Phá án tham nhũng giữa đại dịch COVID-19 (bài 2)

08:45 17/06/2021

Từ việc nhận diện loại tội phạm "ăn theo" đại dịch COVID-19, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra, khám phá ra các thương vụ mua sắm vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu ở một số tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong đó có sự "bắt tay", thông đồng tạo "quân xanh, quân đỏ", móc nối liên hoàn, khép kín giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn... để thu lời bất chính.

 

 

Bài 2: Những mảng tối trong hoạt động đấu thầu

Từ việc nhận diện loại tội phạm "ăn theo" đại dịch COVID-19, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã điều tra, khám phá ra các thương vụ mua sắm vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu ở một số tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, trong đó có sự "bắt tay", thông đồng tạo "quân xanh, quân đỏ", móc nối liên hoàn, khép kín giữa chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn... để thu lời bất chính. Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, trong đó có lĩnh vực y tế. Qua đó, xử lý nghiêm các sai phạm, mặt khác kịp thời chấn chỉnh, khắc phục nhiều "lỗ hổng", nâng cao hiệu quả công tác quản lý để phòng ngừa vi phạm.

Vạch trần thủ đoạn của "Tập đoàn tội phạm" trúng nhiều gói thầu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

Tiếp chúng tôi sau cuộc họp chỉ đạo án đầy căng thẳng, áp lực, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết về quá trình đấu tranh "đường vòng", thay vì đấu tranh trực diện khi điều tra, khám phá vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ. 

Cục đã điều những cán bộ tinh nhuệ thuộc Phòng 6 đi lại hàng tháng trời tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ để trinh sát, phát hiện sai phạm. Phòng 6 đã phối hợp nhịp nhàng với các Phòng 9, 10 để làm tốt công tác tố tụng, chứng cứ chắc mới phá án và điều tra mở rộng khiến tội phạm phải "tâm phục, khẩu phục".

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trao đổi với nhóm phóng viên.

Sau quá trình trinh sát, điều tra khám phá án, đầu tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 BLHS xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, trong đó có nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi; Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu; các đối tượng: Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh, đều là nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ. Cũng về tội danh nêu trên, cơ quan điều tra khởi tố Hoàng Thị Thúy Nga, Chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới (NSJ Group); Lê Huy Bình, Tổng Giám đốc NSJ; Đoàn Thị Nở, Trưởng phòng dự án; Lê Thành Hưng, nhân viên phòng kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ (thực chất là Công ty TNHH NSJ đổi tên).

Đối với Công ty tư vấn thẩm định giá BTC Value, đã khởi tố đối tượng Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên và Nguyễn Duy Hùng, nhân viên. Cơ quan điều tra cũng khởi tố Tạ Trường Xuân, nhân viên Công ty tư vấn lập hồ sơ Mediconsult Việt Nam. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng này có hành vi vi phạm đấu thầu trong quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu số 01, cung cấp hệ thống DSA hai bình diện cho Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư. Bước đầu xác định thiệt hại do các bị can gây ra khoảng 13 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, tội phạm trong lĩnh vực này thường là tội phạm ẩn, nếu nhìn trên hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình. Chỉ có đi sâu điều tra mới phát hiện đằng sau đó có sự móc ngoặc, thông đồng giữa chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu. "Chúng tôi đã lập kế hoạch tổ chức điều tra, phân công CBCS Phòng 6 và Phòng 9 phối hợp nhận diện tội phạm, xác định các khâu đột phá, sau đó triệu tập các đối tượng nhà thầu được Hoàng Thị Thúy Nga giao liên hệ chủ đầu tư", Đại tá Thành cho biết.

Ngay từ đầu, các đối tượng đã có sự bắt tay ngầm, "đi đêm" để chuyển cho nhau các thiết bị cần bán, thông đồng với nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ mời thầu, cùng thống nhất nâng giá, định hướng chủ đầu tư chọn các hồ sơ, dự án do nhà thầu đó bán. 

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Điều tra viên cao cấp Phòng 9, Cục CSĐT tội phạm về Tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, trong quá trình điều tra, các đối tượng này, đặc biệt là Công ty NSJ (nhà thầu) đã có hành vi cản trở CQĐT bằng thủ đoạn tiêu hủy một loạt tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội: Xóa toàn bộ các tin nhắn Zalo, Viber, việc trao đổi giữa lãnh đạo công ty với các nhân viên và trao đổi của công ty với chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn.

Hoàng Thị Thúy Nga thành lập các công ty con thuộc Tập đoàn NSJ từ năm 2015. Chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn, thông qua các mối quan hệ với các tỉnh, thành phố để tạo dựng uy tín, xây dựng nguồn hàng (toàn bộ hàng hóa nhập khẩu), bàn bạc, thống nhất việc mua bán máy móc, thiết bị y tế. Tập đoàn này trúng nhiều gói thầu, tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, thất thoát tài sản nhà nước. Bắt đầu thực hiện các hoạt động đấu thầu từ năm 2017, cho đến khi cơ quan điều tra vào làm việc năm 2020, các đối tượng đã dừng gần hết hoạt động, thay đổi thành Công ty TNHH Công nghệ cao LTQ hòng qua mặt cơ quan chức năng.

"Ăn" chênh từ 28-31 triệu đồng/stent

Gần đây nhất, chiều 13/5/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can. Trong số này, có 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ và cán bộ đương nhiệm Bệnh viện Tim Hà Nội, gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó phòng Vật tư; Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó phòng Vật tư. Ba bị can còn lại là Trần Phú Hưng, Tổng Giám đốc và Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Nguyễn Trung Dũng, chuyên viên thẩm định giá Công ty CP Đầu tư định giá AIC Việt Nam.

Nhóm đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam trọng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.  

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội và là thành viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu cùng một số cán bộ Công ty CP Đầu tư định giá AIC đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại bệnh viện, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, gây bức xúc dư luận. 

Dù trong tình huống cấp thiết được tự tổ chức mua sắm vật tư, thiết bị y tế song bệnh viện này đã cố ý vận dụng sai quy định pháp luật để chỉ định thầu các gói mua sắm không đúng với Luật Đấu thầu và trái ý kiến chỉ đạo cấp trên.

Ngoài các gói thầu mua sắm tập trung, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng tổ chức đấu thầu mua sắm, nhưng quá trình tổ chức thực hiện có dấu hiệu cài thầu ngay từ khi xây dựng đề xuất, tổng hợp nhu cầu, lập hồ sơ mời thầu bằng cách đưa tiêu chí kỹ thuật tương ứng với cấu hình của các hãng do các doanh nghiệp cung cấp stent độc quyền phân phối, kèm theo số lượng đăng ký mua (tạo cơ chế "xin - cho"), chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp cung cấp stent Ấn Độ trên cả nước. 

Theo thống kê về các gói thầu được cung cấp bởi Công ty Hoàng Nga, mỗi stent công ty này nhập khẩu từ Ấn Độ về chỉ 8-11 triệu đồng, nhưng cung cấp vào bệnh viện vọt lên tới 36,6 đến 42 triệu đồng/stent (chênh từ 28-31 triệu đồng). Chỉ tính riêng 5.587 stent mà Công ty Hoàng Nga đã cung cấp vào Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2015 đến nay, số tiền chênh lệnh mà công ty này trục lợi là hơn 129,5 tỷ đồng, trực tiếp gây thiệt hại quỹ Bảo hiểm Y tế TP Hà Nội và túi tiền của bệnh nhân.

Như vậy, rõ ràng đã có một số "lỗ hổng" rất lớn trong khâu thẩm định, định giá tài sản đầu tư và quản lý trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế (từ thực hiện chính sách an sinh xã hội thành kinh doanh dịch vụ), mập mờ công-tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người, cần phải có biện pháp để quản lý chặt chẽ hơn, tránh để tình trạng chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở để câu kết với các doanh nghiệp bên ngoài nhằm trục lợi. 

Hành vi lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng bệnh tật của người khác để làm giàu cho bản thân không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của ngành Y tế, uy tín của Nhà nước, giảm sút lòng tin của Nhân dân (nhất là những người thuộc tầng lớp nghèo khó) vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước...

Củng cố niềm tin với những "chiến sỹ áo trắng" tuyến đầu chống dịch

 

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, quán triệt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là "kỷ luật một người để cứu muôn người", lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lựa chọn khâu đột phá trong lĩnh vực y tế, xử lý một việc để cảnh báo, cảnh tỉnh phòng ngừa chung. Điển hình là, đã phát hiện, xử lý vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế phòng, chống dịch tại CDC Hà Nội, các vụ việc tiêu cực, sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội... được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

"Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị ngành Y tế khắc phục nhiều sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để phòng ngừa vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng, loại bỏ những "sâu mọt" trong ngành y, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm vất vả trên tuyến đầu chống dịch", Trung tướng Tô Ân Xô chia sẻ.

Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, thời gian tới, lực lượng CAND sẽ khẩn trương, quyết liệt trong điều tra, xử lý những vụ án trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, qua đó kịp thời xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội. Trong đó, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi hoạt động lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, thu lợi bất chính; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xem tiếp bài cuối: Giải bài toán khó ngăn chặn nạn “thổi giá”, "thông thầu"

 

Duy Hiển- Anh Hiếu- Quỳnh Vinh

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

Như nảy sinh ý định giả danh người thân của anh T để mượn tiền của anh H.C.D rồi chiếm đoạt. Để thực hiện ý định trên, Như tìm số điện thoại của anh D và mua 1 sim điện thoại không đăng ký. Sau đó, Như tạo tài khoản Zalo tên là “Trinh Nguyen”, lấy ảnh đại diện từ Facebook Trinh Nguyen (là em ruột của anh T).

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文