Tấn công mạnh tội phạm hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen”
Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Phước liên tục tấn công truy quét tội phạm hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen” nhưng các đối tượng vẫn lén lút hoạt động, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Trong tháng 10/2022, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đắk Nông tổ chức bắt giữ 10 nhóm với 25 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có tính chất “tín dụng đen”, các đối tượng này hầu hết có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng.
Các đối tượng khai nhận chủ yếu cho vay bằng 2 hình thức là trả góp và cho vay tiền đứng. Vay trả góp với số tiền từ 2 triệu đến 50 triệu đồng trả góp trung bình khoảng từ 21 ngày đến 30 ngày, mức lãi suất từ 365%/năm đến 1.460%/năm. Số tiền phí thường được tính bằng một ngày góp.
Đối với hình thức vay đứng, các đối tượng cho vay với lãi suất khoảng 365%/năm tính lãi theo ngày, 5 ngày lấy lãi một lần, tiền phí được lấy từ 5%-10% của số tiền cho vay. Khi người vay không có tiền trả lãi, gốc hay trả chậm thì nhóm đối tượng này gọi điện hăm dọa, theo dõi, thường xuyên túc trực tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ gây ồn ào, dùng vũ lực, hung khí để đòi nợ, đe dọa sẽ đánh đập nếu báo Công an.
10 nhóm đối tượng trên cho 584 người vay tổng số tiền gần 9,4 tỷ đồng, đã thu lợi bất chính trên 3,2 tỷ đồng. Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến các nhóm “tín dụng đen”.
Từ tháng 5/2022 đến nay, tỉnh Bình Phước đã phát hiện, đấu tranh xử lý 14 vụ, 27 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen. “Tín dụng đen” vẫn tiếp tục hoạt động phức tạp, số đối tượng này chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc đến cấu kết với số đối tượng trọng điểm ở địa bàn tỉnh tổ chức các nhóm nhỏ cho vay lãi nặng; tập trung chủ yếu tại các địa bàn TP Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú.
Thủ đoạn các đối tượng cho vay rất kín kẽ, số tiền vay, lãi suất được thỏa thuận miệng với người vay, cố tình chia nhỏ các gói vay và cho đáo hạn liên lục để đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng hoạt động lưu động, di chuyển qua nhiều địa phương, một phần để tìm kiếm người vay và né tránh việc xác minh, điều tra của cơ quan Công an. Kèm với hoạt động cho vay là hoạt động đòi nợ, các đối tượng sử dụng các ứng dụng (app) lấy thông tin dạnh bạ của người vay để gọi điện đe dọa, tác động người thân của người vay để thu tiền.
Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền ký ban hành công văn chỉ đạo Công an tỉnh và cơ quan chức năng cùng các địa phương trên địa bàn đấu tranh quyết liệt với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” theo quan điểm “xử lý nghiêm một vụ, răn đe cảnh tỉnh cả một vùng”.
Trong đó, Công an tỉnh tổ chức truy quét, tấn công trấn áp các đối tượng hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen"; triệt phá các nhóm tội phạm hoạt động “bảo kê", cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong công tác phát hiện, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen"; nhất là các vụ án có đối lượng hoạt động lưu động, liên tỉnh, có quy mô lớn, có yếu tố băng nhóm, hoạt động phức tạp.
Công an tỉnh cũng đặt ra yêu cầu kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của các công ty tài chính, tín dụng, các dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng điện thoại di động, các hình thức hụi, họ, biêu, phường, các đối tượng có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo, cho vay lãi nặng.
Chủ tịch tỉnh Bình Phước cũng chỉ đạo các ban, ngành phối hợp với những tổ chức tín dụng, ngân hàng nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa việc người dân phải tìm đến “tín dụng đen"…