Cảnh giác để không mắc bẫy lừa đảo trên mạng xã hội
Sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng cũng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết để không bị “sập bẫy” lừa đảo trên Internet và mạng xã hội.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua Internet và mạng xã hội, trong số đó có nhiều chiêu trò không mới, tuy nhiên số lượng nạn nhân “mắc bẫy” vẫn không ngừng gia tăng.
Theo Công an tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến việc lừa đảo của các trang website “kiếm tiền online” như http://app.goldfingeronline.com...
Nhiều bị hại đã bị dụ dỗ, truy cập vào các trang web kiếm tiền qua mạng với lợi nhuận cao để rồi tiền kiếm về chưa thấy, chỉ thấy “tiền mất, tật mang”. Với những lời quảng cáo hấp dẫn rằng chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem, like video trên mạng là tiền tự chảy về túi, thực hiện nhiệm vụ theo ngày để hưởng tiền thưởng... nhiều người đã tự đưa chân vào những chiếc bẫy tinh vi được những kẻ trục lợi giăng sẵn trên mạng.
Sau khi lấy được lòng tin của người tham gia, những đối tượng đứng sau các trang web mở bán các gói “VIP” với trị giá cao và yêu cầu người tham gia phải mua các gói này mới rút được tiền. Một số trang web còn dụ dỗ các thành viên mời người thân, bạn bè cùng tham gia để được nhận chiết khấu theo hình thức đa cấp. Tuy nhiên, sau khi người tham gia nạp tiền vào các dịch vụ trên trang web hoặc chuyển khoản vào số tài khoản được chỉ định thì không liên lạc được với nhóm đại lý của trang web, cũng không thể truy cập vào các trang web trên, dẫn đến chủ tài khoản bị mất tiền.
Ngoài ra, thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là chiếm đoạt tài khoản (hack) của những người dùng mạng xã hội như Facebook, Zalo, sau đó nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản. Có trường hợp, các đối tượng hack các tài khoản Facebook, Zalo của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài rồi giả danh chủ tài khoản nhắn tin về cho người thân, nhờ chuyển khoản gấp...
Một số đối tượng người nước ngoài sử dụng thủ đoạn tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, gắn mác là người giàu có, thành đạt và muốn làm quen, gửi tiền, quà tặng giúp đỡ những người Việt Nam đang gặp khó khăn hoặc hứa hẹn yêu đương với bị hại để họ tin tưởng. Sau khi khai thác được thông tin, nhóm này sẽ gửi cho nhóm thứ hai là các đối tượng người Việt Nam đóng giả là nhân viên của đơn vị vận chuyển, sử dụng sim rác gọi xác nhận đã được nhận quà, hàng hóa, yêu cầu bị hại nộp các loại phí, sau đó cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại...
Theo thống kê của Công an tỉnh Hưng Yên, 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ vi phạm pháp luật về tài chính sử dụng công nghệ cao; trong đó đã khởi tố 5 vụ, 7 bị can. Đáng chú ý, một số vụ nạn nhân bị lừa hàng trăm triệu đồng khi tham gia các trang web kiếm tiền qua mạng hoặc nhận quà của người nước ngoài quen qua mạng xã hội Facebook.
Thiếu tá Tô Thanh Trà, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: “Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua Internet, mạng xã hội diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh như các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo, đặt chế độ ẩn danh hoặc có địa chỉ ở nước ngoài, sử dụng sim “rác” để liên lạc...
Do vậy, để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, không để các đối tượng có cơ hội lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo, đề nghị người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập Internet và tham gia mạng xã hội, xác minh thông tin cụ thể trước khi thực hiện các giao dịch qua Internet và mạng xã hội; thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý khi có vụ việc xảy ra”.
Trước tình trạng tội phạm lừa đảo qua Internet và mạng xã hội đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, các phòng nghiệp vụ và Công an huyện, thành phố, thị xã tích cực tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh lạc vào “ma trận” mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo đứng sau những chiếc bẫy “kiếm tiền nhanh, phần thưởng lớn”. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, kịp thời giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao.