Nhiều chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu
Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng căn cứ cách mạng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã giúp đồng bào Bahnar thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Sắp xếp dân cư, giúp đồng bào ổn định cuộc sống
Xã Chư A Thai là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Gia Lai. Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, huyện Phú Thiện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng căn cứ cách mạng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Để triển khai thành công đề án, chính quyền địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn do đồng bào trước đây sống rải rác trên núi Cheng Leng, quen với đời sống nương rẫy, phụ thuộc nhiều vào rừng. Khi xây dựng đề án, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp truyên truyền vận động người dân, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị giúp dân di dời nhà cửa xuống chân núi.
Ông Đinh Ley (trú làng Plei Trớ, xã Chư A Thai) chia sẻ: “Nhà mình to và nặng lắm nhưng có Bộ đội, Công an cùng dân làng góp sức nên chỉ trong một buổi sáng đã di dời được về khu đất mới, mình thấy vui lắm. Nhà cũ được di dời nguyên vẹn nên các thành viên trong gia đình ai cũng phấn khởi, ổn định chỗ ở rồi, giờ chỉ lo phát triển kinh tế”.
Vui mừng với cuộc sống mới, chị Rmah Yoh (trú làng Plei Hek, xã Chư A Thai) cho biết: “Trước đây ở trên núi Cheng Leng khổ lắm, ốm đau bệnh tật hay con cái học hành đều khó khăn. Giờ về đây có trạm y tế, có trường học cho con em, lại được nhà nước hỗ trợ làm nhà, cấp 600m2 đất ở để ổn định cuộc sống nên mình rất an tâm”.
Được biết, để triển khai đề án, huyện Phú Thiện đã huy động kinh phí khoảng 30 tỷ đồng và huy động hơn 28.000 ngày công của các đơn vị lực lượng vũ trang từ Trung ương đến địa phương cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, bà con dân làng. Kết quả, quá trình sắp xếp, bố trí dân cư đã thực hiện di dời được tổng số 274 căn nhà của 242 hộ và di dời 12 hộ với 60 nhân khẩu của huyện Phú Thiện làm rẫy trên núi Cheng Leng (thuộc xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) về định cư tại địa phương. Từ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn như hệ thống điện, đường, nước sạch… ngày càng được đầu tư hoàn thiện.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thông tin: Đề án phát triển kinh tế - xã hội 4 làng căn cứ cách mạng gồm 2 hợp phần là sắp xếp lại dân cư (2017-2020) và tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nhưng vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của làng đồng bào DTTS (2021-2023).
Cũng theo ông Tuấn, đến nay, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, huyện Phú Thiện đã cơ bản hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 làng căn cứ cách mạng: Plei Pông, King Pêng, Plei Trớ và Plei Hek.
Giúp đồng bào phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 là sắp xếp lại dân cư (năm 2017-2020), từ năm 2021, huyện Phú Thiện đã tập trung nhiều giải pháp, chính sách giúp đồng bào tại 4 làng phát triển kinh tế gia đình. Với mục tiêu phát triển kinh tế vườn, tận dụng các khoảng trống của từng hộ gia đình để làm chuồng trại, làm vườn rau xanh và trồng cây ăn trái, huyện Phú Thiện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều lớp phổ biến, tư vấn, hướng dẫn các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con DTTS tại đây dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Qua đó, đã hỗ trợ 225 hộ làm chuồng trại, 282 hộ làm vườn rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày và trồng hơn 2.570 cây ăn trái trong vườn nhà.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng triển khai 4 mô hình phát triển kinh tế (mía, mì, điều, lúa) tại 4 làng với quy mô khoảng 100ha, 115 hộ tham gia. Nhờ đó, người dân tại đây đã hình thành thói quen áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất, từng bước tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Anh Rmah Jon (trú làng Plei Pông, xã Chư A Thai) phấn khởi cho biết: “Nhà mình có 3,2ha đất trồng mì. Vụ này, gia đình được nhà nước hỗ trợ mì giống trị giá khoảng 25 triệu đồng nên rất vui. Mình cũng chuẩn bị xuống giống cây lúa với diện tích khoảng 3 sào. Mình được cán bộ hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc cây nên rất tin tưởng năng suất cây trồng sẽ cao hơn, gia đình sẽ có của ăn của để, không phải khó khăn như trước đây nữa”.
Hồ hởi bên diện tích trồng điều xen với cây mì đang phát triển xanh tốt, ông Đăm Jum (trú làng Plei Pông) cho hay: Cây điều nhà mình được nhà nước hỗ trợ cây giống, trồng đã được 1 năm và đang phát triển rất tốt.
“Giờ làng mình đẹp lắm, đường làng ngõ xóm bằng bê tông sạch sẽ, mỗi nhà đều xây dựng nhà vệ sinh, vườn rau đẹp hơn trước rất nhiều. Trước kia mình không tưởng tượng làng lại đẹp như vậy. Mình cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm, mình và bà con sẽ chăm chỉ làm ăn để xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng đẹp hơn”, ông Jum nói.
Liên quan đến nội dung này, ông Rmah Cư - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thông tin thêm: Mỗi năm địa phương đều có chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con. Năm 2023, huyện triển khai mô hình hỗ trợ giống mì K94, phân bón, vật tư cho 41 hộ thuộc 4 làng, tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng.
“Bà con rất ủng hộ triển khai các mô hình. Thông qua các mô hình này, bà con đã tiếp cận, từng bước nắm bắt được các tiến bộ khoa học - kĩ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển kinh tế gia đình”, ông Cư nói thêm.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, 4 làng căn cứ cách mạng thuộc Đề án do huyện Phú Thiện triển khai hiện có 443 hộ với 1.995 nhân khẩu. Trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 383 hộ với 1.823 nhân khẩu (chiếm hơn 91%).
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện, nói thêm: Địa phương luôn xác định công tác, chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, huyện Phú Thiện sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân, hiện thực hóa chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.