Nhiều chính sách lớn phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

17:03 13/06/2023

Hàng nghìn tỷ đồng đã được nhà nước đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2021-2025 đã và đang đem lại kết quả tích cực. Diện mạo vùng nông thôn miền núi đã thực sự khởi sắc, cuộc sống của bà con ngày càng được nâng cao.

Hỗ trợ bà con phát triển sản xuất

Trước sự thay đổi to lớn của quê hương mình, già làng Y Bâm Ksơr, buôn Đliê Ya B, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng (Đắk Lắk), tự hào: "Bọn nhỏ đứa nào cũng được tới trường, đường sá đều được bê tông hóa, đèn điện đến từng nhà...".

Theo già làng Y Bâm Ksơr, mấy chục năm trước, bà con địa phương còn nghèo khó lắm. Có gia đình làm tới 2,3ha rẫy mà quanh năm vẫn đói ăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào được hỗ trợ vay vốn làm ăn, được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên các hộ trong buôn đã khá lên nhanh chóng. Nay bà con thi đua làm giàu, nhiều gia đình xây được biệt thự khang trang, cuộc sống dư dả.

Già làng Y Bâm Ksơr, Buôn Đliê Ya B, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

“Nghe tin bọn xấu đập phá trụ sở UBND xã, sát hại cán bộ xã và các đồng chí Công an xã ở Cư Kuin , chúng tôi hết sức bất ngờ, căm phẫn. Bà con đều tự hỏi: tại sao quê hương đang yên bình, đất nước đang phát triển, buôn làng giàu đẹp từng ngày mà họ lại hành động thiếu suy nghĩ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc như vậy? Đảng, Nhà nước luôn có nhiều chính sách, chủ trương ưu đãi cho đồng bào, chăm lo cuộc sống cho bà con rất tốt. Hành động của những kẻ xấu kia khiến bà con chúng tôi hết sức căm phẫn!"- già làng Y Bâm Ksơr, buôn Đliê Ya B, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng bức xúc.

Khi nói về nhóm người dùng vũ khí tấn công trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), sát hại cán bộ, chiến sĩ Công an và người dân, ông Y Mơi Chinh, nguyên Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông đã bật khóc vì quá đau lòng. Ông Y Mơi Chinh cho biết, trong kháng chiến chống quân xâm lược, các dân tộc đã đoàn kết chiến đấu, biết bao người đã hi sinh để giành được độc lập, trong đó có bà con vùng đất Tây Nguyên.

Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống đồng bào được chính quyền chăm lo, ưu đãi hơn người Kinh. Nhiều thầy cô giáo bỏ quê hương, bản quán vào vùng rừng thiêng nước độc này mang ánh sáng con chữ tới cho đồng bào. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… chỗ nào cũng được nhà nước quan tâm đầu tư, người dân được hỗ trợ vốn làm ăn, trẻ con được đi học không mất tiền, không ai bị phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau.

“Tôi khuyên đồng bào không nghe, không theo lời dụ dỗ ngon ngọt của bọn phản động để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, vi phạm pháp luật!..”, ông Y Mơi Chinh nói.

Chị Liêng Jrang K'Sớp, ngụ thôn Đa Tế, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) trở nên khá giả sau khi được nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để làm ăn.

Huyện Đam Rông là địa phương khó khăn bậc nhất tỉnh Lâm Đồng, nơi đồng bào DTTS chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, những năm qua, bà con ở địa phương đều được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển tinh tế.

Được hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, từ năm 2019, gia đình chị Liêng Jrang K'Sớp (ngụ thôn Đa Tế, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông) đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 2 sào cà phê già cỗi sang trồng dâu chăn nuôi tằm dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của chính quyền địa phương. Giá kén tằm luôn giữ ở mức cao, trên 200.000 đồng/kg nên mỗi lứa tằm, gia đình chị Liêng Jrang K'Sớp thu về hàng chục triệu đồng.

Với thu nhập cao và ổn định, gia đình chị K’Sớp không chỉ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình, nuôi các con ăn học tử tế mà còn mua sắm được nhiều vật dụng có giá trị cao để phục vụ đời sống hằng ngày. Chị K’Sớp chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tằm cho nhiều bà con DTTS trong vùng cùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Được thừa hưởng các chính sách phát triển kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS, nhiều hộ gia đình ở Đam Rông đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Bà con cũng đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, chủ trương, đường lối của Đảng, không tin, không nghe và làm theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu, của các tổ chức phản động và các loại tà đạo.

10 dự án lớn phát triển toàn diện ở Tây Nguyên

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, qua triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 công tác dân tộc và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Lâm Đồng, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS từ 19,1% đến năm 2022 giảm còn 5,65%, giảm 2,9% so với cuối năm 2021. 95,8 % đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống giao thông ở vùng DTTS đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, mạng lưới giao thông từ huyện đến xã, thôn đang từng bước được cải thiện, 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được thảm nhựa hoặc bê tông. 100% xã, thị trấn có trạm y tế hoạt động, chất lượng cán bộ y tế được nâng cao, đảm bảo 100% xã có bác sĩ.

Thanh niên DTTS tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng) làm việc cho một doanh nghiệp ở địa phương.

Tại Lâm Đồng và Đắk Lắk, trong các năm 2022 và 2023, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã dành hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, phát triển toàn diện, đồng bộ vùng đồng bào DTTS. Tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã tập trung phát triển có hiệu quả 10 dự án, trong đó tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị…

Ngoài ra, các dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn... cũng đã được các cấp chính quyền triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng DTTS.

Trung tâm huyện Đam Rông được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang.

Chỉ tính riêng tại Lâm Đồng, 5 năm gần đây, tổng nguồn vốn đầu tư vùng đồng bào DTTS đạt hơn 3.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp 1.900 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã thu hút 115 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Theo ông K’Mák, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, ông rất vui khi được nghe già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn nói rằng: Lâm Ðồng hiện không còn nơi nào thật sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa. Qua đó để thấy được sự đổi mới vượt bậc trên những vùng đất khó khăn một thời. Dù đời sống một bộ phận người đồng bào DTTS còn khó khăn, song tổng thể quá trình phát triển, những vùng đất “khó” một thời nay đã thay đổi rõ nét, nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là một kỳ tích.

Khắc Lịch – Quỳnh Nga

Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xác định là nguồn tài nguyên mới, yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân. Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đàm Vĩnh Hưng, lại một lần nữa là Đàm Vĩnh Hưng, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận trong lần xuất hiện hoành tráng của mình. Câu hỏi tại sao lại là Đàm Vĩnh Hưng có thể dễ được lý giải theo chủ quan của Hưng là "các thành phần xấu lợi dụng đẩy câu chuyện này đi xa", nhưng cũng sẵn sàng được một chiều khác của dư luận diễn dịch theo cách: "Vì sự tự tin thái quá dẫn đến quyết định phản cảm của chính Đàm Vĩnh Hưng".

Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…

Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Điện Biên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của quan hệ hợp tác quốc tế, Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại trong đó có hợp tác quốc tế với Công an các tỉnh có đường biên giới tiếp giáp thuộc 2 quốc gia Lào và Trung Quốc trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia…

Các đơn vị trúng thầu dự án đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đi qua địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã san ủi đồi núi, đổ lấp xuống con sông chảy qua địa bàn xã này hàng nghìn m3 đất đá. Hậu quả của việc làm này không chỉ gây ra tình trạng sông suối bị chặn dòng, thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du, mà còn gây ô nhiễm môi trường xung quanh; gây bồi lấp, nhấn chìm ruộng đồng, nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở đây vào mùa mưa lũ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文