Vĩnh Phúc kinh tế lấy lại đà phục hồi, thu ngân sách khả quan

19:26 12/07/2023

Sau “cú sốc” rơi vào Top 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2023, với sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của toàn bộ hệ thống chính trị địa phương, sang đến quý II/2023, tăng trưởng kinh tế Vĩnh Phúc đã phục hồi tích cực, với mức tăng đạt 3,76%.

Với sự lội ngược dòng ngoạn mục này, ước tính 6 tháng đầu năm nay, Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 địa phương có tăng trưởng âm trong quý I/2023 đã đạt tăng trưởng dương trở lại vào quý II/2023 với mức tăng phục hồi trở lại ở mức tương đối cao, tạo đà phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2023.

Công ty TNHH Denko Mechanical ở KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên) chuyên gia công, sản xuất các sản phẩm phụ trợ, thiết kế, chế tạo máy tự động hóa... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đang có dấu hiệu phục hồi

Những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023, tình hình kinh tế toàn cầu, trong nước và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm, thậm chí suy thoái, khiến nền kinh tế của tỉnh với độ mở cao chịu tác động không nhỏ. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp (DN), tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, qua đó, thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo đà thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Việc triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp của Chính phủ và địa phương đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, giúp các DN trên địa bàn phục hồi và đi vào hoạt động ổn định, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ước GRDP quý II/2023 của địa phương tăng 3,76%, góp phần đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên mức tăng 1,69%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc đang có dấu hiệu phục hồi so với các tháng đầu năm. Tăng trưởng của ngành sản xuất linh kiện điện tử - ngành có đóng góp cao nhất vào cơ cấu GRDP của địa phương được ghi nhận tăng từ 6% trong quý I/2023 lên 14,17% trong 6 tháng đầu năm; trong đó, tháng 4/2023 tăng 19,13%, tháng 5/2023 ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022, điều này cho thấy, dấu hiệu tích cực của sự phục hồi kinh tế.

Hơn 90% sản phẩm túi bao bì của Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam, KCN Bình Xuyên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore, Australia

Cơ cấu tổng giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,02%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 60,89%; khu vực dịch vụ chiếm 31,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là: 7,75%; 63,66% và 31,08%).

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với các dấu hiệu tích cực từ sản xuất kinh doanh và các tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ về chính sách đất đai, miễn giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), miễn giảm thuế trước bạ, giảm lãi suất vay..., dự báo các ngành sản xuất sẽ khởi sắc hơn so với 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh sự phục hồi tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 16.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt hơn 13.000 tỷ đồng; thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ, đạt 90% kế hoạch năm; thu các dự án DDI (dự án đầu tư trực tiếp trong nước) đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần kế hoạch năm. Trong 6 tháng, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 2.900 tỷ đồng, đạt cao so với bình quân chung cả nước…

Về cơ bản, kết quả thu NSNN đã bù đắp được số giảm thu do yêu cầu thực hiện các chính sách của Chính phủ ban hành về miễn, giảm thuế, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân. Qua đó đảm bảo nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế, tăng chi cho đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Công tác quản lý chi NSNN tiếp tục được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở thực hiện quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm triệt để, chống lãng phí.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách. Cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, các dự án chậm triển khai; giảm chi thường xuyên và tăng chi cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 8,8 nghìn tỷ đồng (đạt xấp xỉ 46% dự toán, tăng gần 29% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng đạt kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, kết quả các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đều giữ vững vị trí trong Top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.

Về hoạt động thu hút vốn FDI, số liệu thống kê của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt gần 360 triệu USD vốn FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 60,5% và đạt 89,9% kế hoạch. Hoạt động của khu vực doanh nghiệp cũng có tín hiệu khởi sắc, với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước khoảng trên 800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường là 197 doanh nghiệp.

Cùng với sự phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, sức mua tiêu dùng cũng có dấu hiệu phục hồi, với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn Tỉnh đạt gần 39,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 22,4%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 67,5% và đặc biệt dịch vụ du lịch lữ hành tăng 8,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ du lịch của Tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc; lượng khách tham quan du lịch đến Vĩnh Phúc tăng rất cao, ước đạt gần 5,2 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế khoảng 40,85 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 5,14 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, đạt 57,5% so với kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách phân cấp xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cả doanh nghiệp, người dân tỉnh Vĩnh Phúc; tính đến giữa nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh chung nhiều khó khăn của năm 2022 và 6 tháng đầu năm nay.

Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện công tác xây dựng Đảng, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII đánh giá các kết quả 6 tháng đầu năm 2023 và chuẩn bị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, báo cáo sơ kết tình hình kinh tế xã hội giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, dự kiến đến hết năm 2023, Tỉnh có 13/25 chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, 9/25 chỉ tiêu gần đạt; 3/25 chỉ tiêu đạt thấp; dự kiến đến năm 2025, có 23/25 chỉ tiêu đạt, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; có 2/25 chỉ tiêu dự kiến khó đạt được mục tiêu. Trong đó, lĩnh vực kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, trong điều kiện đặc biệt khó khăn do tác động của dịch bệnh, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng, kinh tế của Vĩnh Phúc vẫn giữ chất lượng tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 8,8%, trong top 10 tỉnh có tăng trưởng cao nhất toàn quốc. Bên cạnh đó, các ngành y tế, giáo dục, du lịch ngày càng có đóng góp tích cực hơn trong cơ cấu ngành dịch vụ và xu hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Năm 2022 Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch Quốc gia thứ 7 và được tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới; đóng góp vào thành tích phát triển du lịch của địa phương.

Thu ngân sách của Vĩnh Phúc có xu hướng bền vững hơn khi trong điều kiện có nhiều khó khăn, thu ngân sách vẫn đạt kết quả rất tích cực, đặc biệt là thu ngân sách năm 2022 đạt trên 40 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu nhiệm kỳ, trong đó, đóng góp từ hoạt động sản xuất kinh doanh luôn ở mức trên 80% cơ cấu thu.

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển KT - XH trên địa bàn. Ảnh: Khánh Linh

Cùng với đó, việc kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực được lãnh đạo Tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm. Theo đó, Vĩnh Phúc đã phê duyệt 32 Đề án tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác quản lý nhà nước, khơi thông nguồn lực của 23 sở, ngành và 9 huyện, thành phố; chủ động, sáng tạo trong tháo gỡ điểm nghẽn, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chính sách phân cấp xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, điểm nghẽn lớn nhất về bồi thường - giải phóng mặt bằng được Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai thực hiện; giai đoạn 2020-2023, toàn Tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng 2.875 ha; trong đó riêng năm 2023 đã giải phóng mặt bằng được 275 ha; đã khởi tố nhiều vụ án vi phạm quản lý đất đai, xử lý nghiêm minh, triệt để. Qua đó nhiều dự án lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và an sinh xã hội cho người dân

Cùng với sự khởi sắc phục hồi của kinh tế, Tỉnh ủy và lãnh đạo Vĩnh Phúc luôn quan tâm chú trọng cải thiện đời sống văn hóa tinh thần và an sinh xã hội cho người dân, lấy mục tiêu con người làm trung tâm, chú trọng nhất quán xuyên suốt tư tưởng người dân cùng tham gia góp phần phát triển và cùng được hưởng thụ các thành quả chung của địa phương.

Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.

Theo đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc; Nghị quyết phát triển làng văn hóa kiểu mẫu; tổ chức các Hội thảo khoa học văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong phát triển bền vững, trên cơ sở đó đưa ra định hướng phát triển, xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển văn hóa Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt đã đưa ra chi tiết các tiêu chí, hình mẫu, chuẩn mực về làng văn hóa, là mục tiêu, khát vọng để xây dựng làng, xây dựng con người Vĩnh Phúc theo chuẩn mực.

Theo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát triển, nhân rộng trên 2.700 câu lạc bộ thể thao, hàng ngàn câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ duy trì hoạt động thường xuyên. Các thiết chế văn hóa cấp tỉnh như: Bảo tàng, Văn Miếu, Nhà hát tỉnh, Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc và các cấp đã và đang được khai thác tốt, phát huy hiệu quả. Hoạt động bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được quan tâm. có 509 di tích đã xếp hạng các cấp, có 571 di sản văn hóa phi vật thể.

Trên lĩnh vực giáo dục, chất lượng trong dạy, học, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục được xếp là một trong 5 đơn vị đứng đầu toàn quốc. Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2021-2030 được ban hành, các hoạt động ngày hội Văn hóa đọc được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú tại 9/9 huyện, thành phố đang trở thành xu thế và góp phần xây dựng văn hóa đọc của Vĩnh Phúc nói riêng, xây dựng bản lĩnh, tri thức, văn hóa con người Vĩnh Phúc nói chung.

Cùng với đó, các vấn đề an sinh xã hội được Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, đối tượng được chăm lo được mở rộng. Theo số liệu báo cáo, chi đảm bảo an sinh xã hội được tăng cường, năm 2023 giao dự toán 1.009.589 triệu đồng; tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021. Tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cho ngân hàng chính sách để cho vay giảm nghèo, tạo việc làm là 118 tỷ đồng; lũy kế nguồn vốn từ ngân sách Tỉnh bổ sung cho vay giảm nghèo, tạo việc làm đạt trên 655 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo ước thực hiện năm 2023 còn khoảng 0,7%, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đại hội và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc năm 2022 là 7,52%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,1% xuống còn 1,7%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động ước năm 2023 đạt 45%, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết. Đối tượng chăm lo được mở rộng, thể hiện rõ nét qua việc quan tâm, chăm lo của Tỉnh đối với đồng bào gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.

Kịp thời ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để có được kết quả đáng ghi nhận này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã chủ động dự báo các khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội năm 2023, thường xuyên rà soát, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó giao 95 chỉ tiêu và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Ngay từ cuối năm 2022, giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách năm 2023 cho các cấp, các ngành, các chủ đầu tư; chủ động bổ sung, phân bổ sớm nguốn vốn từ ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vi phạm, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực về xây dựng, đô thị, đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tài chính ngân sách, đầu tư công...

Nhằm đảm bảo giám sát trách nhiệm đến từng lãnh đạo, Vĩnh Phúc thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành, địa phương để chỉ đạo, tổ chức quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, nắm chắc tình hình thực tiễn để có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Vĩnh Phúc tổ chức hàng loạt các hội nghị UBND Tỉnh, hội nghị giữa lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc với các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo cung ứng điện, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thiếu hụt lao động các tháng đầu năm, bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng... Riêng tháng 5/2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 15 cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... và tổ chức hàng chục cuộc làm việc, tháo gỡ vướng mắc trong cung ứng điện.

Về cung ứng điện, tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, là tỉnh công nghiệp nên Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng lưới điện và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thành viên, chủ đầu tư các dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp chính quyền tỉnh để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, nâng cao năng lực cung cấp điện trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung, chủ động, linh hoạt hơn nữa trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, GPMB, quy hoạch hướng tuyến…

Trước tình hình chung của nền kinh tế trong và ngoài nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, dự báo nhiệm vụ hoàn thành dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2023 là rất khó khăn đối với các cấp ngân sách. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2023 đã đề ra, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan và các ngành, địa phương sẽ nỗ lực và quyết tâm hơn để hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch thu NSNN năm 2023 đề ra.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn để phục hồi và phát triển đồng bộ kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.

Theo đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa trên địa bàn; tăng cường công tác dự báo, tham mưu thực hiện các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công năm 2023; tăng cường rà soát các thủ tục hành chính, phấn đấu giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức và công dân; tập trung tháo gỡ khó khăn trong từng ngành, lĩnh vực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc.

Quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác tối đa lợi thế

Nhằm cụ thể hóa Luật Quy hoạch đã được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện lập “Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên cơ sở nhiệm vụ đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 998 ngày 10/7/2020.

Quy hoạch được lập theo yêu cầu của hướng tiếp cận mới, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh, có tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ KT - XH và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh phát triển năng động và có đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Sau khi hoàn thành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển KT - XH, đầu tư công, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính khách quan, khoa học; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân.

Lưu Hiệp

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文