Nhiều nông dân Quảng Trị điêu đứng vì lũ trái mùa

08:06 17/06/2025

Quảng Trị vào tháng 6 là mùa của gió Lào hun hút, của đồng khô cỏ cháy, của những ruộng lúa khát khô chờ một cơn mưa, nhưng năm nay miền đất này bỗng đón một trận lũ lớn. Ở nơi con người vốn quen sống với vòng tuần hoàn khắc nghiệt của thời tiết, đó là hết hạn hán lại đến bão lũ, cũng không kịp chống chọi được với sự bất thường lớn này.

Những trận mưa lớn bất ngờ trút xuống, khiến mực nước trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Vĩnh Định lên rất nhanh, chỉ trong nháy mắt đã cuốn trôi tất cả niềm hy vọng của bà con về vụ mùa mới, từ cây lúa đến chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Thien_tai-1750122445782.jpg
Đồng ruộng sau gieo sạ, vừa nảy mầm đã bị nước lũ tàn phá; nắng vừa lên lại, ốc bươu vàng đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở.

Tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, ông Lê Bá Hàn nhìn ruộng lúa chìm sâu dưới làn nước đục mà thở dài không nói nổi lời nào. Ông đã cùng con trai kê máy bơm, làm bờ bao, chống ngập suốt hai ngày, nhưng tất cả đều vô vọng. "Nước sông lên nhanh quá, mình có muốn giữ cũng không giữ được. Bao nhiêu công gieo cấy, mớ lúa giống, bao ngày mong nắng đủ, mưa vừa, giờ trôi theo dòng nước", ông nói, giọng đầy nỗi ngậm ngùi.

Ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, ông Lê Văn Bảo cũng như bao người dân vùng rốn lũ, đang thấp thỏm chờ nước rút để gieo lại. Ông bảo, trồng lại bây giờ là trễ lịch mùa vụ, mà không trồng thì bỏ không cũng không đành. Nhưng trồng lại thì lại lo, đến kỳ gặt đúng vào mùa mưa bão. Không chỉ riêng lúa, mà hơn 3.700ha rau màu từ cải, ném, xà lách, dưa leo đến cà chua… ở miền quê này cũng đã bị mưa lũ vùi dập.

Ở những xã chuyên canh rau như Triệu Thuận, huyện Triệu Phong; Hải Dương, Hải Phong, huyện Hải Lăng, người dân đang tất tả thu dọn từng luống rau chết úng để làm lại từ đầu. "Phơi đất ít nhất ba ngày mới gieo lại được. Tranh thủ khi trời còn nắng", ông Đoàn Quang Lễ, xã Triệu Thuận, nói trong lúc hì hục kéo máy bơm, mắt không rời khỏi đám ruộng đang rịn từng váng nước bùn.

Không ai nghĩ, giữa mùa Hè, trang trại nuôi thủy sản lại thành vùng ngập úng. Ở vùng ven sông Thạch Hãn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong, hàng loạt ao hồ nuôi tôm, lồng bè nuôi cá bị cuốn trôi, đối tượng nuôi chết nổi trắng mặt nước. Ở các huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, nhiều hộ đang bước vào giai đoạn nuôi thương phẩm thì phải chấp nhận mất trắng. Bên cạnh, hàng trăm trại gà ở nhiều vùng nông thôn của Quảng Trị, vốn rất nổi tiếng với mô hình VAC, giờ cũng im ắng lạ thường. Tiếng gà gáy sớm biến mất, chỉ còn tiếng bùn xì xụp dưới chân người đi dọn chuồng.

PV Báo CAND theo đoàn công tác của địa phương do ông Hoàng Nam, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị dẫn đầu, đến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lụt tại vùng trũng Triệu Phong. Nhìn cánh đồng lúa vừa mới nảy mầm bị ngập úng, xác xơ vì nước lũ, ông trầm ngâm: "Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quảng Trị xảy ra mưa lũ lớn giữa mùa hè". Ông Nam cho biết, tỉnh đang khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để tiêu úng cho hơn 21.000ha lúa bị ngập, cứu lấy những gì còn có thể. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã lên phương án hỗ trợ giống lúa, rau màu và phân bón để người dân tái sản xuất ngay khi nước rút. Các trạm thú y và cán bộ nông nghiệp được huy động để theo dõi, ngăn ngừa dịch bệnh sau lũ, một nguy cơ lớn khi nước bẩn lưu cữu trong ao hồ và đồng ruộng.

Cùng với chính quyền, cơ quan chức năng, người dân ở Quảng cũng đang gồng mình bước vào cuộc "hồi sinh" sau lũ. Nơi nơi xôn xao tiếng người bơm nước, dọn bùn, thu dọn vật dụng, dựng lại lều trại, khơi thông kênh mương. Những đôi bàn tay nứt nẻ, rám nắng, những bờ vai gánh đầy bùn đất… lại tiếp tục lao vào đồng. Ông Nguyễn Hữu Thành, ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong bộc bạch, ngày 15/6, ngay sau khi nước lũ vừa rút khỏi một số cánh đồng, nhiều người đã xuống ruộng kiểm tra, lên kế hoạch làm lại từ đầu.

Tuy nhiên, hiện nỗi lo mới cũng đang ập đến: lịch thời vụ đã quá muộn, và dịch ốc bươu vàng đang rình rập ngay sau lũ. Ông Thành nhẩm tính: chỉ một sào lúa gieo cấy lại đã cần hơn 500.000 đồng, từ công cải tạo đất, mua giống, đến phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. "Nhưng không chỉ là tiền bạc, việc gieo lại bây giờ, phải dùng giống lúa cực ngắn ngày thì may ra cuối tháng 9 mới gặt. Mà tháng 9 là mùa bão rồi, ai dám chắc có kịp không?", ông Thành nói trong lo lắng.

Đi quanh một vòng vùng ruộng ở Triệu Long, chúng tôi thấy, trời vừa nắng lên, ốc bươu vàng đã bắt đầu sinh sôi khắp đồng, sẵn sàng tàn phá lứa mạ mới. Triệu Phong, nơi có đến 5.500ha lúa Hè Thu bị ngập, là một trong những địa phương thiệt hại nặng nhất. Còn trên toàn tỉnh Quảng Trị, gần như toàn bộ 22.000 ha lúa vụ Hè Thu đã bị nhấn chìm trong lũ. Phần lớn diện tích không thể cứu, phải chờ nước rút mới có thể gieo lại. Nhưng gieo thì trễ mùa, mà bỏ thì không nỡ.

Chia tay Triệu Phong, giữa những cánh đồng còn nặng mùi bùn, giữa gió Lào bắt đầu trở lại, thấy có nhiều hơn những bước chân tiếp tục xuống ruộng. Bà con xuống ruộng không phải vì hết lo, mà vì không thể chờ. Hy vọng, trong từng nhát cuốc, từng bầu mạ cấy lại, mầm sống sẽ lại bật lên lần nữa…

Thanh Bình

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã đồng chủ trì Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Hội Cựu CAND Việt Nam trong công tác bảo đảm ANTT.

 Chiều ngày 11/7, thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, đơn vị vừa thực hiện nghi thức chào đón chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Ethiopian Airlines, khai trương đường bay mới kết nối trực tiếp Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Addis Ababa (Ethiopia).

Qua xác minh, Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1980, thường trú tại Bạch Mai, Hà Nội), chỉ học lớp điều dưỡng trung cấp y, không phải là bác sỹ, không có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo hay tập huấn gì liên quan đến việc khám, chữa bệnh, xét nghiệm và kê đơn thuốc nhưng Hương vẫn trực tiếp khám, xét nghiệm, kê đơn thuốc cho người bệnh.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân để xảy ra một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc là do một số người đứng đầu đơn vị, cán bộ y tế chưa gương mẫu, chưa giữ vững bản lĩnh chính trị, dễ bị mua chuộc, bị lôi kéo tham gia các hành vi phạm tội hoặc tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng...

Ngày 11/7, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, Bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi thành công cho cụ ông 96 tuổi mắc ung thư đầu tuỵ phức tạp. Theo y văn thế giới, đây là người bệnh cao tuổi nhất thế giới đến thời điểm hiện tại được ghi nhận phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt khối u tá tụy thành công (sau người bệnh 92 tuổi ở Trung Quốc). 

Chiều 11/7, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền hình nhằm tăng cường công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại.  

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án kéo dài, sáng 11/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội ra phán quyết đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu cùng 39 bị cáo khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.