Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng

08:39 03/12/2019
Lâu nay, hoạt động tại các tổ chức tín dụng được coi là những “mảnh đất màu mỡ” với nguồn lợi nhuận cao một cách hợp pháp. Song đây cũng là nơi để các đối tượng tội phạm “nhòm ngó” thu lời bất chính.

Bên cạnh các tổ chức tín dụng hoạt động có uy tín, hiệu quả, cũng có một số tổ chức tín dụng còn buông lỏng quản lý dẫn đến các đối tượng trong và ngoài tổ chức tín dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt hoặc gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng, của khách hàng gửi tiền tại tổ chức tín dụng.

Từ việc “nuôi ong tay áo”

Các tổ chức tín dụng, với bản chất hoạt động là kinh doanh tiền tệ nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị gian lận, thậm chí lừa đảo để chiếm đoạt vốn từ bên ngoài lẫn bên trong. Nhiều vụ việc, khách hàng có chủ đích lừa đảo tổ chức tín dụng khi làm hồ sơ, giấy tờ giả để vay vốn rồi chiếm đoạt.

Thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ việc gian lận từ nội bộ tổ chức tín dụng và thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng, bởi các cán bộ tổ chức tín dụng là những người hiểu rõ nhất hệ thống quản trị nội bộ và các chốt kiểm soát được thiết lập, hoạt động ra sao, từ đó lợi dụng sơ hở trong quản lý, kiểm tra của tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản.

Thậm chí, một số đối tượng là lãnh đạo hoặc nhân sự nắm giữ các vị trí chủ chốt của tổ chức tín dụng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái các quy định của pháp luật, nhằm hưởng lợi bất chính, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng.

Vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ocean Bank cùng đồng phạm đã được xét xử 2 giai đoạn.

Trong nhóm hành vi này, phải kể đến đầu tiên là hành vi chi lãi suất ngoài trái quy định để chiếm đoạt tài sản, tiêu biểu là trong vụ án tại OceanBank, Hà Văn Thắm đã lạm dụng chức vụ quyền hạn, ra chủ trương chi lãi suất ngoài trong toàn bộ hệ thống OceanBank với tổng số hơn 1.500 tỷ đồng tiền lãi ngoài. Một loạt cán bộ chủ chốt của ngân hàng này đã thực hiện theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm và lần lượt phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đó.

Tiếp đó, tồn tại khá phổ biến là các hành vi thực hiện không đúng các quy trình về mở, thanh toán tài khoản (sổ tiết kiệm) của khách hàng để chiếm đoạt tài sản như: Lập chứng từ giả, giả chữ ký của khách hàng để làm thủ tục tất toán, chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của khách hàng; đóng sớm tài khoản tiền gửi của khách hàng, lấy sổ tiết kiệm khác thay thế; nhận tiền gửi nhưng không nhập quỹ, sau đó phát hành số tiền gửi nhỏ để hợp thức sổ tiết kiệm đã cấp cho khách hàng; cho khách hàng ký khống các giấy nhận nợ, lệnh chi tiền sau đó sử dụng các chứng từ này để lập khống nội dung giấy nhận nợ, lệnh chi tiền đề nghị tổ chức tín dụng giải ngân tiền vay cho khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng; sử dụng thẻ lưu tiết kiệm của khách hàng, giả chữ ký của khách hàng lập hồ sơ cầm cố vay vốn…

Trong các vụ án này đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, có hiểu biết sâu về quy trình nghiệp vụ ngân hàng, biết rõ hành vi của mình là vi phạm nhưng do hám lợi nên vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như vụ Phạm Kim Ngân (Phó trưởng phòng Kế toán kiêm giao dịch viên tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank, Chi nhánh Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai).

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, thấy loại hình gửi tiết kiệm linh hoạt có nhiều sơ hở nên Ngân nảy sinh ý định lập chứng từ giả để rút tiền tiết kiệm của khách hàng. Từ ngày 4-12-2015 đến ngày 31-10-2016, với phương thức lập giả chứng từ đề nghị rút tiền tiết kiệm của khách hàng, Ngân rút hơn 4,2 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của khách hàng và chiếm đoạt.

Trong vụ Trịnh Thị Thu Ân (nhân viên một ngân hàng cổ phần - Chi nhánh Quảng Ninh), do cần tiền trả nợ, Ân nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng cách nói dối kiểm soát viên, thủ quỹ của ngân hàng Chi nhánh Quảng Ninh là khách hàng mà Ân chăm sóc “bận không thể đến ngân hàng rút tiền” mà nhờ Ân làm thủ tục rút hộ, rồi mang tiền đến nhà giao cho khách hàng và ký chứng từ chuyển lại sau.

Do tin tưởng Ân nên kiểm soát viên, thủ quỹ đã đồng ý ký chứng từ, giải ngân, đưa tiền cho Ân. Để hoàn thiện các thủ tục trên chứng từ, Ân đã giả chữ ký, chữ viết của khách hàng hoặc lừa khách hàng ký vào chứng từ.

Lợi dụng các khách hàng rút tiền đều sử dụng dịch vụ tiết kiệm linh động (mỗi lần rút tiền khách hàng không cần nộp lại số gốc mà chỉ ghi thông tin điều chỉnh lên sổ rồi phô tô nộp cho ngân hàng), Ân mượn sổ tiết kiệm của khách hàng phô tô lại, sau đó ghi thông tin điều chỉnh số tiền rút lên bản phô tô và phô tô lại một lần nữa để nộp lưu.

Đối với các khách hàng có đăng ký dịch vụ SMS, Ân cố tình đổi số điện thoại của họ trên hệ thống giao dịch để khách hàng không nhận được tin nhắn thông báo về việc bị rút tiền. Với phương thức, thủ đoạn này, từ năm 2013 đến tháng 1-2017, Ân đã rút và chiếm đoạt tiền trong sổ tiết kiệm của 7 khách hàng với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng.

Vụ án này là điển hình trong việc một số cán bộ ngân hàng lợi dụng quy định về chăm sóc đối với khách hàng VIP (khách hàng có quan hệ tín dụng thường xuyên, uy tín với tổ chức tín dụng) để nhận tiền gửi của khách hàng, nhận tiền của khách hàng trả tiền gốc, tiền lãi cho tổ chức tín dụng nhưng không nhập quỹ mà tự chi tiêu, sử dụng cá nhân.

Trong những vụ án này, các cán bộ liên quan đến việc thanh toán tài khoản (kiểm soát viên, lãnh đạo phê duyệt, thủ quỹ) của tổ chức tín dụng do tin tưởng đã không làm đúng quy trình về thu, chi tiền mặt với khách hàng, tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn tinh vi khác, một số cán bộ tổ chức tín dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn phát hành chứng từ thanh toán mậu dịch biên giới giả để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng phương thức làm giả hối phiếu của tổ chức tín dụng nước ngoài có nội dung Công ty nước ngoài thanh toán tiền mua hàng cho Công ty của Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng của Việt Nam.

Sau khi tổ chức tín dụng của Việt Nam thanh toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty của Việt Nam thì rút ra để chiếm đoạt. Tiêu biểu là vụ Nguyễn Đức Hậu làm giả hối phiếu của Công ty cổ phần Ngân hàng ngoại thương Trung Quốc để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Hay như trong vụ Lê Quý Hiển lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Hiển đã có hành vi cấu kết với đối tượng bên ngoài tổ chức tín dụng phát hành chứng thư bảo lãnh giả hoặc nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, lập khống hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng trong những vụ án như thế này thường sử dụng phương thức thực hiện hành vi phát hành các chứng thư bảo lãnh thanh toán không đúng quy định của pháp luật, cho các đối tượng khác sử dụng thư bảo lãnh để ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, làm các doanh nghiệp mua bán hàng hóa tin tưởng về nghĩa vụ thanh toán nên đã giao tiền, hàng hóa cho các đối tượng chiếm đoạt; nhờ các đối tượng khác làm thủ tục thành lập doanh nghiệp để ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống, sau đó sử dụng hàng hóa đó thế chấp vay tiền của tổ chức tín dụng rồi chiếm đoạt; mua đất với giá rẻ, nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục vay tiền tổ chức tín dụng, khi duyệt hồ sơ vay thì nâng khống giá trị tài sản thế chấp, sau khi được giải ngân thì chiếm đoạt số tiền vay.

Đến việc “gửi trứng cho ác”

Theo quy định, khi tham gia quan hệ tín dụng (vay vốn) với các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo tính trung thực của các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ. Tuy nhiên, xuất phát từ ý đồ chiếm đoạt tài sản, đại diện pháp nhân hoặc cá nhân đã làm giả hồ sơ đề nghị vay vốn hoặc làm ủy nhiệm chi giả đến tổ chức tín dụng yêu cầu chuyển tiền. Vì lý do nào đó, nhân sự phụ trách các tổ chức tín dụng đã chuyển tiền cho những tổ chức, cá nhân này và bị chiếm đoạt.

Phương thức thực hiện hành vi phạm tội làm giả hồ sơ đề nghị vay vốn thường được các đối tượng thực hiện thông qua việc làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp, làm giả hợp đồng mua bán hàng hóa để chứng minh phương án kinh doanh khi ký Hợp đồng tín dụng vay vốn của tổ chức tín dụng, thành lập Công ty nhờ người khác đứng tên để ký hợp đồng kinh tế mua bán hàng hóa không có thật với Công ty của mình rồi dùng hàng hóa đó làm tài sản vay tiền tổ chức tín dụng để chiếm đoạt…

Phụ trách tổ chức tín dụng do chủ quan nên đã không phát hiện được là hồ sơ giả, tài sản bảo đảm giả nên ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng, giải ngân dẫn đến các đối tượng chiếm đoạt tài sản của tổ chức tín dụng.

Điển hình cho phương thức phạm tội này là vụ Nguyễn Văn Dương làm giả ủy nhiệm chi của Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, để chiếm đoạt tiền của Agribank. Dương vốn là nhân viên được giao phụ trách kế toán của Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Từ tháng 9-2010 đến tháng 12-2012, Dương đã tự lập 33 ủy nhiệm chi giả (giả về nội dung và chữ ký của Giám đốc Xí nghiệp) rồi ký ở mục kế toán, đóng dấu của Xí nghiệp đem đến Agribank Chi nhánh Kinh Môn yêu cầu chuyển tiền từ tài khoản của Xí nghiệp gửi tại Agribank Chi nhánh Kinh Môn.

Phụ trách Agribank Chi nhánh Kinh Môn do chủ quan nên khi kiểm tra không phát hiện được là ủy nhiệm chi giả, nên đã làm thủ tục chuyển số tiền hơn 2,2 tỷ đồng vào 3 tài khoản cá nhân, sau đó Dương rút ra chiếm đoạt. Hành vi của Nguyễn Văn Dương đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 – Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bên cạnh đó, lợi dụng tính an toàn, bảo mật về công nghệ thông tin của tổ chức tín dụng còn chưa cao, một số đối tượng là người nước ngoài đã cấu kết với đối tượng trong nước sử dụng công nghệ cao để làm giả thẻ tín dụng, thẻ ATM rút tiền từ tài khoản của khách hàng gửi tiền tại tổ chức tín dụng.

Trong vụ Zeng Xiao Tian (Tăng Hiểu Thiên) cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam làm giả thẻ ATM để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, Thiên đã thuê người Việt Nam thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn và yêu cầu các giám đốc công ty mở tài khoản, làm thẻ ATM và đăng ký với các ngân hàng thanh toán thẻ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để được làm đơn vị chấp nhận thẻ, sử dụng dịch vụ máy thanh toán thẻ (POS) phục vụ giao dịch bán hàng.

Sau đó, Thiên thu giữ toàn bộ máy POS, thẻ ATM và số sim đăng ký nhận thông tin tài khoản mà các ngân hàng thanh toán thẻ cung cấp cho các công ty đó để sử dụng chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng của 12 ngân hàng.

Đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của các đối tượng trong và ngoài tổ chức tín dụng thực hiện với mục đích chiếm đoạt, gây thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng còn phổ biến ở nhóm hành vi của chính những cán bộ tổ chức tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về sử dụng vốn hoặc vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng… làm phát sinh tranh chấp trong các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại.

Kim Anh

Hôm nay (1/1/2025), Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành, cũng đồng thời với việc Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) đi vào đời sống.

Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để hiện thực hóa “kỳ tích” làm đường sắt đô thị. Mục tiêu đặt ra là tầm nhìn đến giai đoạn 2065, Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài gần 617km.

Vào ngày 2/1/2025, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup trên sân Việt Trì. Nơi mà mọi cổ động viên đều mang đến điều ước may mắn cho thầy trò ông Kim Sang-sik.

Năm 2024, Bắc Ninh tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Hỏi: Lợi dụng quyền tố cáo, đã có những vụ việc người tố cáo cố tình bịa đặt, đưa ra những thông tin không đúng làm ảnh hưởng đến người bị tố cáo. Xin tòa soạn cho biết trường hợp này theo quy định pháp luật người tố cáo bị xử lý như thế nào? (Hải Quỳnh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Xâm phạm chỗ ở của người khác” đối với Trương Hoàng Vũ (SN 1982, trú ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文