Sản xuất nông nghiệp bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 24/9, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững ĐBSCL”.
Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: ĐBSCL đang chịu tác động rất lớn từ thượng lưu sông Mê Kông. Từ 10 năm về trước, ĐBSCL có lũ lớn hoặc lũ nhỏ, những mùa lũ này đều đem phù sa dồi dào về cho đồng bằng. Nhưng những năm gần đây không còn nữa, ngày trước người dân có tâm lý “chạy lũ” nhưng hiện nay lại là mong ngóng lũ về.
“Theo dự báo, các nước ở thượng nguồn xây đập thuỷ điện ngày càng chằng chịt, đến một lúc nào đó sẽ phủ kín, nguồn nước sông Mê Kông mang phù sa về ngày càng ít là một thách thức. Nếu phù sa không có, việc trồng nông sản theo cách truyền thống ngày càng bị giảm năng suất, nếu không đầu tư vật tư nông nghiệp thì năng suất sụt giảm. Nhưng hệ luỵ sử dụng phân, thuốc nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường”, ông Trọng, nói.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Nghị quyết 120 của Chính phủ được ban hành năm 2017, Việt Nam đạt được một cột mốc đột phá, đánh dấu sự khởi đầu từ cách tiếp cận phòng thủ khí hậu thường thấy để hướng tới mô hình “chủ động sống chung với thiên nhiên”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận các ý kiến tại hội thảo và cho biết sẽ xây dựng, triển khai thực hiện khung quy hoạch tích hợp dài hạn cho phát triển bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL thời gian tới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh trong tương lai ĐBSCL chú trọng chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tích hợp là tập trung thực hiện các quy hoạch, sáng kiến nhằm tạo ra giá trị sản xuất nông nghiệp cao hơn trên một không gian diện tích, trong đó chính quyền, nhà khoa học, nông dân là lực lượng nòng cốt thực hiện quy hoạch tích hợp này.