Quảng Ninh tiếp tục khẳng định niềm tin với doanh nghiệp và nhà đầu tư
Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu, đồng thời lập kỷ lục 9 năm nằm trong TOP 5 và 5 năm liên tiếp nhận Cúp quán quân trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tại lễ công bố PCI vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã dành thời gian để phân tích về tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động DN và đánh giá triển vọng phục hồi trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư được địa phương quan tâm, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin và thành lập các tổ công tác để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình mới, xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…
Theo đó, năm 2021, dù còn nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư với tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD.
Kết quả là Quảng Ninh đạt 73,02 điểm trên thang điểm 100, đứng đầu bảng xếp hạng PCI, sau đó là Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc. Quảng Ninh đã đạt kỷ lục duy trì 5 năm liên tiếp xếp ở vị trí quán quân và 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, có được kết quả trên là sự nỗ lực trong cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động… để giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính cho người dân và DN. Đây cũng là kết quả của cả quá trình nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.
Song với kết quả trên, ông Nguyễn Xuân Ký cho rằng, Quảng Ninh sẽ phải tiếp tục xác định vai trò và trách nhiệm cao hơn, đòi hỏi tỉnh càng phải tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt. Đề cao trách nhiệm trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ. Tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Và luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các DN, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt...
Đồng thời Quảng Ninh tiếp tục kêu gọi các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình đối tác công - tư (PPP). Định hình hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới mà mối quan hệ giữa DN với chính quyền và các yếu tố bảo đảm là một phức hợp, quan hệ cộng sinh, tạo tiền đề tương hỗ cho nhau cùng phát triển.