Nợ xấu cho vay đóng tàu hơn 67%
Đến cuối quý I năm nay, tổng dư nợ cho vay theo chương trình là 9.482 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%, tại Bình Định tỷ lệ nợ xấu là 98%.
Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu tại phiếu chất vấn số 75 liên quan đến vai trò của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trong chính sách phát triển thủy sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), NHNN đã ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng thương mại và NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển đẩy mạnh triển khai thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách.
Kết quả, từ năm 2014 đến ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020), với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng.
Đến cuối quý I năm nay, tổng dư nợ cho vay theo chương trình là 9.482 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,26%. Trong đó có tới 23/27 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ xấu cao trên 50%, tại Bình Định tỷ lệ nợ xấu là 98%.
Trước thực trạng đó, để hạn chế nợ xấu phát sinh và hỗ trợ ngư dân trong quá trình vay, trả nợ ngân hàng, NHNN đã có văn bản chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, NHNN chi nhánh 27 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67.