Xử lý dứt điểm tàu cá chưa đủ điều kiện, chung sức tháo gỡ "thẻ vàng" IUU
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài xử lý dứt điểm tàu cá "2 không" và "3 không", hiện công tác chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đang được Sở và các ban, ngành, chính quyền địa phương cùng phối hợp với ngư dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện...
Những năm gần đây, ngư dân các xã ven biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực đóng mới, cải hoán nâng cấp công suất tàu cá để phục vụ nghề khai thác đánh bắt hải sản, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ ngư trường của Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những tàu cá xa bờ có công suất lớn, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động dài ngày trên biển được cơ quan chức năng cấp đầy đủ giấy phép và thủ tục thì hiện vẫn còn hàng trăm tàu công suất nhỏ chuyên hoạt động vùng biển gần bờ của ngư dân thuộc diện "2 không" (không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản) và "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản).
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) có hơn 240 tàu, thuyền chuyên hoạt động câu mực, thả lưới rê ở vùng biển gần bờ. Thế nhưng chiếm khoảng 2/3 tổng số tàu, thuyền này là tàu thuộc diện "2 không", "3 không". Ngư dân Trần Minh Đức (ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh) chủ tàu vỏ gỗ thuộc danh sách "2 không" cho biết, do gia đình có truyền thống đi biển nên từ nhiều năm trước, vợ chồng anh vay vốn đóng mới tàu cỡ nhỏ để hành nghề lưới rê và câu mực. Dù được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá nhưng vì chủ quan là tàu đánh bắt vùng gần bờ nên anh Đức chưa làm thủ tục đăng kiểm, do đó chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác thủy sản.
"Vừa qua, sau khi được cán bộ xã Lộc Vĩnh nhắc nhở và hướng dẫn các thủ tục nên gia đình tôi đang gấp rút bổ sung để sớm hoàn tất những thủ tục còn thiếu sót theo đúng quy định pháp luật", anh Đức chia sẻ.
Tương tự, do chủ quan nên khi đóng tàu cá vỏ gỗ có công suất dưới 24CV, ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở xã Lộc Vĩnh không làm bất cứ thủ tục nào nên hiện tàu cá của ông Hòa được UBND xã Lộc Vĩnh liệt kê vào danh sách tàu "3 không". Ông Hòa cho hay, thời điểm đóng tàu cá, vì chủ quan và tâm lý muốn tàu sớm hoàn thiện để vươn khơi đánh bắt hải sản nên ông không thực hiện đăng ký, không đăng kiểm và chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác thủy sản. Hiện ông đang chờ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để bổ sung các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết thêm, qua kiểm tra, hiện toàn xã có 31 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 đến 15 mét thuộc diện "3 không" và 139 tàu cá "2 không" có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét. Đây là những tàu cá thuộc nhóm tàu cỡ nhỏ chủ yếu hoạt động ở vùng biển bãi ngang gần bờ để câu mực, vây cá nổi. Hiện UBND xã đang tích cực hướng dẫn các chủ tàu cá triển khai đăng ký để bổ sung các thủ tục bị thiếu theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giúp ngư dân an tâm bám biển và khai thác hải sản đúng quy định pháp luật.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 385 tàu cá chưa đăng ký đầy đủ các thủ tục, thiếu hồ sơ theo quy định. Trong đó tàu cá "2 không" có 349 chiếc và tàu cá "3 không" có 36 chiếc. Hiện chính quyền địa phương các cấp đang hướng dẫn chủ tàu cá triển khai đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định về "Đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá". Dự kiến trước ngày 30/10 tới, tàu cá "2 không", "3 không" tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành việc đăng ký và sẽ xử lý dứt điểm trước ngày 31/12/2024.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngoài xử lý dứt điểm tàu cá "2 không" và "3 không", hiện công tác chống khai thác IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đang được Sở và các ban, ngành, chính quyền địa phương cùng phối hợp với ngư dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện. Đến nay toàn tỉnh có 437/437 tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15 mét được lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS).
Từ đầu năm 2024 đến nay, có 5.799 lượt tàu cá cập cảng và 5.734 lượt tàu cá rời cảng. Thông qua hệ thống VMS, các cơ quan quản lý thủy sản trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, kêu gọi, cảnh báo nguy cơ các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ thế nên chưa có tàu cá nào ở địa bàn tỉnh bị xử lý do vượt ranh giới cho phép trên biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang chỉ đạo ngành nông nghiệp, các Đồn Biên phòng tuyến biển, Công an xã ven biển phối hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để tình trạng tàu cá đánh bắt giã cào, hoạt động trái phép trên vùng biển của tỉnh.
Mới đây, vào ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng các sở, ban, ngành của tỉnh về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế cần tăng cường quản lý, giám sát chặt hơn hoạt động của các tàu cá khi vươn khơi, bám biển; xử lý nghiêm những trường hợp tàu cá cố tình vi phạm khai thác IUU. Đồng thời yêu cầu tỉnh khẩn trương khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác chống khai thác IUU. Ngoài ra, đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT còn yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng giải ngân đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy hải sản và tập trung chỉ đạo, thực hiện cấp bách các giải pháp để mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong công tác chống khai thác IUU.