Lừa đảo “chạy án” và những chuyện bi hài: Nhận diện mánh lới tinh vi
Thủ đoạn mới của loại tội phạm này là ngoài người dân, chúng còn nhắm đến các doanh nhân, người có tiền và quan hệ rộng trong xã hội. Những vụ việc này nếu không bị bắt giữ, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan thực thi pháp luật.
Một trong các thủ đoạn phạm tội đó là mạo danh con của những vị cán bộ lãnh đạo cấp cao, có khả năng xin tại ngoại cho bị can đang bị tạm giam, tạm giữ; một số còn giả danh là cán bộ đang công tác tại các cơ quan thi hành pháp luật như Công an, Viện Kiểm sát hoặc cán bộ Tòa án.
Một trong số đó phải kể đến trường hợp của Tô Văn Tập (43 tuổi, trú tại khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Phú Triệu.
Tập chỉ học hết lớp 7, đối tượng này không quen biết, cũng không có quan hệ gì với các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Song đánh trúng tâm lý của gia đình nạn nhân, đối tượng “đánh bóng” bản thân bằng việc sử dụng các bức ảnh, anh ta đã photoshop, ghép chụp chung với một số cán bộ lãnh đạo các bộ, ban ngành... rồi hứa hẹn “chạy án” và yêu cầu người bị hại đưa tiền và quà biếu có giá trị lớn nhằm chiếm đoạt.
Đối tượng Trần Thị Vũ. |
Trong vụ án này, Tập bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội bắt giữ khi đang nhận 600 triệu đồng của chị Phạm Minh N, người nhà của anh Phạm Thanh Hải, đối tượng bị cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam về tội kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, đối tượng đã gợi ý gia đình nạn nhân mua cho anh ta chiếc điện thoại Vertu Signature S Design Pure Chocolate Red Gold trị giá gần 700 triệu đồng để làm quà biếu. Đối tượng này đồng thời cũng yêu cầu gia đình người bị hại nộp 300.000 USD cùng nhiều quà biếu đắt tiền để anh ta lo việc tại ngoại...
Cá biệt, một số đối tượng còn mạo danh Thiếu tướng Công an và quân đội để chạy án. Trường hợp của Cao Văn Nguyên (54 tuổi, trú tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là một ví dụ. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyên tự nhận mình là "Thiếu tướng" đang công tác tại một Tổng cục thuộc Bộ Công an. Anh ta nhận 8,6 triệu đồng với thỏa thuận sẽ chạy án cho 1 thanh niên thoát tội đánh bạc.
Đối tượng lừa đảo chạy án thật đau xót có cả những cán bộ làm việc liên quan đến pháp luật vì đồng tiền đã bán rẻ đạo đức nghề nghiệp. Trường hợp của Trần Thị Vũ (42 tuổi, trú tại khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội), nguyên luật sư tại một văn phòng ở Hà Nội cũng là một minh chứng. Đối tượng này bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vào cuối năm 2015 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị hại ở đây là ông Vũ Xuân Hùng (trú tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ông Hùng có con trai là Vũ Xuân Tuấn (37 tuổi), bị Công an thành phố Việt Trì, bắt giữ về tội tổ chức đánh bạc.
Cũng trong thời gian này, đối tượng Tuấn bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố về tội cố ý gây thương tích, bản án này đã được chuyển đến Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc chờ xét xử... Khi gặp ông Hùng, Vũ giới thiệu rằng chị ta có quan hệ với nhiều người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Trì và Vĩnh Phúc, có thể lo xin giảm án cho Tuấn với mức chi phí là 250 nghìn USD, tương đương với khoảng 5 tỷ đồng.
Khi nhận tiền, Vũ cam kết sẽ hoàn trả lại tiền nếu không thực hiện như cam kết. Nhưng trên thực tế, sau khi nhận tiền, Vũ không làm gì, không tham gia với tư cách là luật sư bào chữa cho Tuấn ở cả 2 phiên tòa trên. Số tiền chiếm đoạt được của ông Hùng, Vũ sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Xuân Phúc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi điều tra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn do thủ đoạn tinh vi của đối tượng phạm tội. Khó khăn đầu tiên có lẽ lại bắt nguồn từ nạn nhân.
Thông thường, họ quen biết các đối tượng lừa đảo “chạy án” qua các đối tượng môi giới. Trong khi đó, chính đối tượng môi giới cũng không biết đối tượng này là ai. Một số trường hợp vì xấu hổ nên đã không đến cơ quan Công an trình báo; việc giao và nhận tiền hầu hết đều không có giấy biên nhận... Trong một số trường hợp nếu có thì cũng không ghi rõ lý do chuyển tiền. Vì thế, trong các vụ án này người bị hại thiệt đơn, thiệt kép.
Trở lại vụ án do nguyên luật sư Vũ thực hiện. Thông qua Hoàng Đức Giang (trú tại Quảng Ninh), một người quen ngoài xã hội, ông Hùng quen biết Dương (đối tượng bị khởi tố về hành vi môi giới hối lộ). Tiếp đó, với sự giúp đỡ của Dương, ông Hùng gặp luật sư Vũ. Thế nhưng cả Giang và ông Hùng đều không hề biết Dương làm gì, ở đâu.
Nhân chứng Hoàng Đức Giang sau khi được cơ quan điều tra triệu tập chỉ biết rằng Dương quê ở Nam Định, anh ta quen biết qua một người bạn, còn cụ thể địa chỉ ở đâu thì không biết. Trong khi đó, ở vụ án này Dương là mắt xích quan trọng, việc bắt giữ đối tượng này là “chìa khóa” giúp cơ quan điều tra củng cố tài liệu, làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan, Công an tỉnh Phú Thọ mất rất nhiều thời gian, làm rõ danh tính của Dương là Vũ Ngọc Dương (43 tuổi, trú tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) và tổ chức bắt giữ về hành vi môi giới hối lộ.
“Nếu thu hẹp khung hình phạt lại thì đối tượng “chạy án” và lừa đảo “chạy án” sẽ không có cơ hội để hoạt động”, đây là một trong những giải pháp Thượng tá Phúc đưa ra để hạn chế các vụ án như trên. Bên cạnh đó, cần phải xử lý mạnh tay đối với các đối tượng môi giới, trong trường hợp vụ việc bị phát hiện sẽ bị khởi tố về hành vi môi giới hối lộ. Chẳng ai muốn vướng chân vào vòng lao lý nhưng để không trở thành nạn nhân của các vụ việc trên, các bị hại trong vụ án cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đừng thiếu cảnh giác để mất tiền với những kẻ lừa đảo “chạy án”.