Trực diện cuộc chiến chống "cát tặc"

Ăn cơm hộp, đột kích “đại công trường cát tặc” trên sông Hồng

11:09 31/03/2017
Tôi gọi việc đấu tranh chống khai thác cát trái phép là cuộc chiến như đúng bản chất của nó bởi cuộc chiến này đã từng đổ máu, đã có CBCS CSGT phải hi sinh. Đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến này càng cam go, quyết liệt hơn bởi lợi nhuận kếch xù do cát đem lại.

Khó khăn tăng gấp bội bởi không chỉ khai thác cát trái phép, mà một số doanh nghiệp có phép đã coi đây là “lá bùa” để khai thác sai vị trí, vượt quá trữ lượng qua mặt lực lượng chức năng. Không chỉ thế, các doanh nghiệp trên còn có nhiều quan hệ, sẵn sàng can thiệp khi bị “động”. Sát cánh cùng CBCS Cảnh sát giao thông trong “cuộc chiến” này, chúng tôi mới thấy rõ được hết gian nan...

Đêm 29, rạng sáng 30-3 Đại tá Trần Văn Sơn, Trưởng phòng phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Phòng 12) điện thoại  “chuẩn bị lên đường nhé”. Mặc dù chưa biết đi đâu, công việc cụ thể thế nào nhưng tôi vẫn nhanh chóng chuẩn bị hành trang để lên đường.

Thật ra, việc “báo động” của anh Sơn đã từ nhiều ngày trước bởi đơn vị anh đang tích cực đấu tranh với các đối tượng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng cực kỳ tinh vi, không đơn thuần là khai thác cát trái phép như trước kia mà đa số đều có giấy phép khai thác nhưng các đối tượng khai thác sai phép, quá phép. Chính vì vậy, từ nhiều tháng trước, các tổ trinh sát của anh đã “bám” ở sông, từng nhiều lần ra quân nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi...

Tàu khai thác cát trái phép của Công ty Quảng Tây bị tạm giữ.

3h sáng, gió sông Hồng hun hút thổi, mặt nước lênh láng điện từ “đại công trường” khai thác cát ở giữa sông thuộc thị trấn Tây Đằng, Ba Vì. Tôi thoáng rùng mình bởi những “con rắn” ngoằn ngoèo từ sóng của phương tiện phía trước tạo ra. Chiếc xuồng máy công suất 40CV của Phòng Cảnh sát đường thuỷ Hà Nội phành phạch nổ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra theo quy định.

Thời điểm trên, các tổ công tác của Phòng 12, Cục CSGT và các lực lượng chức năng đã triển khai xong quân, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Từ vị trí tập kết quân, tổ công tác thấy rõ từng phương tiện ra vào mua cát. Đây là điểm khai thác cát của Công ty Cổ phần Quảng Tây (Công ty Quảng Tây).

Đây là một doanh nghiệp có tiếng ở Ba Vì do ông Nguyễn Thế Sang làm Giám đốc. Doanh nghiệp này có giấy phép khai thác cát của UBND TP Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch ký vào năm 2015. Theo đó, Công ty Quảng Tây được phép khai thác cát san lấp tại khu vực bãi bồi tại bãi cát Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì bằng phương pháp lộ thiên với diện tích khai thác là 20ha với mức sâu 6,5m, trữ lượng 1,039 triệu m3 trong thời hạn 10 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản mỏ và 1 năm phục hồi môi trường.

Theo quy định như trên, công ty này không được phép dùng phương tiện thuỷ (tàu cuốc) để hút cát nhưng đã đầu tư nhiều tàu cuốc có công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm. Từ trước Tết Đinh Dậu, CBCS phòng 12 đã nắm tình hình, xác định vi phạm của Công ty này, lập án đấu tranh.

Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều công ty được phép nạo vét luồng được phép hoạt động nên giá cát rẻ. Công ty Quảng Tây đã dừng khai thác một thời gian nên việc đấu tranh chưa thực hiện được. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc cấp phép nạo vét luồng đã bị dừng lại nên giá cát tăng theo từng ngày. Chính vì vậy, Công ty Quảng Tây lại tiếp tục tổ chức khai thác cát bán lấy tiền.

Theo tính toán của lực lượng chức năng thì 1 tàu cuốc của Công ty Quảng Tây có thể khai thác 200m3 cát/h với 4 tàu, khai thác 24h, giá bán tại tàu là 60.000đ/m³ thì mỗi ngày Công ty Quảng Tây có thể thu về hàng tỷ đồng.

Cũng với công suất trên, thì chỉ trong 1 thời gian ngắn, Công ty Quảng Tây có thể khai thác hết trữ lượng hơn 1 triệu m³ như trong giấy phép. Điều đáng nói là, theo vị trí được cấp phép thì Công ty Quảng Tây không được khai thác ở khu vực trên. Đặc biệt, theo giấy phép thì phương pháp Công ty Quảng Tây được khai thác phải là phương pháp lộ thiên (dùng máy xúc) chứ không được dùng tàu cuốc để hút cát.

Cũng chính vì Công ty Quảng Tây có giấy phép, có nhiều mối quan hệ nên CBCS Phòng 12 xác định được rằng, đã “đánh” là phải thắng, phải làm rõ được việc lợi dụng giấy phép khai thác bãi bồi để rút ruột lòng sông. Theo đó, Cục CSGT đã thành lập chuyên án do CBCS Phòng 12 chủ công phá án. Sau nhiều ngày trinh sát, nắm tình hình, khi xác định điều kiện chín muồi, đêm 29, rạng sáng 30-3, lực lượng chức năng đã quyết định phá án.

Theo đó, Ban Chuyên án đã phối hợp với Trung đoàn E27, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Đội 1, Phòng PC 68 Công an TP Hà Nội, Công an huyện Ba Vì triển khai lực lượng đấu tranh. Chiều 29-3, lực lượng chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án, đêm triển khai quân áp sát mặt sông. Các lực lượng chia làm 2 mũi công tác.

Mũi thứ nhất do Trung tá Võ Xuân Mạo, Phó trưởng phòng 12 làm tổ trưởng ém quân tại thị trấn Tây Đằng; mũi thứ 2 do Đại uý Nguyễn Du Phùng, Phó trưởng Phòng 12 làm tổ trưởng, ém quân tại xã Tản Hồng; Trung đoàn Cảnh sát Cơ động do Thiếu tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Trung đoàn trưởng chỉ huy triển khai lực lượng.

Để đảm bảo bí mật, toàn bộ lực lượng đều được ém ở các khu vực bí mật, dọc bờ sông. Suốt đêm 29-3, không ai rời vị trí. Để chuẩn bị cho việc xuất quân an toàn, Ban chuyên án đã thuê tàu của người dân, cập ở vị trí phù hợp. Đúng 4h sáng, theo lệnh của chỉ huy, đồng loạt các mũi trinh sát triển khai lực lượng, vượt sông, áp sát khu vực khai thác cát trái phép của Công ty Quảng Tây. Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 4 tàu cuốc đang khai thác trái phép cùng 7 tàu chở cát đang lấy cát từ tàu cuốc để vận chuyển đi.

Tại khu vực xã Tản Hồng – nơi có một số tàu của một số đối tượng thường lợi dụng đêm tối khai thác cát trái phép, khi phát hiện lực lượng Công an, lập tức các đối tượng trên cuốn vòi, tắt điện lái tàu bỏ chạy. Tổ công tác đã truy kích, bắt giữ được 2 tàu.

Ngay trong sáng 30-3, lực lượng chức năng đã mời Cục Địa chất, khoáng sản phối hợp xác định vị trí khai thác của Công ty Quảng Tây. Bước đầu, đã xác định chính xác Công ty này khai thác tại khu vực không được phép.

Cả ngày 30-3, lực lượng chức năng không ai rời vị trí bởi việc thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra còn hết sức nặng nề. Quá trưa, anh em mới mỗi người 1 suất cơm hộp được mua trên bờ mang xuống tàu để tranh thủ làm tiếp. 

Như vậy, các anh có thể tiếp tục phải ở trên sông...

Công an Thanh Hóa mở đợt cao điểm xử “cát tặc”

Chiều 30-3, Công an Thanh Hoá tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép. Tỉnh còn 70 điểm mỏ trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép.

Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc thực hiện dự án nạo vét lòng sông, lòng hồ để khai thác cát trái phép; nhiều đơn vị được phép cấp mỏ đã lợi dụng việc không thả phao xác định mốc giới khu vực mỏ để khai thác ngoài vị trí hoặc khai thác vượt quá công suất được cấp phép, khai thác không tuân theo thiết kế gây sạt lở đê điều, đất canh tác, làm thay đổi dòng chảy...

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 45 vụ, phạt tiền gần 800 triệu đồng.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá tình hình về thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh, Thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị Công an trong tỉnh cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép.

Trong đó, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại các dự án nạo vét lòng sông, chủ các điểm mỏ, xác định ranh giới các tuyến sông thuộc các dự án; kiểm tra việc cắm mốc giới, lắp đặt các biển chỉ báo địa giới dự án, các điểm mỏ, yêu cầu các nhà thầu, thi công, các dự án phải ký cam kết trong việc khai thác, nạo vét.

Tập trung trấn áp mạnh các băng, ổ nhóm tội phạm tham gia hoạt động khai thác cát; các loại đại ca, đầu gấu hoạt động theo kiểu "xã hội đen" tham gia đấu thầu các mỏ, bến bãi, các điểm tập kết, khai thác, vận chuyển cát trái phép. Giao cho Công an các huyện rà soát những nơi có đủ điều kiện thì đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép, những trường hợp không đủ điều kiện mà cố tình vi phạm thì giải toả, thu hồi. (Thái Thanh)

Phương Thuỷ

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文