Lừa đảo qua điện thoại: Thủ đoạn cũ, nhiều người vẫn mất hàng tỷ đồng

08:07 28/04/2022

Giả danh cán bộ cơ quan nhà nước hay cơ quan điều tra gọi điện thoại cho người dân hù dọa có liên quan đến vụ án đang điều tra, đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền, "đẩy" bị hại rơi vào tình thế sợ hãi.

Sau đó, "cán bộ" này yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng chỉ định với lý do "phục vụ công tác điều tra"… Thủ đoạn lừa đảo này không mới và báo chí cũng đã liên tục đưa tin cảnh báo, nhưng đến nay vẫn có nhiều người tiếp tục "sập bẫy", mất cả tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị S. (SN 1960, thường trú quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bỗng dưng mất số tiền lớn - hơn 2,2 tỷ đồng. Ngày 14/4, bà S. đã tới Công an phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh trình báo.

Cụ thể, lúc 13h45 ngày 12/4, bà S. nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ từ số máy lạ tự xưng là nhân viên của Cục Lưu trữ văn thư Nhà nước, thông báo mã số hồ sơ tòa án của bà ghi nợ ngân hàng số tiền gần 46 triệu đồng do mở thẻ tín dụng chưa thanh toán.

Sau đó, người phụ nữ này chuyển máy tới "Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội" gặp một "điều tra viên" (ĐTV). Người  này nói bà S. có liên quan tới một vụ án ma túy… Chưa dừng lại, cuộc gọi lại được ĐTV này nối máy tới một "kiểm sát viên Tòa án" (KSV). Kẻ này đã gửi cho bà S. xem Quyết định tạm giam mang tên bà S. và yêu cầu bà S. chuyển hết số tiền mà bà có vào số tài khoản mà đối tượng chỉ định, sau khi vụ án được giải quyết xong sẽ chuyển lại cho bà…

Tin lời các đối tượng, bà S. đã ra ngân hàng chuyển tiền 2 lần: lần 1 chuyển lúc 15h ngày 12/4 số tiền 560 triệu đồng, lần 2 chuyển hết số còn lại (trong tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng) vào lúc 13h ngày 13/4. Sau khi chuyển hết tiền thì bà S. không thể liên lạc lại được với số điện thoại đã gọi. Lúc này bà S. mới biết mình bị lừa…

Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại không mới, nhưng đến nay vẫn có nhiều người tiếp tục "sập bẫy", mất cả tỷ đồng (hình minh họa).

Tương tự, ngày 12/4, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm của ông N.M.P (SN 1956; địa chỉ phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) tố giác về việc bị chiếm đoạt số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Vào ngày 24/3, ông P. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +184489668668. Người gọi tự xưng là "Nguyễn Mạnh Cường" có mã nhân viên là 455221, hiện đang công tác tại "Phòng Lưu trữ hồ sơ liên quan đến lệnh bắt tạm giam có địa chỉ tại Hà Nội". Sau đó, người này tiếp tục kết nối ông P. với số điện thoại +1888692194183 (người này tự xưng là "Tùng", đang công tác tại Công an TP Hà Nội) và số điện thoại +8700692194183 (người này tự xưng là "Dũng", cấp trên của "Tùng").

Ông P. được những người này yêu cầu cung cấp thông tin do có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền. Các đối tượng này tiếp tục liên lạc với ông P. qua ứng dụng "Viber" và gửi nhiều hình ảnh nghi vấn giả mạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (nội dung hình ảnh có chứa thông tin cá nhân của ông P.).

Sau đó, các đối tượng yêu cầu ông P. chuyển hết số tiền trong sổ tiết kiệm của ông đến các tài khoản mà các đối tượng này cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Chẳng mảy may nghi ngờ, ông P. đã đến ngân hàng làm 4 phiếu ủy nhiệm chi và chuyển tổng số tiền là hơn 9 tỷ đồng cho các đối tượng trên. Sau khi ông P. chuyển hết số tiền trên thì ông bị các đối tượng trên chặn liên lạc. Ông P. đã đến cơ quan chức năng trình báo sự việc.

Tương tự, ngày 13/4, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục nhận đơn tố giác về tội phạm của ông N.T.P (SN 1976; địa chỉ phường 10, TP Vũng Tàu). Theo đó, vào ngày 12/4, ông N.T.P bị các đối tượng giả danh Công an thông báo ông N.T.P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền và lừa chiếm của ông hơn 964 triệu đồng…

Theo đánh giá của Công an, đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến cho công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, loại hình tội phạm này có cả đường dây trong và ngoài nước, phối hợp với nhau rất chặt chẽ, nhắm tới những người nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết pháp luật. Người dân cần hết sức cảnh giác. Cần lưu ý, khi cơ quan Công an, Viện Kiểm sát… cần làm việc với người dân, sẽ có giấy mời, giấy triệu tập để trực tiếp làm việc, không làm việc qua điện thoại. Nếu người dân nhận được những cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền không rõ nguồn gốc thì cần đến ngay cơ quan Công an gần nhất để trình báo, để bảo vệ tài sản của bản thân, vừa giúp lực lượng chức năng kịp thời đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo.

Phú Lữ

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文