Nỗ lực vượt khó, tạo dấu ấn kinh tế Việt Nam năm 2022

07:02 31/12/2022

Năm 2022, kinh tế Việt Nam về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng, tạo thế và lực cho đất nước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ghi dấu ấn về kết quả và điều hành kinh tế vĩ mô

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Xuất khẩu là điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

Tiêu dùng nội địa đã bật tăng trở lại sau hơn 2 năm ảm đạm bởi dịch COVID-19. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Như vậy, thị trường đang ấm dần lên với lượng hàng hóa dồi dào, bảo đảm quan hệ cung-cầu và đặc biệt là giá cả ổn định. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch có bước chuyển khá ấn tượng với sự tái lập, kết nối các chuyến bay trong nước, quốc tế cũng như những loại hình vận chuyển khác. Tiêu dùng nội địa dần phục hồi, đóng góp kịp thời vào tăng trưởng cũng như thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên diện rộng…Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của các năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của các năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%.

Vị thế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định rõ hơn. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sản xuất hàng XK gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, nhưng kim ngạch XK hàng hoá năm sau cao hơn năm trước, phản ánh sự năng động, vượt khó đi lên trong tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm thị trường. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá cả năm vượt mốc 732,5 tỷ USD, với 36 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên XK thuỷ sản cán mốc 10 tỷ USD, đưa Việt Nam là quốc gia XK thủy sản lớn thứ 3 thế giới, chiếm trên 7% thị phần toàn cầu; cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, đạt 11,2 tỷ USD góp phần giảm bớt áp lực tỷ giá trên thị trường ngoại tệ.

Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Năm 2022 có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế cho thấy các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, mặc dù đối mặt với khó khăn nhưng cộng đồng doanh nhân vẫn dấn thân, bằng mọi cách duy trì sản xuất kinh doanh bên cạnh kết quả khởi nghiệp dân doanh đáng ghi nhận. Trong năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả phát triển khá toàn diện là nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn. Hệ lụy từ đại dịch khiến doanh nghiệp phải đương đầu với giá nguyên, nhiên vật liệu và logistic tăng cao; thiếu hụt linh kiện lắp ráp; khó khăn về vốn, tài chính; thiếu hụt lao động nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động bình quân một tháng trong năm đạt trên 17,5 nghìn doanh nghiệp.

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế đã được Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.

Chia sẻ về sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2022 là một điều phấn khởi, cho thấy sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Có một số nguyên nhân khiến lạm phát trong tầm kiểm soát tốt. Đó là, sự điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, tập trung tạo điều kiện cho sản xuất để tạo lượng hàng hóa dồi dào, nhất là nông sản thực phẩm đưa ra thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại, khơi thông thị trường và bảo đảm kết nối cung-cầu cũng diễn ra suôn sẻ, kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của người dân. Nhìn chung, hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, phẩm cấp nên tạo điều kiện tốt cho các hộ gia đình trong sinh hoạt đời thường cũng như các dịp lễ, tết trong năm.

Trên thực tế, Chính phủ đã chủ động trong dự báo, xác định biện pháp ứng phó linh hoạt và phù hợp trước những tình huống bất lợi và làm tốt công tác điều hành; nhất là trong kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn, nguồn cung xăng dầu, vật tư chiến lược; điều tiết sản xuất, hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các cơ hội để tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô xuất khẩu.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 bứt tốc mạnh mẽ song bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02% và đây sẽ là mục tiêu đầy thách thức. Cơ sở để đạt được mục tiêu này dựa trên các động lực chính. Đó là, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, du lịch tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế; đầu tư công, xuất khẩu vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này, bà Hương cho rằng, cần chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, năm 2023 áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam rất lớn, đến từ nhiều yếu tố. Để giữ ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả trong thực thi chức trách và hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự ổn định chính trị, ổn định vĩ mô, cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đây cũng là những căn cứ quan trọng cho kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các cơ hội để tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô xuất khẩu nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm trong nước cũng như nâng sức đóng góp của xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, phát huy thế mạnh của hàng Việt, chủ động gia tăng xuất khẩu thông qua tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do để khai thác sức mua của đối tác.

Lưu Hiệp

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文