Truy quét mạnh tội phạm “tín dụng đen”

09:51 04/01/2020
Ngày 3-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an tỉnh Nghệ An tổ chức triệt xóa 6 điểm cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh và tỉnh Nghệ An, qua đó bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, góp phần lập lại ANTT tại địa phương trong những ngày đầu năm mới 2020.

Theo Cơ quan Công an, 5 cơ sở cho vay nặng lãi bị triệt xóa tại tỉnh Thừa Thiên-Huế được đặt tại các địa chỉ: 174 Điện Biên Phủ; 188 Điện Biên Phủ; 420 Lê Duẩn; 51 Nguyễn Sinh Cung và số 01 Hồ Đắc Di (TP Huế). Tất cả các cơ sở này đều là chi nhánh thuộc Công ty TNHH MTV phát triển Thương mại dịch vụ tổng hợp Tín Đạt (gọi tắt Công ty Tín Đạt), trụ sở chính đóng tại số 22 đường Lê Viết Thuật (xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) do Nguyễn Sỹ Trung (44 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) là người đứng đầu.

Qua điều tra, Cơ quan Công an làm rõ, Trung đứng ra làm hợp đồng thuê mặt bằng và làm giấy ủy quyền cho 5 đối tượng gồm: Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thị Nhụy, Hà Thị Thu Hiền, Vũ Duy Đức và Nguyễn Đức Thịnh làm quản lý hoạt động tại 5 cơ sở nêu trên. Sau khi được phân công, 5 đối tượng này đứng ra tuyển, thuê nhân viên làm việc tại cơ sở mình quản lý. Các nhân viên này đều được đào tạo chuyên môn về “nghiệp vụ” cho vay và cách thức đòi nợ. 

Cơ quan CSĐT Công an Thừa Thiên-Huế đọc lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Duy Dương (X).

Mỗi cơ sở có từ 4-6 nhân viên làm nhiệm vụ giao dịch trực tiếp, xử lý nợ và quản lý. Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tiền thân của Công ty Tín Đạt là Công ty Tân Tín Đạt được thành lập vào năm 2016 với nhiều ngành nghề đăng ký kinh doanh như buôn bán ôtô, cho thuê xe, cầm đồ nhưng thực chất là thành lập nhiều chi nhánh, cơ sở để tổ chức hoạt động cho vay tiền vi phạm lãi suất. Khoảng tháng 5-2019, các chi nhánh và cơ sở của Công ty Tân Tín Đạt trên địa bàn Thừa Thiên-Huế bất ngờ đồng loạt thông báo giải thể, sau đó lại trở thành điểm kinh doanh của Công ty Tín Đạt.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dù đăng ký tên gọi khác nhau nhưng về bản chất, hai công ty nói trên là một. Từ công tác điều tra, xác minh, thu thập thông tin, đơn vị xác định được các đối tượng được thuê quản lý các cơ sở tại tỉnh Thừa Thiên-Huế thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin và giao dịch tiền bạc với đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng (38 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh), là Giám đốc của Công ty Tân Tín Đạt.

Thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này là yêu cầu người vay tiền đưa ôtô, xe máy có đăng ký chính chủ, CMND của người vay và làm thủ tục mua tài sản trên, sau đó sử dụng tài sản này làm hợp đồng cho người vay thuê tài sản. 

Quá trình người vay muốn vay bao nhiêu tiền thì đối tượng định giá trị để mua tài sản tương ứng. Bên cạnh đó, đối với những cá nhân không có tài sản nhưng vay số tiền thấp, các đối tượng vẫn thực hiện thủ tục cho vay. Hoạt động cho vay, phương thức cho vay, cách thức quản lý tiền cho vay và tiền thu nợ… được các đối tượng thực hiện trên phần mềm và phần mềm này do đối tượng Nguyễn Sỹ Dũng theo dõi, quản lý. 

Theo đó, lãi suất các đối tượng cho vay dao động từ 109,5%/năm đến 182,5%, thậm chí có trường hợp cho vay với lãi suất hơn 700%/năm. Theo điều tra ban đầu, chỉ tính tại Thừa Thiên-Huế, từ tháng 8-2016 đến nay, các đối tượng đã cho 1.420 người với gần 21.000 hồ sơ vay, tổng số tiền cho vay hơn 21,2 tỷ đồng; số tiền thu lợi bất chính hơn 4,6 tỷ đồng. Không chỉ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhóm đối tượng này còn hung hăng, côn đồ, sẵn sàng gây thương tích nếu con nợ trả nợ không đúng hẹn. 

“Tôi vay của bọn chúng 10 triệu đồng, tiền lãi phải góp mỗi ngày là 60 nghìn đồng. Tính đến nay là hơn 1 năm nhưng vẫn chưa trả xong. Ngày nào không có tiền trả nợ là bọn chúng điện thoại đe dọa, chửi bới. Thậm chí có lần chúng còn tát liên tục vào mặt tôi do trả lãi chậm nhưng vì sợ nên tôi không dám trình báo Công an…”, chị Nguyễn Thị H., một nạn nhân ở TP Huế chia sẻ.

Với quyết tâm xóa sổ đường dây cho vay nặng lãi nói trên, trong ngày 2-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai 6 tổ công tác, trong đó 5 tổ phụ trách kiểm tra, triệt xóa 5 cơ sở cho vay nặng lãi tại Huế. Cũng trong ngày 2-1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty Tân Tín Đạt tại TP Vinh. 

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bắt giữ 5 đối tượng: Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thị Nhụy, Hà Thị Thu Hiền, Vũ Duy Đức, Nguyễn Đức Thịnh và một số đối tượng có liên quan để điều tra làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; đồng thời tạm giữ các hồ sơ tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi để tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

* Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện đồng loạt biện pháp nghiệp vụ, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen” đến từng công ty, dãy trọ cho công nhân và hộ dân để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Từ đó, Công an tỉnh Bình Dương được người dân cung cấp nhiều nguồn tin quý giá, triệt phá nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Chị Trần Thị Nga (32, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết vào tháng 11-2019 vừa qua, do cần tiền mua quần áo bán cho khách vào dịp gần Tết Nguyên đán 2020 nên chị tôi đã vào trang mạng cho vay tài chính, rồi gọi điện thoại theo số hướng dẫn trên trang này. 

“Vài phút sau, người thanh niên tên Hưng đến gặp, xưng là nhân viên tín dụng đến hỗ trợ về mặt thủ thủ tục vay, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần CMND, hộ khẩu là được vay. Người này nói sẽ cho tôi vay 40 triệu đồng trả góp, lãi suất 14%/tháng. Khi đó, chợt nhớ đến lời cảnh báo của cán bộ, chiến sỹ Công an từng đến nhà, phát tờ rơi về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay nặng lãi nên tôi quyết định không vay tiền theo hình thức này”, chị Nga kể thêm. 

Anh Nguyễn Cường (ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương), kể, trong năm qua, anh chứng kiến rất nhiều lần lực lượng Công an đến khu vực gần nhà anh phát tờ rơi thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen đến các công nhân ở dãy trọ, các hộ dân. Công an còn phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đến công nhân, người dân; xé các tờ rao vặt “vay không cần thế chấp”, quét vôi xóa điện thoại của các đối tượng cho vay trên tường, cột điện. Do vậy, giúp người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tội phạm…

Một cán bộ điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết, các nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn rất phức tạp, hậu quả của loại tội phạm này gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng. Những hệ lụy phát sinh từ “tín dụng đen” đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. 

Nạn nhân của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cũng khá đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn, tính chất công việc khác nhau. Người dân tìm đến “tín dụng đen” có nhiều nguyên nhân. Lợi dụng lúc nhiều người đang cần tiền, các đối tượng cho vay nặng lãi tiếp cận, rêu rao thủ tục vay rất đơn giản. Chẳng hạn như muốn vay số tiền từ nhỏ, người vay chỉ cần cung cấp bản photocopy CMND, sổ hộ khẩu, hoặc giấy tờ xe (không cần thế chấp tài sản). 

Đối với trường hợp vay số tiền lớn, người muốn vay chỉ cần ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất. Với hình thức này, thông thường các “chủ nợ” dụ dỗ đưa ra “giao kèo” khi thanh toán xong tiền nợ sẽ trả lại hợp đồng và giấy tờ gốc tài sản cho người vay, nhưng vì lãi quá cao, khi “con nợ” mất khả năng chi trả thì chỉ biết bất lực nhìn tài sản mình vào tay “chủ nợ”. 

Công an thị xã Bến Cát cho biết, hai vợ chồng Lê Thị Bé Oanh (SN 1982) và Trần Thanh Hải (SN 1980, ngụ phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát) trước khi bị bắt vào trung tuần tháng 12-2019 vừa qua, đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 180%/1 năm. 

Một trong những “con nợ” của vợ chồng Oanh là bà Lý Tuyết M. (SN 1964). Tháng 2-2019, do cần tiền để kinh doanh, bà M., vay của vợ chồng Oanh 600 triệu đồng. Với số tiền vay này, mỗi ngày bà M., phải trả cho vợ chồng Oanh tiền lãi là 3 triệu đồng. Sau 4 tháng, bà M., đã phải trả tiền lãi 310 triệu đồng. Đến tháng 11-2019, do không thể tiếp tục trả lãi suất với mức “cắt cổ”, bà M., đã làm đơn tố cáo cơ quan Công an.

Trước đó mấy ngày, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã bắt giữ Đỗ Văn Duyên (SN 1966, quê quán Hải Phòng) và Trần Văn Ngọ (SN 1978, quê quán Hà Nội) về hành vi cho vay lãi nặng. Nạn nhân là ông Nguyễn Văn T., (SN 1958, ngụ thị xã Thuận An, Bình Dương). 

Qua khám xét, Công an thu giữ số tiền 10 triệu đồng và một giấy hẹn trả nợ của ông T., với số tiền vay nợ 300 triệu đồng. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, đã cho ông T., vay 300 triệu đồng, định kỳ cứ 10 ngày đóng lãi một lần với lãi suất 13%. Với cách tính lãi này, ông T., phải đóng lãi 39 triệu đồng cho số tiền vay 300 triệu đồng trong 10 ngày. Ông T., đã đóng lãi tổng cộng 418 triệu đồng, nhưng nợ gốc 300 triệu đồng vẫn còn nguyên.

Cùng thời điểm trên, Công an huyện Dầu Tiếng nhận được đơn tố cáo của chị Nguyễn Thái Hằng (SN 1991, ngụ xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) về việc Phạm Thành Công (SN 1992, ngụ Đắk Nông) và Trần Văn Hải (SN 1985, quê Nam Định) cho vay lãi nặng và dùng vũ lực xâm hại đến sức khỏe. Sau khi bị mời về trụ sở Công an, cả hai khai nhận cho vay trả góp với 2 hình thức cơ bản là “góp ngày” và “lãi đứng”. 

Về hình thức lãi đứng, nếu người vay 1 triệu đồng thì chúng lấy trước 100.000 đồng gọi là “phí dịch vụ”. Sau đó mỗi ngày đóng lãi 10.000 đồng, tiền gốc vẫn còn. Đối với hình thức “góp ngày”, nếu người vay 1 triệu đồng thì chúng lấy trước 50.000đ gọi là tiền “phí vay”, sau đó mỗi ngày người vay phải trả góp 50.000 đồng trong vòng 24 ngày thì hết nợ. Do chị Hằng nhiều ngày không trả tiền góp 400.000 đồng/ngày nên cả hai đến đánh nạn nhân gây thương tích để đòi nợ.

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong năm 2019, nhờ nắm chắc tình hình, sâu sát với địa bàn, tập trung thực hiện nhiều giải pháp, Công an Bình Dương đã triệt phá 39 băng, nhóm tội phạm, bắt giữ, xử lý 198 đối tượng, trong đó có 76 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Trong nhiệm vụ công tác  năm 2020, Công an tỉnh Bình Dương cũng đặt rõ mục tiêu tiếp tục tập trung lực lượng, giải pháp hữu hiệu, “mạnh tay” với loại tội phạm này…

* Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113 Công an tỉnh và Công an thị xã Ba Đồn, cùng các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt khám xét, bắt giữ các đối tượng hình sự, hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng tại thị xã Ba Đồn. Điển hình là vụ điều tra, bắt nhóm đối tượng hình sự, hoạt động “tín dụng đen”, gồm Nguyễn Minh Tuấn (tức Lỳ Huân, SN 1990, trú tổ dân phố 1, phường Ba Đồn) và Võ Văn Nghiêm (tức A Líu, SN 1993, trú tại tổ dân phố Thủy Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn). 

Qua khám xét khẩn cấp nơi ở của Tuấn và Nghiêm, cơ quan Công an đã thu giữ hàng trăm triệu đồng cùng hàng chục dao, kiếm, mã tấu các loại, súng tự chế và nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Đặc biệt, thu giữ 20 hộp pháo nổ, trọng lượng khoảng gần 30kg. Bước đầu, cơ quan điều tra đã triệu tập 8 đối tượng liên quan. Đây là số đối tượng hình sự cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn… 

Đại tá Trần Hải Quân, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình yêu cầu cơ quan CSĐT khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án, tiếp tục xác minh, truy bắt các đối tượng bỏ trốn; đồng thời đề nghị nhân dân tiếp tục giúp đỡ, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm giúp cơ quan Công an xử lý triệt để vụ án này.

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình cũng phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển  248,99kg ma túy tổng hợp tại khu vực biên giới Việt - Lào. Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, ngày 26-12-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án hình sự, triển khai các lực lượng truy bắt đối tượng Lầu A Hồng (SN 1994, dân tộc Mông, trú tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) và Và A Lử (SN 1993, dân tộc Mông, trú tại xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). 

Hoặc vụ phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng Ngô Văn Phú (SN 1988, trú tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) và Đinh Văn Thọ (SN 1989, trú tại xã Thuận Đức, TP Đồng Hới) vận chuyển trái phép gần 300kg pháo nổ.

A.Khoa - Đ.Mừng - T.Tuấn

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文