Phá án trên không gian mạng (Bài 2)
Từ thực tiễn hoạt động thương mại điện tử trên không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Khó như mò kim đáy bể
Một trong những vụ án các trinh sát Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ấn tượng nhất là việc phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng nhãn hiệu Sâm Alipas trên không gian mạng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 11/1/2024, Phòng CSKT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm"; khởi tố bị can 5 đối tượng về hành vi phạm tội trên gồm: Mai Văn Phương; Trần Thanh Xuân, Phùng Thị Mai, Trịnh Ngọc Phương, Vũ Quang Trường.
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ và thông tin trao đổi với Phòng CSKT Công an TP Hà Nội, các trinh sát Phòng 4 phát hiện nhóm đối tượng nghi vấn hoạt động sản xuất hàng giả là thực phẩm chức năng (nhãn hiệu ALipas) và rao bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok... với các Fanpage "Tin mới hôm nay", "Tin tức nhanh 24H", "Tin tức mới hôm nay 24/7" do Phương cầm đầu. Để tập trung lực lượng và phương tiện điều tra làm rõ, ngày 2/1, Phòng CSKT Công an TP Hà Nội xác lập chuyên án. Phòng 4 và Phòng CSKT Công an TP Hà Nội đã phối hợp trao đổi thông tin với Công ty Cổ phần dược phẩm ECO (có địa chỉ tại phường Khương Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội) là đơn vị sở hữu sản phẩm Alipas. Công ty Cổ phần dược phẩm ECO xác nhận mẫu sản phẩm do trinh sát thu thập của Phương và các đối tượng là hàng giả, không phải do chính hãng sản xuất.
Việc điều tra, khám phá án trên không gian mạng mất nhiều thời gian và khó như mò kim đáy bể. Quá trình điều tra, các đơn vị nghiệp vụ xác định, các đối tượng tham gia đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả đều có độ tuổi trẻ (SN 1999), có thủ đoạn hoạt động tinh vi như sử dụng các hãng vận chuyển logistic: Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Express..., để tạo các shop; vận chuyển hàng toàn quốc và thu tiền qua phương thức ship Code. Đối tượng Phương đã chia thành các nhóm hoạt động với các nhiệm vụ khác nhau gồm: nhóm chạy quảng cáo có Vũ Quang Trường, Phạm Trường Sinh; nhóm bán hàng gồm Mai Thị Thanh Huyền, Trần Thanh Xuân, Trịnh Ngọc Phương, Trịnh Huyền Trang. Nơi sản xuất hàng tại nhà Phương giao cho vợ là Nguyễn Thị Trang phụ trách; Phương điều hành chung và hàng tháng chuyển tiền cho các đối tượng. Ngày 4/1, Phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Phòng CSKT Công an TP Hà Nội tổ chức 6 tổ công tác, tiến hành triệu tập 8 đối tượng và khám xét khẩn cấp 6 địa điểm tại Hà Nội và Nga Sơn (Thanh Hóa). Trong vụ án này, hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng nhãn hiệu Alipas giả của Mai Văn Phương cùng đồng bọn đã gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần dược phẩm ECO, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Bền bỉ phá án
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng Phòng 4 cho biết: Các hoạt động gian lận tài chính trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn hoạt động trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi. Một số đối tượng chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt. Bên cạnh đó, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát…
Với nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhiều đối tượng cư trú tại nước ngoài, sử dụng rất nhiều tài khoản ngân hàng, sim điện thoại không chính chủ, sử dụng hội, nhóm kín trên không gian mạng như Zalo, Telegram… Trong khi đó, thị trường thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh dẫn đến công tác quản lý Nhà nước gặp khó khăn, chưa theo kịp tốc độ phát triển. Vẫn còn phổ biến tình trạng các đối tượng lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước để buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các hộ kinh doanh tổ chức, cá nhân không khai báo thuế khi bán hàng trực tuyến, gây thất thu thuế cho Nhà nước, trong khi công tác xác minh, truy thu thuế đối với các đối tượng này còn gặp khó khăn.
Mới đây, Phòng 4 đã phát hiện những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Mai Ly Style do Nguyễn Hoàng Mai Ly làm giám đốc. Công ty này hoạt động quảng cáo buôn bán hàng hóa (chủ yếu là mỹ phẩm Hàn Quốc) qua 4 nền tảng chính là Facebook (tài khoản Mailystyle.com), Shopee, Tiktok và website https://mailystyle.com. Qua công tác thu thập thông tin, Phòng 4 xác định trên trang facebook, tài khoản mailystyle.com thông báo tổ chức livestream bán hàng với nhiều khuyến mãi khủng vào khung giờ từ 12h đến 23h59 ngày 24/12/2023 với sự tham gia của nhiều KOL nổi tiếng. Từ thông tin trên, Phòng 4 đã nhanh chóng tiến hành xác minh thông tin liên quan tài khoản "Mailystyle", xác định từ ngày 1/12 đến 22/12/2023 tổng giá trị hàng hóa bán ra của Mai Ly là hơn 2,8 tỷ đồng.
Ngày 25/12/2023, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra kho chứa hàng hóa của Ly tại phường Yên Nghĩa. Kết quả kiểm tra phát hiện từ tầng 1 đến tầng 5 tòa nhà chất nhiều kiện hàng hóa bao gồm mỹ phẩm, nước hoa, đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm chức năng… Tại tầng 1 có 4 nhân viên nam làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa giao cho các đơn vị vận chuyển, các tầng từ 2-5 có tổng số 52 nhân viên (51 nữ, 1 nam) đóng gói sản phẩm và in, dán đơn. Tại thời điểm kiểm tra xác định chủ cơ sở Nguyễn Hoàng Mai Ly không có mặt, quản lý chính tại kho là Nguyễn Thị Tuyết Mai (chị họ của Ly) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ về nhiều mặt hàng tại đây (chủ yếu là mỹ phẩm).
Ngày 26/12/2023, Ly trình diện làm việc theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Ly cho biết sử dụng các tài khoản trên nền tảng Tiktok, Facebook, Shopee để bán hàng online, số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày là 300-500 đơn, tổng số tiền bán hàng khoảng 200 triệu đồng/ngày. Qua buổi làm việc, Ly nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật do nhận thức chưa đầy đủ và lợi nhuận thu được từ kinh doanh hàng hóa online lớn nên đã vi phạm, đồng thời cam kết sẽ chấp hành quy định của pháp luật.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đối với cơ sở kinh doanh từ ngày 25/12/2023 đến ngày 27/12/2023, qua đó xác định các vi phạm, như: Mai Ly là chủ cơ sở kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định; tại địa điểm kinh doanh không thực hiện niêm yết giá bán theo quy định; website "mailystyle.com" được Ly dùng để bán hàng nhưng không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; thống kê 241 mặt hàng do nước ngoài sản xuất gồm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giấy ướt, tiêu dùng - gia dụng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội đã cho tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định.
Đó chỉ là một trong những vụ việc được phát hiện trong thời qua. Từ sự bát nháo trên thị trường thương mại điện tử đã dặt ra những vấn đề trong công tác tác quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại điện tử.