Cán bộ phòng nội vụ chuyên “nhân bản” bằng giả

08:59 27/05/2016
Qua khai thác các đối tượng mua bán bằng giả, Cơ quan ANĐT Công an Gia Lai xác định đối tượng chính chuyên cung cấp giấy tờ giả có vỏ bọc khá kỹ càng, là một công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội…

Đại tá Rơ Lan Lâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian gần đây, vấn nạn mua bán bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả diễn ra khá nhiều trên mạng. Nhiều đối tượng là công chức, viên chức... đã tìm cách hợp lý hóa bằng cấp, văn bằng chứng chỉ để đối phó trong việc hoàn thiện hồ sơ cán bộ nhằm đạt được những mưu cầu danh lợi.

Địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cũng “nóng” vấn đề mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả nên Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tập trung đấu tranh quyết liệt để xóa bỏ vấn nạn này.

Các đối tượng mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả.

Vào đầu năm 2016, từ nhiều nguồn tin xác định có một đường dây mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả ở địa bàn Gia Lai nên các trinh sát Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) và An ninh Điều tra (PA92) Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức mở đợt điều tra, lập kế hoạch truy bắt các đối tượng.

Trong một cuộc hẹn tại quán cà phê Noel ở gần Trường trung cấp Lâm nghiệp Gia Lai, các trinh sát đã "tóm" gọn 2 đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi) và Đinh Thanh Lam (29 tuổi) trú ở Chư Prông, Gia Lai, đang mua bán văn bằng, chứng chỉ giả (Chứng chỉ tiếng Anh trình độ C). Mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Công an Gia Lai đã phối hợp cùng Cục A92 - Bộ Công an tổ chức bắt quả tang Phạm Thị Hồng An (24 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội khi đối tượng này đang chuyển văn bằng, chứng chỉ giả cho khách hàng đặt mua.

Tiếp đó, Cơ quan ANĐT Công an Gia Lai phối hợp cùng các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Hải Phòng tiến hành bắt giữ Lê Quang Lâm (28 tuổi) đang trú tại nhà người thân ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.

Mở rộng các mối quan hệ từ những “mắt xích” bán hàng của các đối tượng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Gia Lai đã bắt giữ các đối tượng Trịnh Văn Nam (25 tuổi) ở Từ Liêm, Hà Nội và Lê Quang Phát (24 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội về hành vi mua bán chứng chỉ giả.

Qua khai thác các đối tượng đã bị bắt giữ, Cơ quan ANĐT Công an Gia Lai xác định đối tượng chính chuyên cung cấp giấy tờ giả có vỏ bọc khá kỹ càng, là một công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Sau khi xác minh làm rõ đối tượng, Cơ quan Công an đã bắt Hoàng Đức Huấn (30 tuổi), công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, thu giữ hàng ngàn phôi chứng chỉ giả...

Tiếp tục mở rộng điều tra, Công an Gia Lai đã khởi tố bắt giam các đối tượng Trịnh Văn Chung (27 tuổi) ở Hà Đông, Hà Nội; Nguyễn Quốc Hương (40 tuổi) ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Võ Nguyễn Xuân Đan (44 tuổi) giáo viên tiểu học ở Tân Châu, An Giang, cùng đồng phạm trong đường dây mua bán chứng chỉ giả.

Qua điều tra xác định, năm 2015, Lê Quang Lâm ở Từ Liêm, Hà Nội lập facebook mang tên “làm chứng chỉ”, quảng cáo nội dung nhận thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ... nhằm để mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả. Khi có khách hàng, Lâm mua chứng chỉ giả từ Lê Quang Phát (còn tên gọi là Hưng) ở Thanh Xuân, Hà Nội với giá từ 250.000 đồng/giấy rồi bán 450.000 đồng/giấy. Lâm đã bán khá nhiều chứng chỉ giả cho các cá nhân ở TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau...

Từ đầu năm 2016, Lê Quang Lâm trực tiếp mua chứng chỉ giả của Trịnh Văn Nam ở Từ Liêm, Hà Nội bán kiếm lời. Các đối tượng ở Gia Lai, Đắk Lắk... mua chứng chỉ giả của Lâm cung cấp từ 400.000 đồng/giấy, bán lại từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giấy...

Trong đường dây mua bán bằng cấp, giấy tờ giả có Trịnh Xuân Chung ở Hà Đông, Hà Nội là đối tượng chuyên mua phôi bằng, chứng chỉ giả (có chữ ký và đóng dấu) từ Hoàng Đức Huấn ở Đan Phượng, Hà Nội rồi đem về tự in nội dung theo yêu cầu người mua để bán.

Còn Hoàng Đức Huấn khai nhận từ năm 2014, Huấn lên mạng đặt mua phôi chứng chỉ giả các loại như tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm... của một đối tượng tên Huyền ở Hà Nội với giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giấy. Sau khi mua về, Huấn sắm máy in, cài đặt phần mềm để in và bán lại kiếm lời...

Đại tá Vũ Quang Khuyến, Trưởng Phòng ANĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay Công an Gia Lai đã khởi tố 10 bị can trong đường dây mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Bước đầu Cơ quan ANĐT đã thu giữ trên 22.000 phôi bằng,  chứng chỉ giả các loại, khoảng 2.000 tem 7 màu (sử dụng dán trên văn bằng, chứng chỉ), 3 máy in các loại... và một số phương tiện phục vụ việc sản xuất, mua bán chứng chỉ giả.

Công an Gia Lai đang tiếp tục phối hợp cùng Công an các tỉnh, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an để điều tra mở rộng vụ án, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ các tỉnh đề nghị thu hồi các văn bằng, chứng chỉ giả do các công chức, viên chức... sử dụng để hợp lý hóa hồ sơ bằng cấp; kiến nghị xử lý thích đáng theo quy định pháp luật đối với các cá nhân mua chứng chỉ, bằng cấp giả.

Hiện trên địa bàn Gia Lai, cơ quan chức năng đã thu hồi 20 chứng chỉ giả của một số cán bộ công chức, viên chức... để xử lý theo quy định. Cũng từ việc phát hiện đường dây mua bán chứng chỉ giả này, Công an Gia Lai đã kiến nghị đưa ra khỏi danh sách bầu cử một ứng cử viên đại biểu HĐND cấp phường ở TP. Pleiku.

Hiện nhiều đối tượng ở Gia Lai mua chứng chỉ giả như giáo viên, nhân viên y tế, công chức... đang được xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.

Đặng Ngọc Như

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文