Triệt phá đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia

08:39 27/05/2022

* Gần 300 đối tượng tham gia trong đường dây, câu kết với người quốc tịch Trung Quốc.

* Cho vay lãi nặng qua app dưới vỏ bọc "kinh doanh tài chính công nghệ cao".

Ngày 26/5, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội cho biết, đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đối với đường dây tội phạm lên tới gần 300 đối tượng, hoạt động ở nhiều tỉnh thành, có sự tham gia điều hành của các đối tượng người Trung Quốc.

“Chém” lãi suất lên tới hơn 2.000%/năm

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội phát hiện một số đối tượng hoạt động cho vay lãi  nặng dưới hình thức qua app. Hoạt động của những đối tượng này khá bài bản khi thông qua mạng xã hội, những website quảng cáo về tài chính để quảng bá cho việc vay nhanh, vay nóng. Với những app được các đối tượng thiết kế đơn giản, bất kỳ người dân nào có nhu cầu, thông thạo máy tính hoặc sử dụng điện thoại thông minh đều có thể đăng nhập vào để làm thủ tục vay mượn tiền.

Không cần phải gặp trực tiếp để làm thủ tục, những ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần chụp ảnh CCCD hoặc CMND và thế chấp bằng những tài sản có giá trị thấp rồi đăng nhập vào app vay tiền do các đối tượng này lập ra. Một thủ tục tưởng chừng đơn giản nhưng không thể bỏ qua của người vay tiền, đó chính là phải gửi lại điện thoại hoặc để cho các đối tượng sao lưu danh bạ điện thoại làm tin. Sau khi hồ sơ được thẩm định xong, người có nhu cầu dễ dàng vay được từ 2 đến 30 triệu đồng mà không phải gặp trực tiếp ký giấy tờ vay nợ. Từ danh bạ điện thoại của người vay, các đối tượng sẽ dùng để tạo sức ép buộc con nợ phải trả lãi và tiền vay đúng hẹn. Sau khoảng 3 đến 5 ngày, các con nợ phải trả tiền lãi hoặc tiền gốc, nếu không số tiền lãi sẽ nhanh chóng “đẻ” ra lên tới 2.190%/năm.

Một số đối tượng trong đường dây hoạt động cho vay “tín dụng đen” bị bắt.

Quá trình thu hồi tiền cho vay, các đối tượng sẽ căn cứ vào số tiền đã giải ngân từ trước để lên phương án đòi nợ. Đối với những con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện vào danh bạ điện thoại để khủng bố bạn bè, người thân của con nợ. Nếu con nợ chây ỳ trả tiền, chúng sẽ dùng biện pháp mạnh như cắt ghép hình ảnh của con nợ, người thân vào những hình ảnh mang tính đồi trụy, xuyên tạc, hòng ép con nợ phải trả tiền. Hành vi của các đối tượng đã gây hoang mang, bức xúc cho những người thân hoặc không liên quan gì đến việc vay nợ trên.

Chị Nguyễn Thị Thanh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội khi ngồi tại Phòng CSHS không giấu được bức xúc trước những hành vi quấy rối, đe dọa của các đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi trên gây ra. Cuối tháng 3, chị Thanh bỗng nhận được những hình ảnh “nóng” được cắt ghép do một số máy lạ chuyển vào điện thoại của mình, kèm theo lời đe dọa yêu cầu chị phải thúc giục một đồng nghiệp cùng cơ quan phải trả số tiền 5 triệu đồng. Mặc dù đã nói rất nhiều lần bản thân không hề liên quan gì đến việc vay nợ của người đồng nghiệp kia nhưng các đối tượng vẫn không buông tha chị. Liên tiếp trong nhiều ngày, những tin nhắn, hình ảnh mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị được các đối tượng gửi cả đêm lẫn ngày vào máy điện thoại của chị Thanh. Không chịu nổi, chị Thanh đã phải tắt máy, đồng thời đến Phòng CSHS để trình báo sự việc.

Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội CSHS Đặc nhiệm, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết, chị Thanh cũng chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp người thân, bạn bè của con nợ bỗng dưng trở thành người bị đòi nợ bất đắc dĩ. Hành vi của các đối tượng gây hoang mang, bức xúc cho người dân. Ban chỉ huy Phòng CSHS đã báo cáo Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội xác lập chuyên án đấu tranh đường dây tội phạm trên.

Chuyên án được Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội phê duyệt, với lực lượng Phòng CSHS làm chủ công, có sự phối hợp của Cục CSHS Bộ Công an, các phòng chức năng của Công an TP Hà Nội.

Sau một thời gian tập trung các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, Phòng CSHS đã làm rõ những đầu mối trong đường dây hoạt động cho vay nặng lãi này. Với tính chất phức tạp của vụ án, số lượng đối tượng vi phạm đông, trải dài ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Chính vì vậy, ngoài Đội CSHS Đặc nhiệm, Phòng CSHS gần như huy động tất cả các đội nghiệp vụ trong đơn vị tăng cường cho Ban chuyên án. Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án cùng CBCS trong đơn vị được giao chủ công ở nhiều mũi bắt giữ.

Với lực lượng được chuẩn bị kỹ càng, ngày 24/5, các mũi công tác của Ban chuyên án đã đồng loạt ập tới 7 điểm trong đường dây hoạt động “tín dụng đen” trên ở cả 3 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Lực lượng Công an đã phát hiện, tạm giữ gần 300 đối tượng có liên quan, cũng như thu giữ nhiều tài liệu của các đối tượng phục vụ cho hoạt động cho vay nặng lãi.

Những chiêu đòi nợ “khét lẹt”

Mở rộng điều tra, Phòng CSHS xác  định những đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây hoạt động “tín dụng đen” trên bao gồm cả người Việt Nam và người Trung Quốc. Một trong những đối tượng người Việt Nam điều hành phải kể tới đối tượng Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2019, trong một lần vác đơn đi xin việc, Vũ được một đối tượng Trung Quốc nhận vào làm ở công ty với cái tên gọi khá mỹ miều “kinh doanh tài chính công nghệ cao”. Khi được nhận vào làm, thấy Vũ có năng khiếu và kinh nghiệm trong việc quản trị, nhất là mảng công nghệ cao, các đối tượng người Trung Quốc giao cho Vũ chức vụ Phó Tổng giám đốc điều hành công ty kèm theo mức lương 44 triệu đồng/tháng.

Với mức lương trong mơ đó, Vũ một mực tận tụy, cung cúc phục vụ cho hoạt động cho vay nặng lãi của công ty núp bóng giấy phép kinh doanh cầm đồ. Vũ thuê những sinh viên mới ra trường, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào làm việc,  phát triển cùng lúc 3 app cho vay. Những app cho vay tiền này hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, trực tuyến và qua mạng. Để có thể “câu” được nhiều “cá”, các đối tượng đơn giản hóa tối đa những thủ tục cần thiết trong quá trình khách hàng làm hồ sơ trực tuyến. Tuy nhiên, điều cốt lõi mà Vũ cũng như đám ông chủ người Trung Quốc của mình yêu cầu với nhân viên, đó chính là phải nắm được “tóc” của khách hàng thông qua danh bạ điện thoại, địa chỉ nhà riêng, cơ quan. Mục đích của các đối tượng này không gì khác là trói, buộc con nợ phải trả tiền vay, tiền lãi, không thể “bùng” được số tiền đã vay.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội lấy lời khai của một đối tượng trong vụ án.

Để quản lý số khách hàng vay tiền này, Vũ cùng với đối tượng Zhang Min (SN 1986 quốc tịch Trung Quốc) phân cấp hồ sơ của khách hàng thành những tầng, nấc khác nhau. Chúng dựa trên những tiêu chí về số tiền vay, mức độ tín nhiệm để quyết định có giải ngân cho vay hay không hoặc thời gian tính lãi suất, thời gian thu hồi vốn. Những khách hàng nhỏ lẻ, vay số tiền ít từ 2 -30 triệu đồng được liệt vào dạng “cò con”, thời gian trả lãi, gốc rất ngắn chỉ trên dưới 1 tuần. Riêng những khách hàng chứng minh được bản  thân đang làm ở những công ty, doanh nghiệp và nhất là cơ quan đoàn thể, nhà nước, thì muốn vay bao nhiêu… cũng được duyệt.

Những khách hàng này được Vũ cùng với Zhang Min và đồng bọn liệt vào khách hàng VIP, với chế độ chăm sóc đặc biệt. Và khi những con nợ này không có khả năng hoặc không trả nợ, lãi, chúng sẽ huy động đội ngũ nhân viên sử dụng các bài bẩn để đòi bằng được nợ mới thôi. Những thủ đoạn như nhắn tin, gọi điện đe dọa, cắt ghép hình ảnh “nóng” của con nợ, người thân, bạn bè con nợ để gửi cho tất cả những ai trong danh bạ điện thoại mà chúng nắm được, buộc con nợ phải trả tiền.

Thông tin với PV, Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án cho biết: Nguyễn Quang Vũ cấu kết với một số đối tượng người Trung Quốc như Zhang Min điều hành đường dây hoạt động cho vay nặng lãi trên. Cả Vũ và Zhang Min chưa phải là những tên cầm đầu cao nhất của đường dây trên. Trung bình một tháng các đối tượng khai nhận cho vay khoảng 100 tỷ đồng. Đến thời điểm này, dòng tiền lưu chuyển ổ nhóm trên cho vay “tín dụng đen” lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, Phòng CSHS sơ bộ xác định có tới gần 1 triệu tài khoản đã đăng nhập vào 3 app cho vay tiền để giao dịch vay nợ.

Chiều 26/5, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đã ra quyết định bắt giữ ít nhất gần 10 đối tượng cốt cán trong đường dây hoạt động cho vay nặng lãi trên, đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Hoàng Phong

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文