Triệt phá đường dây cấp giấy phép lao động giả và đưa hối lộ lên đến hơn 10 tỷ đồng

Nhận hối lộ, nhiều cán bộ sa lưới pháp luật (bài cuối)

06:32 16/07/2023

Trong đường dây này, có sự tiếp tay của các đối tượng nguyên là cán bộ Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (BQL các KCN) Bình Dương, Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KTT) tỉnh Bình Phước.

1.Quá trình điều tra, Phòng điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh đã làm rõ những sai phạm của các đối tượng nguyên là cán bộ Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, BQL các KCN Bình Dương, BQL KTT tỉnh Bình Phước.

Một cuộc họp án của cán bộ Phòng Điều tra tổng hợp tại TP Hồ Chí Minh.

 Được biết, từ năm 2017 đến tháng 3/2022, Nguyễn Kiên Cường là chuyên viên Phòng Chính sách lao động thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương. Theo chức năng nhiệm vụ được phân công, Nguyễn Kiên Cường thực hiện tiếp nhận, thẩm định, đề xuất giải quyết hồ sơ cấp GPLĐ cho NNN, làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, Nguyễn Kiên Cường đã thỏa thuận, nhận hối lộ của Sẳm Nhịt Sau, Trần Mai Hồng, Vũ Hoài Thanh từ 3 đến 6 triệu đồng (tùy từng hồ sơ), đề xuất cấp GPLĐ mặc dù hồ sơ không đảm bảo điều kiện, thủ tục theo quy định, cụ thể:

Từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Nguyễn Kiên Cường đã thẩm định, đề xuất lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương duyệt ký, cấp 619 GPLĐ cho NNN do 113 doanh nghiệp bảo lãnh theo đề nghị của Sẳm Nhịt Sau. Do "có quan hệ thân thiết", Cường nhận của Sẳm Nhịt Sau 3 triệu đồng/1 GPLĐ và có thể chuyển trước hoặc sau khi có GPLĐ. Tổng cộng Nguyễn Kiên Cường đã nhận hối lộ của Sẳm Nhịt Sau hơn 1,8 tỷ đồng bằng chuyển khoản và nhận tiền mặt.

Từ tháng 3/2017 đến tháng 6/2021, Nguyễn Kiên Cường đã thẩm định, đề xuất lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương duyệt ký, cấp 626 GPLĐ cho NNN do 57 doanh nghiệp bảo lãnh theo đề nghị của Trần Mai Hồng. Vẫn "do có quan hệ thân thiết", nên khi Nguyễn Kiên Cường cần tiền xử lý công việc cá nhân thì Trần Mai Hồng chuyển tiền trước hoặc Trần Mai Hồng cộng dồn nhiều đợt GPLĐ được cấp để chuyển tiền cho Nguyễn Kiên Cường. Từ ngày 29/9/2017 đến ngày 7/6/2021, Nguyễn Kiên Cường đã nhận hối lộ của Trần Mai Hồng hơn 2 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản.

Từ năm 2019 đến tháng 3/2022, Nguyễn Kiên Cường đã thẩm định, đề xuất lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương duyệt ký, cấp 1.055 GPLĐ cho NNN do 244 doanh nghiệp bảo lãnh theo đề nghị của Vũ Hoài Thanh. Theo thỏa thuận, khi nhận được GPLĐ, Vũ Hoài Thanh chi cho Nguyễn Kiên Cường từ 3 đến 6 triệu đồng/ GPLĐ, tùy từng hồ sơ. Tổng cộng, Nguyễn Kiên Cường nhận hối lộ của Vũ Hoài Thanh hơn 4,4 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện việc cấp GPLĐ nêu trên, để được lãnh đạo duyệt ký cấp GPLĐ đối với các hồ sơ không đủ điều kiện, Nguyễn Kiên Cường đã báo cáo với Ngô Nguyễn Thái Hằng - Phó trưởng Phòng Chính sách Lao động và nhờ Hằng tác động với lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương tạo điều kiện cấp GPLĐ. Nguyễn Kiên Cường thỏa thuận chi tiền cho Hằng cùng hưởng lợi đối với những hồ sơ được giải quyết cấp GPLĐ. Định kỳ hàng tháng, Nguyễn Kiên Cường chia cho Hằng để Hằng hưởng lợi cá nhân và bồi dưỡng cho lãnh đạo cấp trên. Tổng cộng, Nguyễn Kiên Cường nhiều lần đưa cho Ngô Nguyễn Thái Hằng 860 triệu đồng. Như vậy, Nguyễn Kiên Cường theo đề nghị của Sẳm Nhịt Sau, Trần Mai Hồng, Vũ Hoài Thanh, đã lợi dụng quyền hạn được giao, biết rõ hồ sơ không đảm bảo các điều kiện cấp GPLĐ nhưng vẫn thẩm định, nhận xét hồ sơ đủ điều kiện và đề xuất lãnh đạo Phòng Chính sách lao động, lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương ký, cấp tổng cộng 2.300 GPLĐ cho NNN do 351 doanh nghiệp bảo lãnh để nhận hối lộ tổng cộng hơn 8,3 tỷ đồng, trong đó Nguyễn Kiên Cường thu lợi bất chính riêng hơn 7,5 tỷ đồng.

2.Từ năm 2013 đến năm 2022, Hoàng Thanh là Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc BQL các KCN Bình Dương, có chức năng, nhiệm vụ xem xét hồ sơ xin cấp GPLĐ và xét duyệt kết quả thẩm định của chuyên viên, ký nháy các hồ sơ liên quan đến lao động nước ngoài và các báo cáo của phòng trình lãnh đạo Ban Quản lý.

Năm 2019, Hoàng Thanh thỏa thuận, thống nhất với Vũ Hoài Thanh tạo điều kiện giải quyết cấp GPLĐ đối với các hồ sơ Vũ Hoài Thanh nộp với mức chi 3 triệu đồng/GPLĐ. Từ năm 2019 đến tháng 12/2020, Vũ Hoài Thanh chỉ đạo Nguyễn Xuân Lâm nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa thuộc BQL các KCN Bình Dương và nhắn tin cho Hoàng Thanh biết tên công ty, số lượng hồ sơ để lưu ý khi giải quyết. Theo thỏa thuận từ trước với Hoàng Thanh, khi nhận được GPLĐ, Vũ Hoài Thanh căn cứ vào số lượng giấy phép được cấp, chuẩn bị tiền mặt để trong túi đựng hồ sơ xin cấp GPLĐ và chỉ đạo Nguyễn Xuân Lâm đưa trực tiếp cho Hoàng Thanh tại sảnh Tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Đầu năm 2021, Hoàng Thanh liên lạc, đề nghị Vũ Hoài Thanh tăng mức chi để giải quyết cấp GPLĐ là 3,5 triệu đồng/GPLĐ. Từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2021, do dịch bệnh COVID-19, khó khăn trong việc đi lại giữa các địa phương, Hoàng Thanh yêu cầu Vũ Hoài Thanh chuyển tiền để giải quyết hồ sơ cấp GPLĐ qua tài khoản ngân hàng của Lê Hoàng Khang. Vũ Hoài Thanh sử dụng tài khoản của Vương Hoàng Phúc để chuyển tiền vào tài khoản của Lê Hoàng Khang, trong đó gồm tiền đưa hối lộ cho Hoàng Thanh và tiền lệ phí cấp GPLĐ mà Vũ Hoài Thanh nhờ Hoàng Thanh nộp giúp. Sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, Lê Hoàng Khang chuyển tiếp số tiền này vào tài khoản của Hoàng Thanh hoặc rút tiền mặt đưa trực tiếp cho Hoàng Thanh.

Từ năm 2019 đến tháng 3/2022, Vũ Hoài Thanh thông qua Nguyễn Xuân Lâm nộp tổng cộng 467 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN do 94 doanh nghiệp bảo lãnh. Toàn bộ 467 hồ sơ đều được Hoàng Thanh xem xét hồ sơ, duyệt kết quả thẩm định của chuyên viên và đề xuất lãnh đạo Ban quản lý ký, cấp 467 GPLĐ cho NNN. Trong đó có: 80 NNN được cấp GPLĐ nhưng không thực tế làm việc tại doanh nghiệp; 190 GPLĐ được cấp trước khi có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của UBND tỉnh Bình Dương; 85 GPLĐ cấp quá số lượng vị trí công việc được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận; 13 GPLĐ cấp sai vị trí công việc được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận; 13 GPLĐ cấp cho NNN làm việc tại doanh nghiệp nhưng không có tên trong danh sách chấp thuận của UBND tỉnh Bình Dương; 64 GPLĐ được cấp trong khi hồ sơ không đảm bảo quy định về hộ chiếu, thị thực, Bản cam kết phòng chống dịch theo yêu cầu tại Công văn số 484/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 10/02/2020 của Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương. Toàn bộ 467 bộ hồ sơ không được bổ sung Hợp đồng lao động sau khi được cấp GPLĐ.

Theo thỏa thuận, để giải quyết cấp 467 GPLĐ nêu trên, Hoàng Thanh đã nhận hối lộ từ Vũ Hoài Thanh tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.

3.Từ tháng 10/2019 đến tháng 6/2022, Đinh Thái Tuấn được bổ nhiệm là Phó trưởng Phòng Phòng quản lý Đầu tư - Doanh nghiệp - Lao động thuộc BQL KKT tỉnh Bình Phước, có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Ban trong lĩnh vực quản lý nhà nước về doanh nghiệp và lao động; kiểm tra, xem xét hồ sơ, ký tắt các văn bản, giấy phép thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách trước khi trình lãnh đạo BQL KKT tỉnh Bình Phước phê duyệt; trực tiếp tham mưu xử lý các lĩnh vực về chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu theo ủy quyền của UBND tỉnh Bình Phước; cấp/cấp lại, gia hạn GPLĐ cho NNN làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu theo quy định.

Tháng 10/2019, Đinh Thái Tuấn thỏa thuận, thống nhất với Vũ Hoài Thanh về việc đối với mỗi hồ sơ Vũ Hoài Thanh nộp, Tuấn hướng dẫn thủ tục, thẩm định, đề xuất lãnh đạo giải quyết cấp GPLĐ, Thanh chi cho Tuấn từ 2,5 đến 3 triệu đồng/GPLĐ.

Từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2022, Đinh Thái Tuấn hướng dẫn thủ tục để Vũ Hoài Thanh nộp tổng cộng 281 hồ sơ xin cấp GPLĐ cho NNN tại BQL KKT tỉnh Bình Phước. Trong đó, Đinh Thái Tuấn với vai trò là chuyên viên và lãnh đạo Phòng đã trực tiếp thẩm định, đề xuất lãnh đạo BQL KKT tỉnh Bình Phước ký, cấp 278 GPLĐ; đồng thời, Đinh Thái Tuấn giúp Vũ Hoài Thanh kiểm tra 03 hồ sơ để bổ sung, chỉnh sửa thông tin, tài liệu còn thiếu theo đúng quy định.

Tổng cộng, Đinh Thái Tuấn đã nhận hối lộ hơn 750 triệu đồng từ Vũ Hoài Thanh.

4.Quá trình điều tra, mở rộng, Cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Lê Minh Quốc Cường - Giám đốc Sở LĐTB7XH tỉnh Bình Dương và một số cán bộ BQL các KCN Bình Dương, BQL KTT tỉnh Bình Phước liên quan việc cấp GPLĐ cho NNN tại Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương.

Từ năm 2019 đến năm 2022, Lê Minh Quốc Cường với chức vụ Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, được phân công nhiệm vụ, quyền hạn phụ trách việc xem xét, cấp GPLĐ cho NNN làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trừ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp). Mặc dù biết rõ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, điều kiện cấp GPLĐ cho NNN, nhưng do được Ngô Nguyễn Thái Hằng - Phó trưởng Phòng Chính sách Lao động, Nguyễn Kiên Cường - Chuyên viên Phòng Chính sách lao động nhờ tạo điều kiện giải quyết cấp GPLĐ khi hồ sơ còn thiếu thủ tục, chưa đủ điều kiện theo quy định; đồng thời với mong muốn củng cố địa vị, thành tích cá nhân, nể nang đồng nghiệp cấp dưới và tạo điều kiện không chính đáng cho một số doanh nghiệp và NNN, từ năm 2019 đến tháng 3/2022, Lê Minh Quốc Cường đã trực tiếp duyệt hồ sơ, ký cấp 518 GPLĐ cho NNN làm việc tại 163 doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật.

 Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Nhân - đều là Phó Trưởng ban BQL các KCN Bình Dương, được giao trực tiếp chỉ đạo Phòng Quản lý lao động, trong đó thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn xem xét hồ sơ và duyệt ký các thủ tục liên quan tổng hợp nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của doanh nghiệp trình UBND tỉnh Bình Dương xem xét, chấp thuận và cấp/cấp lại GPLĐ cho NNN làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Với chức vụ Phó Trưởng ban BQL các KCN Bình Dương và được giao công vụ xem xét hồ sơ, ký cấp GPLĐ cho NNN, Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Nhân biết rõ quy định pháp luật có liên quan về cấp GPLĐ cho NNN. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, khi nhiều doanh nghiệp tại các KCN Bình Dương phản ảnh và đề nghị rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xin cấp GPLĐ cho NNN, Hoàng Thanh - Trưởng phòng Quản lý lao động đề xuất giải quyết cấp GPLĐ cho NNN khi chưa có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài của UBND tỉnh Bình Dương (doanh nghiệp đã nộp đăng ký nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài). Đặng Quang Việt, Nguyễn Thành Nhân đã đồng ý đề xuất của Hoàng Thanh với mong muốn đạt thành tích thi đua cho tập thể, nâng cao uy tín cá nhân và tạo điều kiện không chính đáng cho một số doanh nghiệp có người lao động nước ngoài được cấp GPLĐ. Chủ trương này không được báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương, không có văn bản chỉ đạo mà chỉ được Hoàng Thanh thông báo lại cho cán bộ Phòng Quản lý lao động biết, thực hiện.  

Kết quả điều tra xác định, trong tổng số 467 hồ sơ mà Hoàng Thanh nhận hối lộ của Vũ Hoài Thanh để thẩm định, đề xuất lãnh đạo BQL các KCN Bình Dương cấp GPLĐ, từ tháng 1/2019 đến tháng 9/2019, Đặng Quang Việt đã duyệt hồ sơ, ký cấp tổng cộng 86 GPLĐ; Nguyễn Thành Nhân đã duyệt hồ sơ, ký cấp 149 GPLĐ cho NNN làm việc tại các doanh nghiệp.

Từ kết quả điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an có văn bản kiến nghị Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB và XH tỉnh Bình Dương, BQL các KCN Bình Dương, BQL KKT tỉnh Bình Phước thực hiện nghiêm quy định pháp luật có liên quan trong việc cấp GPLĐ và quản lý lao động NNN trên địa bàn; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động, sử dụng pháp nhân để bảo lãnh, xin cấp GPLĐ tạo điều kiện cho NNN ở lại Việt Nam trái phép. Cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan đơn vị nêu trên xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, khắc phục sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý cư trú NNN, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng NNN khai báo mục đích nhập cảnh không đúng sự thật, làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ để ở lại Việt Nam trái phép.

Xuân Mai

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文