"Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại"

08:58 12/08/2022

Một trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đó là “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”.

Đây là điểm mới so với Nghị quyết 26 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số toàn cầu, Nghị quyết đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân.

Vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển đất nước

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước. Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 (Khóa X) nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Đặc biệt, những lúc khó khăn nhất từ chiến tranh, thiên tai, suy thoái kinh tế, gần đây nhất là đại dịch COVID-19 nhưng nông nghiệp, mà đằng sau là người nông dân Việt Nam luôn vươn lên trở thành “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế.

Mô hình trồng rau sạch thủy canh công nghệ cao ở Đà Lạt.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp từ 2,8% đến 3%/năm. Đây là tốc độ cao của thế giới. Đặc biệt, tính đa dạng về sinh thái, thổ nhưỡng, sinh học, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, nhân lực trẻ khá phong phú, cho phép các hộ nông dân - hạt nhân của hợp tác xã cùng doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả hơn 10 triệu héc-ta đất canh tác nông nghiệp và hơn 14 triệu héc-ta rừng để sản xuất được cả ba nhóm nông sản nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới với hàng nghìn giống cây, con, thổ sản quý hiếm.

Ước tính, hằng năm Việt Nam sản xuất được trên 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8 triệu tấn thủy sản cả khai thác tự nhiên và nuôi trồng; gần 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng; sản lượng cà phê thô đứng thứ hai trên thế giới; hạt tiêu đứng đầu thế giới; cao su đứng thứ sáu trên thế giới. Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước và dành phần xuất khẩu đạt trên 45 tỷ USD đến 190 nước trên thế giới. Thành tựu đó đã đưa tỷ lệ nghèo giảm đáng kể đem đến những cải thiện trong hầu hết các chỉ số về năng suất, vốn và vốn nhân lực.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong tâm thế Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Điển hình là sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún và thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường.

Hiện mới chỉ có 8% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 92%, đồng nghĩa với việc khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và bất cập trong kết nối cung cầu nông sản. Chưa kể, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, vay vốn, xây dựng, môi trường, vẫn là những điểm nghẽn làm mất nhiều thời gian.

“5 tự” + “6 nhà” = “3 cao”

Chính vì vậy, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính trọng tâm. Trong đó, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn được coi là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Điểm mới này nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ tạo ra chuyển biến lớn và căn bản trong nền nông nghiệp của nước ta. Tuy nhiên, phải chú ý đến xây dựng một nền nông nghiệp văn minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ; mối quan hệ giữa nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống và vị trí của người nông dân khi thực hiện Nghị quyết số 19.

Xây dựng một nền nông nghiệp văn minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là vấn đề mấu chốt đang được đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển xanh gắn với bền vững trước thách thức vô cùng lớn của biến đổi khí hậu mà Việt Nam được đánh giá là quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Trên thực tế, người dân đã tiếp cận được với công nghệ hiện đại để nâng cao nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp có trình độ cao, năng suất lao động cũng cao hơn. Thế nhưng, lại có hiện trạng bỏ ruộng, không sử dụng triệt để tài nguyên rất quý đó là ruộng đất.

Bên cạnh đó là thực trạng lao động, thiếu lao động. Những lao động trẻ, khỏe đều làm việc tại các khu công nghiệp hoặc các thành phố. Trong khi ở nông thôn chỉ còn người phụ nữ, người già, trẻ em. Điều đó đặt ra những băn khoăn tiếp tới xây dựng một nền nông nghiệp văn minh, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, hiện đại. Vậy phải làm sao để người nông dân “không ly hương”?, làm giàu trên mảnh đất của mình thì nền nông nghiệp mới thực sự phát triển bền vững?

Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” đang là đòi hỏi lớn. Vừa sử dụng triệt để tài nguyên quý giá là đất, vừa nâng cao đời sống, cải thiện bộ mặt cho người dân, nông thôn ngày càng hiện đại, văn minh, nền nông nghiệp có giá trị cao.

Cần gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết sáu nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy cao độ vai trò chủ thể của nông dân. Thực hiện chủ trương này, các nhà quản lý phải phát huy vai trò trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu để nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp và tham gia thị trường.

Nông nghiệp không thể thiếu doanh nghiệp làm khâu kết nối sản xuất với thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là tất yếu. Muốn vậy, các chính sách khuyến khích cần cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, tạo được sức hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát huy vai trò của nông hộ trong hợp tác xã và doanh nghiệp để tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường.

Bởi vậy, việc tập trung đào tạo các kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới và kỹ năng quản trị kinh doanh cho hội viên nông dân, đặc biệt lấy các nhà nông thành công trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp làm gương và làm theo phương châm “nông dân dạy nông dân” bằng phương pháp dạy học thực hành theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi mà các nhà khoa học của nhà nông đóng vai trò như “thư viện của nông dân”.

Có hình thức tổ chức, tập hợp các nhà khoa học nông nghiệp và tiếp tục tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” để mang đến cho nông dân không chỉ niềm tự hào mà quan trọng hơn là những tâm đức và kiến thức quý báu của họ. Hỗ trợ hội viên, nông dân các trang thiết bị thông tin, kết nối, liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường để làm tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.

Đã nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh câu nói của Các-Mác: “Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”. Vì vậy phải xây dựng nền nông nghiệp thật sự hiện đại và năng suất cao mới có thể chiếm lĩnh được thị trường thế giới và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Việc đổi mới công tác định hướng về vay vốn của nông dân theo yêu cầu phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh hóa gắn với xây dựng hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo phương thức “5 tự” và “5 cùng” để nâng cao năng lực tổ chức liên kết “sáu nhà” hay liên kết chuỗi và nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức mới và đẩy mạnh trí thức hóa nông dân.

Chỉ có vậy, 8 triệu hộ nông dân trong đó có 3,5 triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp mới phát triển được vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh, gắn với cơ sở công nghiệp chế biến để đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta đạt được cả “ba cao” về năng suất, chất lượng, giá trị theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh phát triển: “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Việt Cường

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文