến Dũng, hộ nuôi ong thị trấn Ngan Dừa nói: Để thực hiện mô hình, điều kiện cần nhất là phải có một khoảng vườn nhỏ để đặt đàn ong và che mát cho nó. Có thể đặt ở khu vực có vườn cây ăn trái hay vườn tạp nhưng nơi đó phải có phấn hoa. Nếu so với những vật nuôi khác, ong không mắc nhiều dịch bệnh, vì thế cũng dễ chăm sóc hơn”. Mật ong thường được lấy vào những tháng mùa nắng, mật mới chất lượng, mùa mưa mật giảm số lượng, chất lượng.

Để khuyến khích hội viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật, ông Phạm Tuấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, cùng với việc đầu tư vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong. Mô hình này rất thích hợp để phát triển trên vùng chuyên canh nhãn của thành phố Bạc Liêu cũng như các vùng trồng rau màu của tỉnh. Hội Nông dân khuyến khích phát triển mô hình nuôi ong lấy mật do chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi.

Hiện nay, từ hiệu quả mô hình nuôi ong ở Tổ hợp tác “nuôi ong lấy mật” thị trấn Ngan Dừa cùng một số hộ dân đơn lẻ, nhiều hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu đã chọn mô hình này để phát triển kinh tế nông hộ, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.

Tuấn Kiệt

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文