Quá nửa bộ, ngành chưa giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài
Dù tỷ lệ giải ngân năm nay được đánh giá khả quan hơn, tiến bộ hơn so với năm 2021 và 2022, song với tiến độ này, việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài vẫn quá chậm.
Sáng 28/6/2023, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm và các biện pháp tăng cường giải ngân năm 2023. Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN - Bộ Tài chính) Trương Hùng Long cho biết, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành, các chủ dự án bám sát tình hình giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn nước ngoài. Các cấp, ngành, các chủ dự án đã coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm.
“Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân này là khả quan, có sự tiến bộ hơn so với năm 2021 và 2022” - ông Trương Hùng Long nhận xét. Tuy nhiên, đại diện Cục QLN&TCĐN đánh giá, khối lượng hoàn thành chưa cao. Do đó, để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đề ra thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm lớn, cần sự quyết tâm, quyết liệt, cần những giải pháp khả thi, sát thực tế.
Về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 bộ, ngành là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (gần 47,42%) có giải ngân. Tuy nhiên, số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 bộ, ngành là: Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam 47,42%; Bộ Giao thông - Vận tải 30,97%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30,56%. 2 bộ còn lại có số giải ngân rất ít: Bộ Tài nguyên và Môi trường 4,19%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 5,26%.
Thông tin tại hội nghị, hiện nay 6 bộ, cơ quan Trung ương còn lại chưa có giải ngân (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội mới được phê duyệt điều kiện cho vay lại, ký hiệp định vay phụ và hợp đồng ủy quyền; các đơn vị còn lại gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, các bộ, chủ dự án đã xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từ tháng 6 đến cuối năm và tháng 1/2024.
Đại diện Phòng Quản lý dự án trung ương (Cục QL&TCĐN) cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận số lượng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm, theo Bộ Tài chính, vẫn là những lý do xưa cũ như dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, Hợp đồng ủy quyền cho vay lại; vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và Chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng.
Một nguyên nhân khác là dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai. Hay vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, các Bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ kế hoạch vốn 2022…