Xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải, nâng giá trị hạt gạo Việt Nam

08:05 28/02/2024

Năm 2024 là năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Thủ tướng Chính phủ giao phải triển khai đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Đây là một “cuộc chơi” lớn mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu lúa gạo, chứng minh với thế giới về hạt gạo xanh của Việt Nam.

70% rơm rạ được đốt và vùi vào đất gây ô nhiễm

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, từ đề án 1 triệu ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ mở rộng ra các vùng trồng lúa khác của Việt Nam. Và từ ngành hàng lúa gạo sẽ chuyển sang các ngành hàng khác như thủy sản, chăn nuôi gắn với tăng trưởng nông nghiệp xanh, góp phần giảm thải khí carbon, khí methane.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: “Đây là Đề án mà Thủ tướng rất tâm huyết và đã kết nối được rất nhiều nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ chúng ta định vị lại một ngành hàng lúa gạo phải thay đổi toàn bộ nhận thức của người nông dân trồng lúa rằng, bằng một giải pháp công nghệ, có thể chúng ta tiết kiệm hơn mà chúng ta vẫn đạt được sản lượng tốt hơn, chất lượng hạt gạo chúng ta tốt hơn mà chúng ta chứng minh với thế giới rằng hạt gạo đó là hạt gạo xanh. Ngay cả thông điệp của Festival lúa gạo Hậu Giang cũng được lấy chủ đề "gạo xanh, sống lành". Bởi hạt gạo đó được trồng từ một quy trình canh tác không phát thải khí carbon và một ngành lúa gạo tuần hoàn từ phụ phẩm rơm rạ, trấu tro của rơm sẽ biến thành sản phẩm khác, người nông dân của chúng ta vừa được hưởng thành quả từ hạt gạo của mình, vừa bán được chứng chỉ carbon, vừa tham gia vào tạo ra những sản phẩm từ cái chúng ta gọi là phụ phẩm của ngành lúa gạo. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho nông nghiệp, nông thôn, cho kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn”.

Ảnh minh họa.

Và để thực hiện được nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai xây dựng nhãn hiệu lúa giảm phát thải, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Nhìn vào thực tế, đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092.000 ha, trong đó 2.575.000 ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những hạn chế như chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp; canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…

Với sản lượng lúa gạo lớn, đồng bằng sông Cửu Long tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nha kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan. Mặt khác trong thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Cuộc chơi” lớn với nhiều khó khăn

Mới đây, ngày 26/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam sau khi tham quan cánh đồng sản xuất lúa ST25 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cũng đã cho biết, nhãn hiệu lúa giảm phát thải mới nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam: “Mình có thể đo đếm các phần để chi trả bằng chứng chỉ carbon. Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu chính mà chỉ là thước đo công nhận lúa của mình đạt tiêu chuẩn để giảm phát thải. Vấn đề nâng cao giá trị vẫn là nhãn hiệu hàng hóa. Bộ đang nghiên cứu xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho lúa Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý, từ cánh đồng chuyên canh tác lúa ST25 ở thị xã Ngã Năm, cần tiến tới thành lập hợp tác xã. Việc sản xuất trên cánh đồng lớn sẽ thuận lợi trong quản lý, hỗ trợ và đo đếm lượng phát thải hơn. Và quy trình sau khi thu hoạch phải thu gom, không để rơm rạ trên cánh đồng. Việc tận dụng rơm, rạ để làm nấm rơm hoặc cuộn lại để bán, tăng thu nhập cũng cần được nhân rộng.

Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã từng nhận định, Đề án là “cuộc chơi” lớn, vì thế có 4 cái khó: Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong canh tác nông nghiệp; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu.

Và để “cuộc chơi” lớn đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát. Đặc biệt, cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng người nông dân có thái độ "hết lòng" với Đề án này. Nếu không "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại, nhưng đồng thời cũng phải "linh hoạt", sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương và đặc biệt phải thích ứng với tác động ngày một nghiêm trọng, khó đoán định của biến đổi khí hậu.

Ngọc Yến

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào khoảng 7h45 sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 1 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文