Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả
Từ nay cho đến cuối năm, Bộ Công Thương ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và Kế hoạch triển khai 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ Công Thương được tổ chức vào sáng nay 14/7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất nổi bật về kinh tế xã hội, chính trị ổn định, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các chỉ tiêu về kinh tế xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong thành tích chung có sự đóng góp rất quan trọng và tích cực của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng thách thức vẫn còn ở phía trước như tình hình lạm phát trên phạm vi toàn cầu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng nguồn cung về nguyên vật liệu, các vật tư chiến lược như xăng dầu, phân bón hoặc các hóa chất cơ bản là các nguyên liệu cho các ngành sản xuất mà Việt Nam đang có lợi thế trong việc xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương do bà Nguyễn Thị Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương tại hội nghị cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%).
So với cùng kỳ năm trước, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm như thực hiện đồng bộ, hiệu quả và hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành…Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp;
Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới...