Bán bằng giả mỗi tháng thu 100 triệu rồi trộm thông tin dọa lại khách hàng
- Cán bộ phòng nội vụ chuyên “nhân bản” bằng giả
- Ly kỳ vụ án lừa bán bằng giả thu tiền tỉ
- Phá đường dây bán bằng giả liên tỉnh
Ngày 17-4, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tạm giữ hình sự hai đối tượng gồm Cấn Văn Tuấn (23 tuổi, trú tại thôn 2, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và Phạm Công Duy (28 tuổi, HKTT tại Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Sau khi đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả do Nguyễn Văn Thuật (46 tuổi, trú tại số 66 Lương Đình Của, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Giám đốc Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, trú tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị triệt phá, Phòng An ninh Giáo dục- Đào tạo, Cục An ninh Chính trị Nội tiếp tục nắm tình hình.
Đối tượng Duy và tang vật thực hiện hành vi phạm tội. |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một số giáo viên ở Bắc Ninh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ và bằng tin học giả nhằm hoàn thiện hồ sơ công chức, nâng lương...
Quá trình làm việc, số giáo viên này cho biết họ đã liên lạc qua Zalo với một đối tượng tên là Huy, thỏa thuận làm các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Trong quá trình giao dịch, đối tượng Huy tự giới thiệu là cán bộ Trường Đại học Hà Nội, các loại chứng chỉ này đều là thật, Huy làm bằng cách gài tên của họ vào danh sách người dự thi. Các giáo viên này đã 3 lần chuyển tiền cho các đối tượng, lần đầu là 3 triệu đồng, lần thứ hai là hơn 23 triệu đồng và lần thứ 3 hơn 26 triệu đồng để mua bán các loại giấy tờ trên...
Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh xác định Huy có tên thật là Cấn Văn Tuấn. Cao Văn Tuấn từng có thời gian theo học đại học ở Hà Nội và là đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin. Đối tượng này có quan hệ mật thiết với một người đàn ông có tài khoản là Zalo là duy Hung và có tên thật là Phạm Công Duy (28 tuổi), HKTT tại Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định.
Duy không bao giờ xuất đầu lộ diện, đối tượng sử dụng xe ôm và shipper đi giao hàng. Trong số đó có trường hợp của Nguyễn Tự Hạnh ở đường Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 16-4, tổ công tác của Thiếu tá Nguyễn Cao Khương phát hiện xe ôm Nguyễn Từ Hạnh rời khỏi nhà. Nhận định đây là thời điểm đối tượng giao hàng, tổ công tác đã bám theo và bắt giữ Tuấn cùng người xe ôm. Vào thời điểm kiểm tra, đã thu giữ 5 chứng chỉ ngoại ngữ giả của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Duy thu mua các thẻ ngân hàng của sinh viên của các trường đại học dùng để nhận tiền bán bằng giả. |
Ngay sau khi bắt giữ Tuấn, lực lượng chức năng đã đồng loạt tổ chức bắt và khám xét phòng 1709 khu CT36 phường Định Công và phòng 3906 tòa HH1A, Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội – đây là những địa điểm Duy thuê nhà để sinh sống và phục vụ cho việc làm các văn bằng, chứng chỉ giả. Vào thời điểm kiểm tra, Cơ quan Công an thu giữ tang vật gồm 2 bộ máy tính, 1 máy scan, máy ép lọc, dụng cụ dập dấu nổi, hàng nghìn mẫu phôi cùng nhiều công cụ, phương tiện khác để thực hiện hành vi phạm tội.
Tại cơ quan Công an, Duy khai nhận: Sau khi tốt Trường Cao đẳng cơ điện Nam Định, Duy từng theo học một lớp photoshop nên am hiểu về kỹ năng chỉnh sửa văn bản. Duy bắt đầu làm giả giấy tờ từ tháng 9-2017.
Qua Zalo, đối tượng có quan hệ với Cấn Văn Tuấn và cấu kết với nhau thực hiện hành vi làm giả giấy tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức. Duy bán cho Tuấn với giá 800 nghìn đồng/ văn bằng và chứng chỉ giả.
Trung bình mỗi tháng, Duy thu lời khoảng 100 triệu đồng. Qua kiểm tra máy tính và điện thoại của đối tượng sau khi bắt giữ, phát hiện hàng nghìn giao dịch.
Để tránh bị phát hiện, Duy thu mua các thẻ ngân hàng của sinh viên của các trường đại học dùng để nhận tiền. Thủ đoạn của đối tượng rất tinh vi, sau khi nhận đơn của khách hàng, Duy lên mạng, sưu tầm các mẫu văn bằng, chứng chỉ, tự chỉnh sửa trên máy vi tính. Con dấu thì anh ta đóng nổi còn chữ ký thì trực tiếp thực hiện. Qua đấu tranh, Duy còn khai nhận anh ta có ý định khống chế các khách hàng nên khi họ đặt mua bằng đã yêu cầu họ chuyển ảnh, chứng minh nhân dân... và lưu lại thông tin.
Với các trường hợp là xe ôm tin cậy, Duy bỏ tiền thuê nhà, đối tượng lựa chọn là khu vực ở gần bến xe và khu đông người để thuận tiện cho việc giao dịch. Trong trường hợp này, đối tượng còn trả tiền công cố định cho các xe ôm là 20 triệu đồng, đồng thời cung cấp máy điện thoại để họ liên lạc... Về phần Tuấn, sau khi mua được chứng chỉ, văn bằng giả của Duy với giá 800 nghìn đồng, đối tượng bán lại cho các trường hợp với giá 5 triệu đồng/ văn bằng để kiếm lời.
Ngày 17-4, Thiếu tướng Lê Vân, Cục trưởng Cục An ninh Chính trị Nội bộ đã biểu dương, khen ngợi tập thể Phòng An ninh- Giáo dục- Đào tạo, các cán bộ trực tiếp phát hiện, đề xuất và các cán bộ đã phối hợp xử lý có hiệu quả đường dây sản xuất, qua bán văn bằng giả do đối tượng Phạm Công Duy cầm đầu; khám xét 3 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện trong việc làm giả văn bằng, chứng chỉ; bắt tạm giam 2 đối tượng chính và triệu tập 7 đối tượng liên quan. Để động viên cán bộ trong đơn vị trực tiếp tham gia đấu tranh vụ án, Đảng ủy và lãnh đạo Cục quyết định thưởng 10 triệu đồng, đây là thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Cục An ninh chính trị Nội bộ. |