Thất thu ngân sách khi doanh nghiệp nợ thuế lên hàng ngàn tỷ đồng

08:04 16/07/2024

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình các công ty, doanh nghiệp đang nợ thuế lên đến 2.750 tỷ đồng, tăng hơn 1.631 tỷ đồng (tăng 145,8%) so với thời điểm 31/12/2023. Tổng nợ thuế chiếm 18,7 % tổng thu ngân sách của địa phương, cao hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của Bộ Tài chính (dưới 5%).

Nợ đọng thuế của các công ty, doanh nghiệp đang gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy khi thiếu ngân sách để thực hiện việc phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương theo chủ trương, chính sách của tỉnh đã đề ra.

Từ thông báo rộng rãi đến cấm xuất cảnh vì nợ thuế

Quảng Bình là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh làm Phó trưởng ban; cùng các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ngành như; Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ… và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến thu ngân sách Nhà nước; xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu ngân sách; khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý và thu hồi nợ đọng thuế theo quy định. Dù vậy, nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn thường xuyên dây dưa, chây ì nợ đọng tiền thuế.

Trước tình hình đó, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các ngành liên quan trên địa bàn "Cần tập trung rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế, tránh thất thu thuế. Công bố công khai các đơn vị nợ thuế lên truyền hình, hệ thống báo chí truyền thông. Đơn vị, doanh nghiệp nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kiến nghị sang cơ quan pháp luật để xem xét, xử lý và cần phải làm cương quyết. Những vấn đề làm trì trệ, ách tắc, kéo lùi sự phát triển của tỉnh thì phải xử lý ngay. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để tham mưu, không để thất thoát tiền của nhà nước, thất thu ngân sách".

Mới đây nhất, Cục Thuế Quảng Bình phối hợp với Công an Quảng Bình và các đơn vị liên quan cấm xuất cảnh đối với 55 giám đốc công ty, doanh nghiệp. Những người bị cấm xuất cảnh là người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ đọng thuế như: Đại diện Công ty cổ phần Viet Group; Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Trường Sơn; Công ty TNHH Xây dựng Minh Tiến; Công ty CP tập đoàn Tân Châu Phát... Theo Cục Thuế Quảng Bình, các trường hợp bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước, mới được Cục Thuế Quảng Bình gỡ thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Ông Ngô Văn Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình cho biết: Việc gửi văn bản đề nghị cấm xuất cảnh không phụ thuộc vào nợ ít hay nhiều của các đơn vị. Có những đơn vị nợ lớn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, rủi ro thấp có thể không bị đề nghị cấm xuất cảnh. Ngược lại, có những đơn vị nợ ít hơn, nhưng nếu phát hiện thấy có yếu tố rủi ro, Cục Thuế tỉnh sẽ đề nghị tạm hoãn xuất cảnh người đại diện pháp luật.

Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ban hành 177.439 lượt thông báo để đôn đốc thu nợ thuế; ban hành 183 quyết định cưỡng chế với tổng số tiền cưỡng chế hơn 3.155 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2024, bằng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ngành Thuế Quảng Bình đã thu được 580 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế còn hạn chế, nợ đọng thuế vẫn ở mức cao. Đến thời điểm 30/6 tổng nợ thuế toàn tỉnh là hơn 2.750 tỷ đồng, tăng hơn 1.631 tỷ đồng (tăng 145,8%) so với với thời điểm 31/12/2023, chiếm 18,7 % tổng thu ngân sách, cao hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của Bộ Tài chính (dưới 5%), trong đó nợ khó thu gần 76 tỷ đồng.

Theo đó, đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty TNHH Sơn Hải Riverside ở TP Đồng Hới với số tiền nợ thuế gần 1.300 tỷ đồng. Tiếp sau là Công ty CP Tập đoàn FLC, có địa chỉ ở số 265 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội nợ gần 295 tỷ đồng tiền thuế. Đứng thứ 3 là Công ty TNHH Xây dựng Minh Tiến ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình nợ hơn 250 tỷ đồng tiền thuế. Tiếp theo là Công ty CP Khai thác sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành Quảng Bình, có trụ sở ở tầng 7, số 45 đường Trần Hưng Đạo, phường Đồng Phú, TP Đồng Hới nợ hơn 146 tỷ đồng tiền thuế…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam một đối tượng trốn thuế trên địa bàn.

Cần cách tiếp cận mới để thu nợ đọng thuế cho ngân sách Nhà nước

Qua tìm hiểu thực tế tại một số công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy các công ty, doanh nghiệp đang nợ thuế lên đến 2.750 tỷ đồng ở Quảng Bình rơi vào các nhóm sau: Nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu hồi công nợ, khả năng thanh toán thấp dẫn đến nợ thuế; nhóm doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoáng sản, khu nghỉ dưỡng chậm triển khai dự án làm phát sinh nợ tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp; nhóm doanh nghiệp phát sinh tiền thuê đất thu một lần cho cả thời gian thuê trong năm làm tăng đột biến tiền nợ thuế. Bên cạnh đó, còn có khoản nợ quỹ đầu tư địa phương, khoản nợ tạm ứng quá hạn tại Kho bạc nhà nước… dẫn đến tăng cao nợ đọng thuế.

Để thu hồi nợ đọng thuế trong các công ty, doanh nghiệp góp phần ổn định tăng ngân sách của địa phương, Quảng Bình cần cách tiếp cận mới để thu hồi thuế. Theo ông Dương Văn Hùng-Phó Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình: Đối với khoản nợ đọng thuế, Cục Thuế Quảng Bình cần tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện biện pháp thu nợ nhằm bảo đảm chỉ tiêu thu nợ và không để phát sinh nợ mới; tăng cường quản lý, đôn đốc nộp nợ thuế; áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với đơn vị chây ỳ, thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước; hướng dẫn người nộp thuế nâng cao hiểu biết chính sách pháp luật về thuế, đặc biệt là chính sách xử lý nợ thuế để người nộp thuế biết được trình tự, thủ tục xử lý nợ thuế.

Ngành Thuế Quảng Bình cần phối hợp với Kho bạc nhà nước tiến hành khấu trừ tại nguồn đối với số tiền nợ thuế của các đơn vị xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách; thu nợ đọng thuế qua công tác hoàn thuế; phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường thu nợ đọng thuế qua việc cấp, gia hạn quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất; Cục Thuế Quảng Bình cũng cần phối hợp tốt với Sở Kế hoạch-Đầu tư thu nợ đọng thuế qua cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án của các doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các ngành, UBND các xã, phường thị trấn và cơ quan thuế đẩy mạnh công tác quản lý thuế, thu hồi nợ đọng thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản và tiền thuê đất trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức rà soát, xử lý thu hồi đất đối với cá nhân, hộ kinh doanh thuê đất nhưng đã giải thể, ngừng hoạt động...

Đối với các trường hợp rất khó thu hồi vốn tạm ứng của các chủ đầu tư hiện nay, ngành thuế cần phải làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể và có phương án xử lý phù hợp; cần có các biện pháp xử lý quyết liệt để thu hồi vốn tạm ứng, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra toà theo quy định của pháp luật về dân sự.

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, việc chây ỳ, nợ thuế có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, có những doanh nghiệp làm ăn thực sự khó khăn về kinh tế do thị trường nên nợ đọng thuế. Có những doanh nghiệp chây ỳ việc nộp thuế, song vẫn dùng vốn tự có để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cục Thuế Quảng Bình tiếp tục phân loại, thông báo công khai các công ty, doanh nghiệp nợ thuế, đồng thời cưỡng chế thuế, làm việc với cơ quan chức năng đóng băng tài khoản ngân hàng, cấp xuất cảnh đối với các chủ doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế.

Dương Sông Lam

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 16h46', ngày 13/7 tại Km 32+100, Quốc lộ 46A, thuộc khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với Trần Hữu Ba (SN 1988), trú tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chiều 15/7, Ban tổ chức Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025 đã tổ chức buổi họp báo dành cho các đội tuyển bảng B. Phát biểu tại buổi họp báo, HLV Kim Sang Sik đã chia sẻ về mục tiêu cũng như đánh giá các đối thủ tại giải đấu năm nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.