Tăng tốc để đưa kinh tế số đạt 30% GDP vào năm 2030

07:54 14/10/2022

Chiến lược “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 30% GDP vào năm 2030.

Để hiện thực hoá mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tự chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường và hội nhập với nền kinh tế số thế giới.

Tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam mới chỉ đạt 10,41% GDP

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nhiều nước trên thế giới đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ, có sự tương đồng giữa chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Doanh nghiệp Việt cần “tăng tốc” chuyển đổi số để chinh phục thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, chiến lược của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận rất riêng. Đó là sự chuyển đổi từ kinh tế số chủ yếu là công nghệ thông tin (ICT) sang kinh tế số ngành, sự xuất hiện của các doanh nghiệp “Make in Việt Nam”. Đó còn là sự điều chỉnh và nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách, gỡ bỏ rào cản để tạo thuận tiện hơn cho kinh tế số, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế số, trong đó có hạ tầng Internet băng rộng, Cloud, IoT, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho người dân nhằm hướng tới mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP trong năm 2020 và 30% GDP vào năm 2030.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cũng cho biết: Nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn “tăng tốc” chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Theo thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP. Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua việc phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe…

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua. Các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp.

Chuyên gia của FPT Digital cũng đưa ra một số khuyến nghị như: Thiết lập cơ cấu tổ chức “chuyên trách” điều hành giúp “tăng tốc” quá trình chuyển đổi số; phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí chuyển đổi số; nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.

Hướng đến thị trường toàn cầu

Tại cuộc toạ đàm “Kinh tế Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập cuộc tế” nằm trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam năm 2022 do Bộ TT&TT tổ chức từ 11-14/10, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho rằng: Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số thường áp dụng những công nghệ đột phá, do đó một số chính sách truyền thống có thể không phù hợp. Chính phủ và Bộ TT&TT nhìn ra điều đó và Bộ TT&TT được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối để làm việc cùng các bộ, ngành khác nhằm tháo gỡ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, kinh tế số, đảm bảo an toàn cho người dùng, đảm bảo an ninh quốc gia trong quá trình chuyển đổi số.

Cũng theo ông Tú, nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số, không chuyển sang nền kinh tế số thì khả năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm tới khách hàng của họ sẽ gặp khó khăn, do đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Các cơ quan quản lý Nhà nước đang hỗ trợ 2 đối tượng doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp truyền thống để họ cải thiện sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, loại hình này chiếm số đông. Thứ 2 là các công ty cung cấp nền tảng số, đưa ra các mô hình kinh doanh, các nền tảng mới.

Bộ TT&TT đang giới thiệu các nền tảng số để các doanh nghiệp nhỏ và vừa  (SME) tiếp cận. Khoảng 400.000 doanh nghiệp SME Việt Nam đã được tiếp cận các nền tảng số, trong đó, khoảng 60.000 doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các nền tảng này trong kinh doanh. Bộ TT&TT cũng sẽ là đầu mối lắng nghe các kiến nghị chính sách từ doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ. “Các doanh nghiệp cần nhìn đến thị trường toàn cầu ngay từ khi xây dựng mô hình kinh doanh. Cần làm sao để các doanh nghiệp Việt không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước mà còn đi ra nước ngoài. Hiện Việt Nam đã ký 15 hiệp định thương mại tự do với các thị trường có tổng dân số khoảng 3 tỷ người. Đây là một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Tú nhấn mạnh.              

Hùng Quân

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

Sự ủng hộ ngày một lớn đến từ giới mộ điệu tiếp thêm niềm tin nơi HLV Kim Sang-sik. Lần đầu tiên trước giới truyền thông, ông nhắc đến 2 từ vô địch cùng ĐT Việt Nam!

Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文