Quảng Bình đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện ý kiến chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Song thực tế hiện nay, Quảng Bình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, có nhiều cơ quan, đơn vị từ đầu năm đến nay được giao nguồn vốn nhưng giải ngân 0%. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chỉ được thực hiện có hiệu quả khi giải quyết được điểm nghẽn “trên nóng, dưới lạnh”. Bởi khi UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số sở, ban, ngành vẫn “đủng đỉnh” với nguồn vốn.
Nhiều cơ quan, đơn vị giải ngân vốn 0%
Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.864 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.277 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương là 1.587 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh phân bổ là 6.345 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.994 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.351 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tổ chức các hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, các tổ công tác về các địa phương, cơ sở, các ban, ngành để đôn đốc việc thực hiện giải ngân nguồn vốn. Song tính đến nay, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Làm việc với cơ quan chức năng địa phương, chúng tôi được biết, tính đến đầu tháng 9/2024, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Bình thực hiện gần 2.431 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,3% so với kế hoạch tỉnh triển khai. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình và các chủ đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có 53 dự án giải ngân thấp (dưới 30%) với tổng số vốn bố trí là 978 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chung của các dự án này đạt 11,8%, đặc biệt, có 18 dự án chưa giải ngân (tỷ lệ 0%) với số vốn bố trí là 60 tỷ đồng.
Các đơn vị giải ngân 0% gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Ban Dân tộc; Đảng ủy khối Doanh nghiệp; Hội Nông dân, Sở Xây dựng; Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch; Trường THCS&THPT Bắc Sơn và Trường THPT Lê Trực. Các chủ đầu tư có dự án giải ngân 0% gồm Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm; UBND huyện Quảng Trạch; UBND huyện Quảng Ninh; UBND huyện Lệ Thủy; Sở Công thương; Ban quản lý Khu kinh tế…
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị tỷ lệ giải ngân thấp, có tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt dưới 30% gồm: Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn (1,7%); Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (5,3%); Sở Văn hóa và Thể thao (9,1%); Trung tâm ứng dụng và thống kê khoa học và công nghệ (11,4%); Trung tâm Công tác xã hội (11,36); UBND huyện Quảng Trạch (20,7%); Tỉnh Đoàn (26,5%), UBND huyện Tuyên Hóa (26,7%); UBND thành phố Đồng Hới (27,5%), Sở Công thương (27,7%); BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh (28%); Văn phòng HĐND tỉnh (28,3); UBND huyện Quảng Ninh (28,3%); UBND huyện Lệ Thủy (28,6%)…
Trong quá trình tìm hiểu thực tế để viết bài, chúng tôi nhận thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ chưa cao ở một số cơ quan, đơn vị của Quảng Bình một phần là do đặc thù của giải ngân vốn, đó là giải ngân tỷ lệ thấp vào những tháng đầu năm nhưng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thực tế này mấy năm gần đây có xu hướng trở thành quy luật bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán.
Song đối với những cơ quan, đơn vị tỷ lệ giải ngân vốn 0% là do nhiều nguyên nhân như: do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để; công tác chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn; một số đơn vị chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, dự án chưa xong thủ tục…
Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để giải ngân nguồn vốn
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, nếu hết ngày 31/12/2024, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, bị hủy dự toán dẫn đến dự án thiếu vốn, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tự chủ động thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình theo đúng mục tiêu đề ra. Để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, Quảng Bình đã thành lập 3 tổ công tác giao cho 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để đôn đốc giải ngân nguồn vốn. Nhiệm vụ của các tổ công tác là theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công (nhất là các dự án sử dụng ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ) theo các ngành, lĩnh vực được giao; đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tổ công tác số 1 do ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ trưởng, theo dõi, đôn đốc các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc, Ủy ban MTTQVN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh… và phụ trách các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Dự án hiện đại hóa và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tại tỉnh Quảng Bình. Tổ công tác số 2 do ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, theo dõi, đôn đốc các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công thương; Sở Xây dựng; Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế… và phụ trách các dự án; môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới; dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; dự án hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng toàn diện 4 tỉnh; dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị xã Ba Đồn và các dự án ODA.
Tổ công tác số 3 do ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, theo dõi, đôn đốc các dự án đầu tư công do các cơ quan, đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị trực thuộc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và các đơn vị trực thuộc, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Sở Ngoại vụ… Đồng thời phụ trách các dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình và dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2.
Để việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao trong những tháng còn lại của năm 2024, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giải ngân đầu tư công; khắc phục tối đa hạn chế, vướng mắc. Khẩn trương, kịp thời xử lý dứt điểm các nhiệm vụ được tổ tưởng các tổ công tác của UBND tỉnh đã kết luận, chỉ đạo. Tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% phải khẩn trương gửi kế hoạch tiến độ giải ngân về Sở Kế hoạch - Đầu tư trước ngày 20/9 để theo dõi, báo cáo các tổ công tác của UBND tỉnh. Vướng mắc tại bước nào, khẩn trương phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Đến thời điểm ngày 30/9, các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% (trừ các dự án khởi công mới năm 2024), giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chuyển sang cho các dự án khác và chủ đầu tư chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các chủ đầu tư rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục triệt để hạn chế, tồn tại trong việc giải ngân vốn đầu tư công; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ lãnh đạo phụ trách từng dự án, xử lý khó khăn vướng mắc và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của dự án; phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách từng dự án sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả giải ngân năm 2024, đồng thời đưa vào kết quả thi đua khen thưởng của cán bộ công chức năm 2024.