Vĩnh Phúc - Điểm đến an toàn, tin cậy với các nhà đầu tư
Với vị trí địa lý thuận lợi; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, các cấp chính quyền luôn đồng hành hỗ trợ, chia sẻ cùng nhà đầu tư trong quá trình hoạt động; nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao; hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư từng bước đồng bộ, hiện đại… Vĩnh Phúc đang là điểm đến thành công cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vĩnh Phúc - Điểm đến thành công với các nhà đầu tư Hoa Kỳ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 20 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch. Trong đó, 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80% tổng diện tích. Tỉnh hiện đã thu hút gần 1.300 dự án đầu tư, bao gồm hơn 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7,8 tỷ USD từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ; gần 830 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 130 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Trong 8 tháng năm 2023, số vốn thu hút đầu tư FDI và DDI trên địa bàn toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước, với 445,53 triệu USD vốn đầu tư FDI (tăng 75%) và 11.645 tỷ đồng vốn đầu tư DDI (tăng 44,9%). Với việc đặt mục tiêu thu hút thêm 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; 20.000 - 25.000 tỷ đồng từ khu vực DDI, tỉnh đã tổ chức thành công hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều buổi làm việc cùng các doanh nghiệp, Quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại như Công ty Luật Gibson, Dunn & Crutcher; sàn giao dịch chứng khoán New York; công ty Google và nhiều hoạt động xúc tiến khác nhằm tìm hướng phát triển du lịch, xây dựng đô thị, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ...
Cùng với đó, để thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn công tác, nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đến thăm, tìm hiểu môi trường kinh doanh của tỉnh…
Đầu tư vào Vĩnh Phúc năm 2016, Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam (KCN Bá Thiện II - Bình Xuyên) có 100% vốn đầu tư của Singapore, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Năm 2022, vượt lên khó khăn do đại dịch COVID-19, công ty đã đầu tư thêm 4 dây chuyền sản xuất và nhận được nhiều đơn đặt hàng, tạo thêm việc làm mới cho hơn 1.000 lao động, nâng tổng số lao động của công ty lên 5.400 người, với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện, công ty là nhà cung cấp hàng đầu các dòng sản phẩm may mặc chất lượng cho các tập đoàn bán lẻ lớn với các thương hiệu và nhãn hàng thời trang đẳng cấp thế giới như Bubbery, Nordstrom, LL Bean, Brooks Brothers, JC Penney, J Crew…
Từ đầu tư thực tế, sau quá trình hoạt động sản xuất ở Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhận thấy nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Hoa Kỳ đã quyết định đầu tư, mở chi nhánh sản xuất tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên). Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu với sự đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ tháo gỡ kịp thời của tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam đã nhanh chóng hoàn thiện việc đầu tư nhà máy, dây chuyền và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư của Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam tại Vĩnh Phúc đạt gần 6 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện công ty cho biết, Công ty TNHH Thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công mũ bảo hiểm các loại, các sản phẩm từ giấy, plastic; thiết bị y tế liên quan đến nha khoa, chỉnh hình và phục hồi chức năng xuất khẩu sang Mỹ và thị trường châu Âu.
Công ty lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư bởi các chính sách, cơ chế thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc là địa phương giáp Thủ đô Hà Nội, hệ thống giao thông kết nối thuận tiện; sự đa dạng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại đây sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp tác sản xuất, kinh doanh và cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Đặc biệt, mới đây nhất, Vĩnh Phúc đã tiếp tục thu hút thành công dự án đầu tư 30 triệu USD trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông từ Tập đoàn Polaris (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực lắp ráp động cơ xe máy, ô tô, phương tiện giao thông. Dự án được triển khai tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) là nhà máy thứ 2 của tập đoàn tại Vĩnh Phúc và là nhà máy thứ 20 trên toàn thế giới.
Trước đó, Tập đoàn Polaris đã triển khai nhà máy đầu tiên ở Vĩnh Phúc với Công ty TNHH Northstar Precision Việt Nam tại Khu công nghiệp Khai Quang. Điều này cho thấy doanh nghiệp thực sự tin tưởng và kỳ vọng Vĩnh Phúc sẽ là mảnh đất mở ra những thành công mới cho doanh nghiệp. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Công ty sẽ tiến hành lắp ráp xe máy phân khối lớn với doanh thu ban đầu khoảng 100 triệu USD, đến năm 2030 sẽ đạt mức doanh thu 500 triệu USD. Phó Chủ tịch Tập đoàn Polaris Dalton Pierce cho biết: Chỉ trong vòng 1 tuần, dự án của Tập đoàn Polaris tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) đã được tỉnh thẩm định phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cùng với đó là sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực từ chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án để dự án sớm đi vào hoạt động. Tập đoàn Polaris mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh để mở rộng quy mô, xây dựng nhà máy sản xuất trong giai đoạn tiếp theo.
Được biết, đến nay, Vĩnh Phúc đã thu hút 3 dự án của các nhà đầu tư Hoa Kỳ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế xuất, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 46 triệu USD. Mặc dù đây là con số khá khiêm tốn so với quy mô thu hút đầu tư FDI hơn 7,6 tỷ USD với 450 dự án đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ của tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang ngày càng quan tâm hơn đến Vĩnh Phúc và Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiềm năng hàng đầu trên thế giới này. Vì vậy, tin tưởng trong tương lai, các dự án đầu tư của Hoa Kỳ sẽ cập bến Vĩnh Phúc ngày càng nhiều.
Phát biểu trong chương trình xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ vào cuối quý I/2023 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng thị trường xúc tiến đầu tư sang các quốc gia có thế mạnh về công nghệ, tiềm lực tài chính. Bên cạnh các thị trường truyền thống, Hoa Kỳ được xác định là thị trường được ưu tiên trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh. Vĩnh Phúc luôn coi trọng lợi ích của doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là đối tác tin cậy lâu dài, là đối tượng phục vụ, vì vậy, tỉnh luôn dành cho các nhà đầu tư tình cảm thân thiện và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đến đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Theo các doanh nghiệp (DN) FDI, để đạt được kết quả trên, ngoài sự linh hoạt, bố trí hợp lý dây chuyền sản xuất, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của các cấp, ngành, địa phương, nhất là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc luôn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; linh hoạt vận dụng các chính sách của Nhà nước Việt Nam phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Thường xuyên tổ chức chương trình lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần và duy trì Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh, qua đó, kịp thời tháo gỡ, giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, DN triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, hướng đến các chuẩn mực môi trường kinh doanh quốc tế, ổn định vĩ mô, tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, hạ tầng, nhân lực.
Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có dự án xanh, công nghệ cao
Thực hiện cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Vĩnh Phúc chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với môi trường, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có dự án xanh, công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch và kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đón nhận một cách chất lượng và chọn lọc các dòng vốn đầu tư theo hướng tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn, Vĩnh Phúc đẩy mạnh các giải pháp thu hút vốn vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế như điện tử, viễn thông; công nghệ số; công nghiệp phụ trợ; phát triển sản xuất thông minh; mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới... Đồng thời, triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến các phương án bảo vệ môi trường và tại Quyết định số 2906 ngày 20/10/2021, UBND tỉnh quy định rõ danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, tỉnh luôn nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành của các cấp chính quyền, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư cũng như quá trình triển khai dự án; chú trọng công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư. Từ đó, góp phần khơi thông mạnh mẽ và không bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn trong những giai đoạn tiếp theo. Thể hiện rõ quan điểm trong thu hút đầu tư, từ việc phát huy tiềm lực nội tại, cùng chủ trương, cơ chế chính sách thông thoáng, mang tính chiến lược, trên cơ sở định vị tầm nhìn, phương hướng, Vĩnh Phúc đã có những dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược từ các tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Piaggio…
Đây là các nhà đầu tư chủ lực đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động và góp phần lớn trong việc tạo nên bức tranh kinh tế của Vĩnh Phúc trong gần 3 thập kỷ từ khi tái lập. Sự hiện diện, “ăn nên làm ra” của các doanh nghiệp FDI không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường; thúc đẩy sự hình thành, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của Vĩnh Phúc đến bạn bè thế giới.
Năm 2022, Vĩnh Phúc vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, trong đó, xếp thứ 9/63 về chỉ số xanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình chọn. Điều này khẳng định quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiều năm qua.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc đang điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh chuyển dịch mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp sang hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững cũng như chuyển dịch mô hình tăng trưởng hoạt động thu hút đầu tư, tỉnh đã phê duyệt Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 theo Quyết định số 822 ngày 17/4/2023. Việc điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư, hướng đến các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao không chỉ đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững mà còn góp phần hình thành, phát triển các trung tâm đổi mới phát triển, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, cải thiện lợi thế cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc trong bối cảnh hội nhập.
Thúc đẩy hợp tác, xúc tiến đầu tư giữa Vĩnh Phúc- Singapore
Cuối tháng 8/2023, tại hội nghị Bộ trưởng kết nối Việt Nam - Singapore lần thứ 17, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH (Singapore) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo thực tập sinh Việt Nam trong lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics cũng như hợp tác nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Vĩnh Phúc… Sự kiện diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam - Singapore.
Vĩnh Phúc thường xuyên tiếp và làm việc với một số các nhà đầu tư của Singapore đến tìm hiểu môi trường và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh vào các lĩnh vực như: Y tế, dịch vụ kho vận logistics...Lũy kế hết quý I/2023, trên địa bàn tỉnh có 449 dự án FDI đến từ 19 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư 7,7 tỷ USD, trong đó, Singapore xếp thứ 5 với 10 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 500 triệu USD. Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được khởi công cuối năm 2021, quy mô hơn 83ha tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) với tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng do liên danh Tập đoàn T&T Group Việt Nam và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH và Công ty YCH Holdings làm chủ đầu tư.
Để nâng tầm Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc trở thành một Trung tâm logistics lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, tháng 11/2022, chủ đầu tư dự án đã hợp tác với Tổng công ty hàng hải Việt Nam khai thác lợi thế của “siêu” cảng ICD Vĩnh Phúc, thúc đẩy vận tải đa phương thức, góp phần nâng cao chuỗi cung ứng và giảm bớt các thách thức cho ngành logistics.
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Qua đó tạo đột phá cho lĩnh vực logistics của Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics giảm xuống 16% GDP và tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%. Đồng thời, dự án sẽ góp phần kết nối Vĩnh Phúc với các nước trong khối ASEAN và quốc tế.
Vĩnh Phúc nỗ lực thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, Vĩnh Phúc được giao chỉ tiêu đầu tư xây dựng 28.300 căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, tổng số căn nhà phải triển khai là 8.800 căn; còn lại 19.500 căn sẽ được triển khai ở giai đoạn 2026-2030.
Để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, huyện thành phố, các chủ đầu tư triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc lập Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt. Lập kế hoạch triển khai cụ thể cho các dự án nhà ở xã hội, phần dự án nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới, khu nhà ở theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư, cân đối bố trí ngân sách của tỉnh để khuyến khích, ưu đãi thêm, góp phần kêu gọi, động viên các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Tỉnh quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đẩy mạnh hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị…
Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ; ban hành chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời, báo cáo Trung ương xem xét tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai chính sách nhà ở cho công nhân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp hoàn thành đưa vào sử dụng, các dự án này đã đầu tư xây dựng hoàn thành hơn 1.600 căn nhà dành cho công nhân và người thu nhập thấp. 4 dự án khác đã được quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến xây dựng hơn 2.600 căn hộ chung cư và nhà liền kề cho công nhân, cụ thể là Dự án Khu nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town tại thị trấn Bá Hiến (Bình Xuyên)…