Tập trung khắc phục tình trạng thiếu điện
Chuyên gia dự báo, tình trạng thiếu điện tại miền Bắc không chỉ diễn ra trong mùa hè năm nay mà còn có thể tái diễn trong năm tới. Cùng với đó, hàng chục nghìn MW nguồn điện chưa thể vận hành đã khiến cho miền Bắc lâm cảnh thiếu điện, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Cầu tăng vù vù nhưng dự án nguồn điện “bất động”
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở khu vực miền Bắc rất nhanh, với mức 12-13%, đưa miền Bắc trở thành nơi tăng trưởng sử dụng điện lớn nhất cả nước. Tăng trưởng sử dụng điện tăng vọt nhưng miền Bắc không có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho hay, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả.
Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện thì 3-4 năm qua đều đã xây dựng hết rồi. Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Nguy cơ thiếu điện còn cao.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo phát triển quốc gia về điện lực, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các nguồn điện (không tính nguồn năng lượng tái tạo) đang chuẩn bị đầu tư, đang đầu tư trong năm 2023 là 52 dự án với tổng công suất khoảng 57.492 MW. Trong đó, EVN thực hiện 10 dự án với tổng công suất 8.240 MW; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện 8 dự án, tổng công suất 6.900 MW; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện 4 dự án, tổng công suất 2.730 MW; Nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có 13 dự án, tổng công suất 18.330 MW; Các dự án điện độc lập (IPP) có 14 dự án (trên 100 MW), tổng công suất 17.092 MW và 3 dự án, tổng công suất 4.200 MW chưa có chủ đầu tư.
Trên thực tế, trong số 52 dự án này, nhiều dự án đang chậm tiến độ và không thể triển khai, chờ chuyển đổi. Theo quy hoạch, TKV được giao thực hiện 4 dự án ở miền Bắc, nhưng cả 4 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó 2 dự án Cẩm Phả III, Hải Phòng III không có khả năng tiếp tục triển khai và không được đưa vào Quy hoạch điện VIII.
Nhiều dự án khác được giao EVN đầu tư như nhiệt điện Quảng Trạch II, Ô Môn III, Ô Môn IV, Dung Quất 1 và 3, thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái cũng chỉ dừng ở mức chuẩn bị các bước đầu tư. Còn dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Laly mở rộng, Quảng Trạch 1 đều đang xây dựng. PVN đang đầu tư và chuẩn bị đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện, nhưng đến nay chỉ có nhiệt điện Thái Bình 2 là vận hành…
Hiện, Bộ Công Thương đang theo dõi 20 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), gồm cả các nhà máy mới được bổ sung thực hiện theo hình thức này, với tổng công suất hơn 26.000 MW. Nhưng dự án BOT Nam Định 1 được cấp phép từ năm 2017 song nay vẫn bất động. Có 10 dự án điện IPP trên 100 MW đang triển khai đầu tư xây dựng theo hình thức IPP với tổng công suất 11.092 MW cũng đều chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc kéo dài.
Nhiệt điện, thủy điện gặp khó
Giáo sư, TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhiệt điện than đóng vai trò khá quan trọng trong hệ thống điện Việt Nam. Nhiệt điện than bên cạnh những khuyết điểm về ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên cạn kiệt làm cạn nguồn tài nguyên của đất nước, thì cũng có những ưu điểm rất lớn như sự ổn định và chủ động được, có than là phát điện. Trời nắng, trời mưa, nước ít nhiều không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn điện than đang đặt trong thách thức mới khi Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 (cam kết tại COP26). “Đây là cam kết mà tôi cho rằng rất khó thực hiện và tốn rất nhiều tiền, bởi vì như vậy phải có nguồn khác thay vào, trong khi nguồn khác đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và không thể chủ động được như năng lượng mặt trời, điện gió phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Trong khi, với than, có than trong kho thì có thể chủ động được việc sản xuất điện chắc chắn. Bên cạnh đó, các nguồn điện khí hiện nay là một triển vọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khi sử dụng nhiên liệu sạch thì giá sẽ cao hơn, chi phí đắt hơn”, Giáo sư, TSKH Trần Đình Long cho hay.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, dù đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo thật quyết liệt từ các cấp cao nhất câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cùng với việc thiếu điện, cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn. Sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Trung, dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.
Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu thời hạn triển khai 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn. Cụ thể, 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn gồm: Nhiệt điện Công Thanh, công suất 600 MW; Nhà máy nhiệt điện Nam Định, công suất 1.200 MW; Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, công suất 1.320 MW; Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân III, công suất 1.980 MW; Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II, công suất 2.120 MW. 5 dự án nhiệt điện trên đều giai đoạn 2021 - 2030. Quy hoạch nêu rõ, Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư các dự án nêu trên, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.