Những ngành kinh tế mũi nhọn góp phần bảo đảm an ninh (Bài 3)
Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.
Nhóm PV đã ghi nhận tại một số doanh nghiệp tiêu biểu trong đảm bảo an ninh mạng, an ninh trong các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, an ninh năng lượng và phát triển đường cao tốc trên các cung đường huyết mạch, xứng đáng là những "đầu tàu", ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
VNPT với chiến lược phát triển trong kỷ nguyên số
Là tập đoàn công nghệ, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) nhận lấy sứ mệnh chủ lực, dẫn dắt triển khai chương trình Chuyển đổi số Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, VNPT luôn đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đặc biệt, giai đoạn 2018-2024, VNPT đã và đang khẳng định uy tín, năng lực và vai trò tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia bằng việc chủ trì và tham gia triển khai thành công nhiều dự án công nghệ thông tin cốt lõi của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Chúng tôi đã có dịp đi thực tế tại Trung tâm Dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc, hiện là trung tâm lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam có tổng diện tích sử dụng 23.000m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks. Các thiết bị trong IDC được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7: Cumin, Hitachi, Siemens… Đặc biệt, trung tâm IDC có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế, nhờ vào lợi thế là nhà mạng viễn thông hàng đầu Việt Nam của VNPT… Đó chỉ là một trong những điểm mạnh của VNPT.
Bên cạnh việc phát triển đồng bộ hạ tầng đủ năng lực đáp ứng mọi nhu cầu về chuyển đổi số, VNPT đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ mới IOT, Cloud, AI/BigData, hình thành nền tảng công nghệ 4.0, tập trung phát triển các giải pháp số "Make in Vietnam" bằng trí tuệ và nguồn nhân lực của chính VNPT. Đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, Tổ chức/Doanh nghiệp, duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Chính phủ điện tử. Đến thời điểm này, VNPT đã có thể cung cấp một hệ sinh thái các giải pháp, sản phẩm dịch vụ số đa dạng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của nhiều lĩnh vực KTXH, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hơn 6 năm qua, VNPT và Ủy ban đã có sự phối hợp chặt chẽ để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho sự phát triển của VNPT nói riêng, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trước yêu cầu chuyển đổi số toàn bộ hoạt động KTXH hiện nay. Kết quả tái cơ cấu, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả SXKD của VNPT nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài sản Nhà nước đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện an sinh xã hội và quốc phòng an ninh; bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động... đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.
VNPT đã định hướng và cơ cấu lại mô hình tổng thể hoạt động của Tập đoàn phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh viễn thông; hình thành đơn vị trụ cột mới về công nghệ thông tin hoạt động toàn quốc, tập trung nguồn lực và phát huy việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ số quan trọng cho khách hàng tổ chức, doanh nghiệp số; nhân lực của Công ty VNPT-IT tăng 141% từ 1.195 người năm 2018 lên 1.686 người năm 2020; doanh thu công nghệ thông tin liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 20%-30%/năm giai đoạn 2018-2020...
Vinafor từ trồng rừng tới sản phẩm
Chuyển từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đã đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả SXKD và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của Tổng Công ty, thống nhất các đầu mối quản lý, giám sát tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp trực thuộc, tập trung nguồn lực, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước.
Cùng với vai trò cầu nối của Ủy ban và sự chủ động phát huy nội lực của doanh nghiệp, Vinafor đã phối hợp các cơ quan lập pháp soạn thảo, ban hành các chính sách, chiến lược phát triển; cầu nối với chính quyền địa phương nơi Tổng Công ty có địa bàn hoạt động hoặc có chính sách phát triển ngành, nghề liên quan đến Tổng Công ty; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, sáng tạo và hiệu quả để sử dụng tốt nhất các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng thể, vai trò của doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Qua đó, vị thế, hình ảnh của Tổng Công ty ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, các đối tác nước ngoài và cổ đông chiến lược của Tổng Công ty.
Bên cạnh đó, Vinafor tiếp tục bảo toàn và phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tài sản của Nhà nước đầu tư tại Tổng Công ty. Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, thực hiện tốt vai trò là DNNN lớn trong việc định hướng, dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phần kinh tế khác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp; góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của cả nước, cải thiện môi trường và chống biến đổi khí hậu... Đến nay các hoạt động của Tổng Công ty vẫn đạt kết quả tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và vượt các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đã đề ra, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách Nhà nước (NSNN) với doanh thu ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước.
Ngoài các hiệu quả kinh tế, hoạt động SXKD của Vinafor còn mang lại hiệu quả lớn về xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh... Nổi bật là, đã dẫn dắt phát triển kinh tế miền núi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội; tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân địa phương thông qua giao khoán rừng, sản xuất theo mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững, nhất là tại địa bàn miền núi, biên giới. Giảm vi phạm pháp luật về lâm nghiệp thông qua nâng cao năng lực cho người dân địa phương và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội…
Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng tại Petrolimex
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) luôn phát huy tốt vai trò là DNNN chủ đạo trong việc cung ứng, bình ổn thị trường xăng dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước, với sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Ủy ban, toàn hệ thống Petrolimex từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên đã quyết tâm, đồng lòng triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, thích ứng nhanh để phát huy tốt vai trò chủ đạo trong việc bình ổn thị trường xăng dầu - ngay cả khi chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ - hoàn thành tiến độ kế hoạch SXKD được Ủy ban giao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
9 tháng đầu năm 2024, Petrolimex đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch: Tổng sản lượng xuất bán đạt hơn 11,4 triệu m3, tấn, hoàn thành 88% kế hoạch năm 2024 và bằng 104% so với cùng kỳ; tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 113% kế hoạch năm 2024 và bằng 104% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 3.200 tỷ đồng, tương đương 114% kế hoạch năm 2024 và bằng 104% so với cùng kỳ; nộp NSNN đạt trên 24.000 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm và 93% so với cùng kỳ.
Tập đoàn luôn chú trọng công tác đảm bảo nguồn, hoàn thành hạn mức nhập khẩu theo phân giao của Bộ Công thương; tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và giá dầu thế giới để điều hành tồn kho hợp lý, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo nguyên tắc thận trọng.
Petrolimex tập trung đầu tư phát triển hệ thống phân phối, coi đây là giải pháp quan trọng để gia tăng sản lượng bán lẻ và hiệu quả kinh doanh; tăng cường hoạt động marketing, hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng, chính sách phát triển các kênh bán hàng đồng bộ, toàn diện để nâng cao tính cạnh tranh; thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hoạt động phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng và thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu.
Bên cạnh đó, Petrolimex đã đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển, tập trung nguồn lực đầu tư Trạm dừng nghỉ trên tuyến đường thuộc các dự án lớn, trọng điểm khi hoàn thành trong tương lai sẽ góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, duy trì nguồn cung ổn định cho nhu cầu xã hội.
Tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các chương trình đổi mới sáng tạo trong nội bộ và mở rộng thử nghiệm thanh toán tự động công nghệ RFID, camera thông minh nhận diện biển số xe, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng... tại hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex.
VEC vượt qua "bóng tối", mở toang “cánh cửa giao thương"
Cách đây 20 năm, Chính phủ quyết định thành lập một doanh nghiệp trực thuộc là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (tiền thân của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC ngày nay). Đây có thể coi như một quyết định mang tính lịch sử, mở ra một chương mới cho sự phát triển mạng lưới đường cao tốc của nước ta khi VEC là mô hình đặc thù đầu tiên và đến nay vẫn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất hoạt động trong lĩnh vực đầu tư phát triển và quản lý khai thác vận hành, thu phí hoàn vốn các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.
Từ sản phẩm đầu tay là dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC tiếp tục huy động thành công hơn 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay trong nước, trái phiếu công trình và các tổ chức quốc tế để đầu tư các dự án cao tốc trọng điểm trên khắp mọi miền Tổ quốc: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành, với tổng chiều dài 540km.
Ông Phạm Hồng Quang, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng Giám đốc VEC cho hay, VEC cũng từng có thời điểm "lạc trong bóng tối". Nhờ có sự bền bỉ, nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động nên bức tranh kinh doanh hiện đã, đang trên đà khởi sắc. Với vai trò quản lý vận hành, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc Nhà nước giao, VEC đã đưa vào khai thác ổn định 490km thuộc 4/5 dự án đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), chiếm hơn 27% chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đang vận hành khai thác, phục vụ trên 400 triệu lượt phương tiện.
Với phương châm tái cơ cấu vì mục tiêu "dùng hạ tầng "đẻ" ra hạ tầng", Tổng Công ty đã được Chính phủ ủng hộ tối đa bằng các cơ chế, chính sách đặc thù, mà điển hình là giúp tháo gỡ khó khăn về năng lực tài chính thông qua việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án đường bộ cao tốc; được sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan giúp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc tăng vốn điều lệ cho VEC...
Nhờ đó, tổng doanh thu thu phí (không bao gồm VAT) đạt hơn 30.000 tỷ đồng, đảm bảo trả các khoản nợ đến hạn theo phương án tài chính được phê duyệt. Giai đoạn 2021 - 2023, kết quả SXKD VEC đạt được qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về lợi nhuận, tổng doanh thu, nộp ngân sách. Tổng doanh thu đạt hơn 20.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt hơn 2.700 tỷ đồng; nộp NSNN hơn 2.000 tỷ đồng. Các tuyến đường bộ cao tốc do VEC đưa vào khai thác giúp tiết kiệm thời gian lưu thông, giảm ùn tắc, TNGT. Bên cạnh mở toang "cánh cửa giao thương", các tuyến cao tốc còn là "chất xúc tác" đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dọc tuyến.
(còn nữa)