Đánh án ma túy - nhìn từ lực lượng “cầm trịch”
- Cảnh sát chống ma túy - Cuộc chiến khốc liệt và sự dấn thân
- Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
- Phát hiện 306 đối tượng trong Tháng hành động phòng, chống ma túy
Phòng ngừa, đấu tranh, tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý, cho biết, theo mô hình tổ chức bộ máy mới, Cục CSĐT tội phạm về ma túy được giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ quan trọng, trong đó có chức năng của Cơ quan thường trực về phòng, chống tệ nạn ma túy.
Theo dõi, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện trách nhiệm thường trực về phòng, chống tệ nạn ma túy cho Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy.
Cơ quan Công an thu giữ số ma túy trong 3 vụ án liên quan đến đường dây vận chuyển gần 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”. |
Cục nắm vai trò “cầm trịch” tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy trong cả nước tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, triệt phá, xử lý các loại tội phạm về ma túy. Tổ chức thật hiệu quả công tác truy nã, truy tìm…
Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an và tổ chức chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là, tập trung ngăn chặn, kiểm soát nguồn ma túy từ biên giới vào Việt Nam; thường xuyên tổ chức cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới. Cục đặc biệt coi trọng và tăng cường hợp tác với các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển…
Tiến hành nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi nâng cao chất lượng hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển trên địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển - địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.
Phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn sản xuất ma túy tổng hợp, tái trồng cây có chất ma túy. Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tham mưu với Bộ Công an, tham mưu UBND tỉnh, thành phố, các Bộ có liên quan trong việc kiện toàn tổ chức, các tổ liên ngành và triển khai công tác phối hợp, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, lạm dụng, sử dụng vào sản xuất ma túy, tái trồng các cây thuốc phiện, cần sa.
Việc kiểm soát tiền chất, hóa chất hướng thần, chất gây nghiện hiện hữu trong cuộc sống phục vụ cho dân sinh, công nghiệp, y tế, lâm nghiệp… Tránh không để bị lạm dụng, lợi dụng đưa ra sản xuất ma túy thông qua hoạt động hợp pháp.
Việc đấu tranh triệt xóa các đường dây vận chuyển ma túy, quốc tế xuyên quốc gia và các đường dây vận chuyển ma túy ở trong nước đi qua các tỉnh, thành phố luôn được Cục CSĐT tội phạm về ma túy đặc biệt coi trọng.
Cục đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có công điện, chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tham mưu, hướng dẫn và chỉ đạo Công an các địa phương triệt xóa, vô hiệu hóa các tụ điểm và giải quyết vấn đề liên quan đến người nghiện. Cùng với nghiên cứu Luật phòng, chống ma túy; sửa đổi, bổ sung Luật này, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến xử lý vi phạm người nghiện…
Kế hoạch 888 ngày 27-3-2019, về việc rà soát, kiểm tra, đánh giá, thực trạng tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm liên quan đến việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở các tỉnh, thành phố…
Nghe trinh sát kể chuyện đánh án
Trong 6 tháng đầu năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Phòng 3, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã tập trung đấu tranh với khoảng gần 30 chuyên án, bắt giữ gần 80 đối tượng ma túy; thu giữ gần 1.000 bánh heroin, 1,46 tấn ma túy đá…
Trung tá Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng phòng 3 nhớ lại, vào dịp đầu năm 2019, từ nguồn tin tố giác của quần chúng nhân dân, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Phòng 3 đã lập chuyên án về đường dây ma túy do đối tượng Bùi Văn Ngọc, SN 1985, trú tại Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội cầm đầu.
Đây là đối tượng buôn ma túy nhiều năm, có phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, manh động. Đáng chú ý, do có tiền từ mua bán ma túy nên Ngọc là dân chơi thứ thiệt, thường đi xe ôtô đắt tiền, phân khối lớn, có quan hệ với nhóm anh chị ngoài xã hội, khi bị lực lượng cơ quan chức năng truy đuổi có thể tông trực diện vào lực lượng vây bắt, sử dụng vũ khí nóng chống trả.
Sau một thời gian dài trinh sát, Ban chuyên án do Phòng 3 chủ trì phối hợp với các đơn vị Công an tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La… triển khai các mũi tiến công tổ chức phá án đồng bộ ở 3 nơi là Cao Bằng, Hà Nội và Lạng Sơn.
Ngày 10-1, Bùi Văn Ngọc sử dụng 3 xe ôtô để tổ chức vận chuyển 250 bánh heroin từ Sơn La về Hà Nội (trong đó có xe cá nhân và 2 xe ôtô thuê người Mông vận chuyển ma túy).
Quá trình triển khai, do địa hình đồi núi hiểm trở, đường đèo quanh co nên việc kiểm soát di biến động của đối tượng gặp nhiều khó khăn… Ban chuyên án tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 23-1, chuyên án tổ chức phá án ở giai đoạn đối tượng Ngọc vận chuyển “hàng” ma túy lên Cao Bằng và Lạng Sơn tiêu thụ.
Trong quá trình triển khai, lực lượng Công an đã cử khoảng 150 cán bộ, chiến sĩ theo dõi mọi di biến động của Ngọc và đồng bọn. Sau khi định hình đường đi của nhóm đối tượng, Ban chuyên án xây dựng kế hoạch phá án chia ra nhiều tổ công tác, giám sát hoạt động các cung đường di chuyển của đối tượng từ Hà Nội đến Cao Bằng.
Tại quốc lộ 4A thuộc khu vực thị trấn Đông Khê, Thạch An, tỉnh Cao Bằng, Ban chuyên án đã huy động khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ “khóa” 2 chiều không để đối tượng quay xe. Do bị bất ngờ, các đối tượng có hành vi chống đối lao xe lên hòng mở đường “máu” tẩu thoát nhưng đã bị lực lượng Công an bắt giữ, thu 90 bánh heroin.
Thời điểm này, Ngọc vẫn thường xuyên liên lạc với 2 đối tượng hoa tiêu và chở hàng. Tuy nhiên, ban chuyên án đã khống chế 2 đối tượng Bình và Đảm và các đối tượng này đã hợp tác với cơ quan Công an. Lúc này, 1 tổ công tác của Ban chuyên án tiếp tục triển khai mũi ở Hà Nội bắt giữ Ngọc.
Nghĩ rằng “hàng” đã được vận chuyển thành công, Ngọc điều khiển xe ôtô Range Rover đến các tụ điểm ăn chơi ở Hà Nội và vô cùng ngỡ ngàng khi bị bắt giữ ở quận Hai Bà Trưng.
Sau khi bắt giữ Ngọc, qua tài liệu trinh sát nhận định số hàng 160 bánh heroin còn lại đã được cất giấu và giao cho đối tượng Hà Văn Hậu, SN 1981, trú tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Khoảng 6h ngày 24-1, Phòng 3 (Cục CSĐT tội phạm về ma túy) phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn bắt khẩn cấp Hà Văn Hậu về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ số heroin nêu trên.
Một vụ án nổi bật nữa là dưới sự chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Phòng 3 đã lập chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy liên quan đến vận chuyển ma túy nước ngoài vào Việt Nam và đi nước thứ ba vào ngày 30-1-2019. Chuyên án này xuất phát từ tài liệu báo cáo của Công an tỉnh Quảng Bình về việc bắt giữ đối tượng, thu 300kg ma túy tổng hợp dạng “đá”.
Ngày 17-2, sau thời gian dài kiên trì bám sát các đối tượng, thu thập thông tin, tài liệu, tại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cục CSĐT tội phạm về ma túy đồng chủ trì với Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị chức năng thuộc tỉnh Hà Tĩnh phá giai đoạn 1 của chuyên án, bắt giữ đối tượng Vangchueyang Briachear, SN 1994, trú tại bản Vang Ban, chuyện Xay Chăm Pon, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào, thu giữ 278kg ma túy tổng hợp dạng “đá”, 1 xe ôtô nhãn hiệu Starex Lào.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, Ban chuyên án xác định sau khi “chân rết” người Lào bị bắt, các đối tượng cầm đầu vẫn tiếp tục điều hành hoạt động vận chuyển ma túy từ khu vực “tam giác vàng” vào Việt Nam, sau đó đưa qua đường biển sang nước thứ ba tiêu thụ.
Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, đối tượng đã đăng ký thành lập doanh nghiệp may mặc, xuất khẩu hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh để làm bình phong cho hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trái phép. Ban chuyên án tiếp tục đấu tranh, bóc gỡ ở giai đoạn 2.
Các trinh sát phát hiện, các đối tượng đã thuê hơn 10 người là dân tộc Mông vận chuyển ma túy để trong các bao bì vác lên vai theo đường tiểu ngạch giáp cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đưa vào Việt Nam, với giá 500 triệu đồng.
Sau đó, bọn chúng sử dụng xe ôtô biển số Lào vận chuyển “hàng” vào TP Hồ Chí Minh. Quá trình bắt giữ các đối tượng hết sức khó khăn và phức tạp do nhóm đối tượng đông, để không bị lộ việc bắt giữ phải diễn ra đồng loạt.
Cung đường từ cửa khẩu Bờ Y đến TP Hồ Chí Minh khoảng 700km đi trong 2 ngày, các đối tượng vận chuyển “hàng” rất cảnh giác, đều có xe hoa tiêu, dừng ở nhiều nơi nên các tổ công tác thay phiên nhau giám sát chặt chẽ.
Khoảng 13h35 ngày 20-3, tại kho số 5A, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, khi các đối tượng đang giao, nhận ma túy, các trinh sát đồng loạt ập vào khống chế, bắt quả tang 4 đối tượng là: Huang Zai Wen, SN 1967, quốc tịch Trung Quốc; Thào A Dơ, SN 1982, ở Điện Biên; Thào Nở Páo, SN 1974, ở Đắk Nông; Lý A Vừ, SN 1987, ở Đắk Nông. Vật chứng thu giữ 298,6kg ma túy tổng hợp dạng “đá”, được giấu trong 12 bao tải cùng một số tài sản, vật chứng có liên quan.
Từ tài liệu thu thập được và lời khai của đối tượng bị bắt giữ, Cơ quan điều tra xác định ngày 13-3, các đối tượng đã cất giấu 276kg ma túy tổng hợp dạng “đá” lẫn trong các bao tải đựng hạt nhựa công nghiệp vận chuyển bằng tàu biển từ Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh đi Philippines tiêu thụ.
Ngay sau khi có thông tin, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã trao đổi với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kịp thời trao đổi với Cục Phòng, chống ma túy và cơ quan Hải quan của Philippines bắt giữ lô hàng 276kg ma túy tổng hợp dạng “đá” vào chiều 22-3. Ngày 25-3, Ngài Tổng Thư ký cơ quan phòng, chống ma túy của Philippines đã có Thư cảm ơn gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an về sự chia sẻ thông tin kịp thời của Cục CSĐT tội phạm về ma túy.
(Còn nữa)