Nỗ lực giải quyết nhà ở cho công nhân

07:43 10/12/2023

Nhà ở xã hội là vấn đề đang rất nóng và được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho công nhân. Hiện nay đa số công nhân lao động đang phải ở thuê tại các khu nhà trọ tồi tàn, chật hẹp, xuống cấp không đảm bảo chất lượng cuộc sống. Chính vì thế nhà ở đang là vấn đề bức xúc của hàng chục triệu công nhân, người lao động hiện nay.

Trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được cho phép là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội (nhà ở công nhân cho thuê) bằng nguồn tài chính công đoàn. Đây là Quy định mở ra nhiều kỳ vọng về việc giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, góp phần hoàn thành Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ thời gian tới. Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

PV: Nhà ở cho công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp đang được nói đến rất nhiều thời gian qua, thực trạng nhà ở của hàng triệu công nhân qua khảo sát thực tế của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay là như thế nào thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Đối với công nhân ngoài các khu công nghiệp, số lượng có nhu cầu càng lớn hơn. Khảo sát của tổ chức Công đoàn cũng cho thấy, người lao động đang sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800.000 đồng - 1,5 triệu đồng/tháng.

Chúng tôi đã tiến hành nhiều khảo sát, kết quả cho thấy có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn. Chính bản thân tôi khi đi thực tế đời sống của người lao động cũng đã tận mắt thấy những vất vả của người công nhân lao động trong vấn đề nhà ở. Một gia đình 4 người đang thuê trọ trong căn phòng 10m2 gần KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). 2 con gái đều đang ở tuổi lớn nên mới đây đã buộc phải gửi con ở quê với bà nội vì điều kiện kinh tế không cho phép. Hay như một gia đình công nhân quê ở Bắc Giang đang làm việc tại KCN Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) cũng buộc phải gửi các con về quê nhờ ông bà chăm sóc bởi nhà trọ chật hẹp. Cả nhà chỉ thuê căn phòng trọ hơn 10m2 để tiết kiệm chi phí. Người chồng, ngoài làm công nhân đóng gói bánh kẹo, thi thoảng còn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập.

Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động là rất lớn. Với đồng lương ít ỏi, khả năng tích lũy tài chính eo hẹp thì sở hữu căn nhà giá trị lên tới cả tỉ đồng trở nên “không tưởng” với nhiều người lao động. Mặt khác, trong năm 2022 và năm 2023, thu nhập của người lao động bị giảm sâu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khiến nhu cầu được thuê nhà ở giá rẻ ngày càng trở nên cấp thiết. Nhiều người lao động, nhất là lao động có thu nhập thấp đang trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội giá rẻ để họ có thể mua căn hộ trả góp, phù hợp thu nhập. Do đó việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Chăm lo chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt thiết yếu phục vụ nhu cầu ở cho người lao động là chăm lo đến nhu cầu thiết yếu nhất của đoàn viên, người lao động.

PV: Ngày 27/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Đang có nhiều kỳ vọng, ở góc độ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc này có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết nhà ở cho hàng triệu công nhân lao động thời gian tới thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở trong đó quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội. Phải nói là các đại biểu dự đại hội bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm, lắng nghe, giải quyết nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, ý kiến của tổ chức Công đoàn của Đảng, Nhà nước. Nhiều đại biểu dự Đại hội cho rằng, đây là món quà ý nghĩa, thiết thực dành tặng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Đoàn viên, người lao động rất phấn khởi khi biết Công đoàn được tham gia xây dựng nhà ở để cho thuê.

Tổ chức Công đoàn luôn xác định nhà ở là vấn đề bức xúc của người lao động. Đảm bảo người lao động có nhà ở là vấn đề được hiến định cũng như là một trong những nội dung mà tổ chức Công đoàn xác định cần tham gia sâu sát. Vấn đề này cũng được Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới xác định “… bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở, trường học, bệnh viện, nơi vui chơi, giải trí, xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập”.

Việc Luật Nhà ở sửa đổi là cơ sở pháp lý quan trọng đưa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong các chủ thể tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động. Công đoàn tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê vừa là vấn đề an sinh xã hội, kinh tế, thúc đẩy đoàn viên, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó còn là vấn đề có ý nghĩa chính trị to lớn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn. Từ đó giúp Công đoàn làm tròn sứ mệnh của mình.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, xây dựng nhà ở cho người lao động từ nguồn tài chính Công đoàn chỉ là đóng góp được phần nào nhu cầu nhà ở của hàng triệu người lao động hiện nay, để giải quyết được căn cơ vấn đề này cần có sự vào cuộc của Nhà nước, của các nguồn lực trong xã hội. Bởi tài chính Công đoàn được sử dụng chủ yếu để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn. Từ quy định của pháp luật, tổ chức Công đoàn mong muốn nhà ở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ quản đầu tư sẽ là mô hình mẫu để thúc đẩy xã hội, các doanh nghiệp dành nguồn lực xứng đáng cho việc xây dựng nhà ở cho người lao động. Bởi suy cho cùng, người lao động là tài sản “sinh lợi” lớn nhất của doanh nghiệp, người lao động “an cư, lạc nghiệp” cũng là gốc để giữ vững an ninh, trật tự xã hội, đảm bảo quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đất nước.

Thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn, Hà Nam đã được triển khai mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ nhu cầu của công nhân lao động.

PV: Thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai một số thiết chế Công đoàn tại các địa phương. Trong đó, có thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn, Hà Nam đã được dưa vào sử dụng nhưng hình như vẫn còn đang có những vướng mắc nhất định. Bên cạnh Luật Nhà ở sửa đổi thì còn có thêm các quy định nào nữa cần được sửa đổi để Tổng Liên đoàn tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đạt được hiệu quả cao nhất, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg, ngày 12/5/2017, phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sau này sửa đổi thành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức triển khai ở các địa phương khác nhau, trong đó đã xây dựng khu thiết chế Công đoàn tỉnh Hà Nam, đóng tại Khu Công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên, được thiết kế gồm 5 tòa nhà với tổng số 244 căn hộ. Đến nay, các căn hộ đã lấp đầy 100% công nhân vào thuê. Chất lượng công trình, cảnh quan, môi trường tốt. Với 1 triệu đồng/tháng, đoàn viên, người lao động đã có thể có căn hộ cho gia đình 4 người với tiện nghi tương đối đầy đủ và môi trường sống đảm bảo an ninh, an toàn. Tuy nhiên, số lượng người lao động được thụ hưởng thiết chế Công đoàn còn quá thấp so với nhu cầu rất lớn hiện nay.

Để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định liên quan đến hình thức phát triển nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Luật, bên cạnh Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa ban hành, cần sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời rà soát một số đạo luật khác. Để Luật Nhà ở được thực thi đầy đủ cần có các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến hệ thống pháp luật liên quan, các cơ quan chức năng và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần rà soát quy hoạch KCN trên địa bàn toàn quốc để xác định quỹ đất dịch vụ chưa xây dựng công trình để giới thiệu Tổng Liên đoàn và doanh nghiệp kinh doanh KCN triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Giảm bớt các thủ tục cho công nhân thuê nhà ở, tăng các chính sách ưu đãi tại các dự án do Tổng Liên đoàn đầu tư.

PV: Hành lang pháp lý đang được khơi thông, ông có thể cho biết, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các thiết chế Công đoàn của Tổng Liên đoàn sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2025. Như vậy, Công đoàn có 1 năm để chuẩn bị các điều kiện để triển khai. Theo quy định của pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở xã hội với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư (cơ quan phê duyệt, cấp vốn đầu tư) mà không trực tiếp với vai trò là chủ đầu tư dự án. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giao Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê. Khi đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện vai trò là đơn vị chủ quản đầu tư: phê duyệt, cấp phát vốn, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt giá cho thuê.

Tổng Liên đoàn sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động hợp lý, cân đối với các hoạt động chăm lo khác cho đoàn viên và người lao động. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng. Bên cạnh kinh nghiệm đã triển khai các thiết chế Công đoàn trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn nâng cao năng lực thực hiện, có kế hoạch cụ thể để triển khai các dự án khả thi, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文