100 năm sân khấu cải lương: Thời hoàng kim có còn trở lại?

08:11 28/12/2018
"Cải lương đang trong cơn tai biến". Nhận định trên của đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc tại tọa đàm "Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi.


Nhìn lại chặng đường 100 năm của sân khấu cải lương, vấn đề "chạy chữa" cho loại hình nghệ thuật này vượt qua "cơn tai biến" vẫn còn quá gian nan chứ chưa dám mong lặp lại thời hoàng kim.

Nuối tiếc một thời đỉnh cao

Ngày 16-11-1918, vở "Gia Long tẩu quốc" được trình diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn. Đây được xem là vở diễn đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật cải lương. Đến nay, cải lương đã tròn 100 tuổi và trở thành loại hình sân khấu gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần người dân Nam Bộ. Dù tuổi đời non trẻ so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng cải lương sớm khẳng định được chỗ đứng, đạt những thành tựu rực rỡ và sản sinh hàng loạt gương mặt nghệ sĩ tài danh, được đông đảo công chúng mến mộ.

Đến nay, vẫn có những tranh cãi về khoảng thời gian nào mới là thời hoàng kim của cải lương. Tham khảo nhiều vị tiền bối, TS Mai Mỹ Duyên, Đại học Trà Vinh cho hay, có hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng giai đoạn năm 1930-1945 mới là thời hoàng kim của cải lương. Vì giai đoạn đó tạo ra một đội ngũ nghệ sĩ là những "cây cổ thụ của cải lương" mà tài hoa sáng tạo của họ xếp vào bậc thầy của thế hệ sau.

Cải lương bây giờ không còn thu hút công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. (Trong ảnh: Một cảnh trong vở "Rạng ngọc Côn Sơn").

Nếu bầu gánh hát là những trí thức có đầu óc canh tân, những nhà giàu ham văn nghệ thì đội ngũ soạn giả giai đoạn này là những người có trình độ am hiểu cổ - kim (Nho học và Tây học) như Tư Chơi, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở, Mộng Vân…

Những kịch bản như "Khúc oan vô lượng", "Túy Hoa vương nữ", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Tráng sĩ Kinh Kha", "Khi người điên biết yêu"… đều có ca từ, lời thoại có tính triết lý, giáo dục sâu sắc. Đội ngũ diễn viên cũng là những ngôi sao huyền thoại như Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Kim Thoa, Ba Vân…

Tuy nhiên, một số bậc cao niên khác thì cho rằng từ năm 1955 đến 1975 mới là thời hoàng kim của cải lương. Bởi giai đoạn này vừa giữ được đội ngũ sáng tạo bậc thầy nói trên, vừa xuất hiện thêm một lực lượng đông đảo các soạn giả trẻ tuổi, nhiệt huyết, dồi dào bút lực như: Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, Yên Ba, Thiếu Linh, Phong Anh… Họ không chỉ tiếp bước tiền bối mà còn đưa nhiều cách sáng tạo và văn hóa các nước vào cải lương.

Nội dung sáng tạo kịch bản phong phú tạo nên nhiều thể tài đa dạng của sân khấu cải lương như hương xa, kiếm hiệp, dã sử, tuồng cổ (tuồng Tàu), tâm lý xã hội… Hàng trăm vở ra đời và làm nên tên tuổi của loạt nghệ sĩ như: Hữu Phước, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Minh Vương, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Thanh Tòng…

Trong đó có hơn 260 vở tiêu biểu đi vào lòng công chúng mà thế hệ sau này vẫn nhắc nhớ. Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của cải lương, Giải Thanh Tâm ra đời nhằm góp phần vinh danh nghệ thuật cải lương, thúc đẩy nghệ sĩ không ngừng rèn nghề, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tu dưỡng nhân cách. Những nghệ sĩ được trao giải là những tấm gương tài đức vẹn toàn và mãi để lại dấu ấn đến ngày nay như Thanh Nga, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang…

So với chủ gánh giai đoạn trước, giai đoạn này bầu gánh đi theo xu hướng hình thành công nghiệp giải trí. Họ lập định chiến lược phát triển thông qua việc ký kết hợp đồng với đào kép, thầy tuồng, nhạc sĩ, họa sĩ…, vừa đào tạo đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng vừa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Việc trang trí sân khấu và phục trang cho diễn viên được chăm chút bởi những họa sĩ có tài để cải lương đúng nghĩa trở thành Thánh đường theo phong cách "Thực và Đẹp" mà nghệ sĩ Năm Châu đề xướng. Chính vì những thành tựu nổi bật của hai thập niên này mà đa phần giới mộ điệu đều cho rằng thời kỳ này xứng đáng là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của cải lương.

Không đến mức cực đoan như nhiều người cho rằng bây giờ cải lương đã "chết" tại nơi sinh ra nó, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho rằng cải lương giờ vẫn sống nhưng không sống mạnh. Trải qua 100 năm, cải lương cũng không thể thoát ra khỏi quy luật tất yếu của sự phát triển là có lúc thịnh, lúc suy. Bây giờ, cải lương đang bước vào giai đoạn suy.

Vở cải lương "Đời cô Lựu" - một tác phẩm kinh điển của sân khấu Việt Nam. 

NSƯT Trần Minh Ngọc chỉ rõ, lượng tác giả am hiểu cải lương còn lại rất hiếm hoặc đã cao tuổi, gác bút nghỉ. Người trẻ có nhiệt huyết lại ít hiểu biết về cải lương. Do vậy cải lương thiếu kịch bản trầm trọng. Nếu xuất hiện người tài thì họ cũng không có đất dụng võ khi cải lương không mấy ai xem.

Do không được đào tạo chuyên ngành nên hầu như không có đạo diễn cải lương đúng nghĩa, các đạo diễn gạo cội cũng gần như tuyệt tích. Lương bổng thấp, các nghệ sĩ làm thêm nghề tay trái mưu sinh dẫn đến tình trạng thiếu tâm huyết với vở diễn, hát nhép, thoại nhép… trong khi các tên tuổi diễn viên lừng lẫy một thời đều đã về chiều. Chất lượng vở diễn xuống thấp, diễn viên diễn dở thì lấy đâu ra khán giả mê cải lương như ngày xưa, trong khi họ đang được tiếp xúc với vô vàn loại hình nghệ thuật hấp dẫn khác?

Học tiền nhân để tìm đường vực dậy

Trước sự ngắc ngoải của sân khấu cải lương hiện nay, nghiên cứu sinh Đỗ Quốc Dũng, Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: "Tại sao ngày xưa trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, nhất là điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật, các yếu tố khoa học… mà tiền nhân ta để lại những thành tựu kịch bản văn học và các vở diễn vô cùng rực rỡ,  nhiều vở vẫn còn sức sống với thời gian; trong khi thời bây giờ, xã hội tiến bộ, đất nước phát triển toàn diện, đời sống vất chất lẫn tinh thần ngày càng nâng cao, khoa học phát triển mạnh… mà suốt từ sau năm 1990 đến nay chưa thấy có một vở diễn, kịch bản có sức sống lâu dài như trước; hàng trăm kịch bản đoạt giải thưởng, huy chương những mùa liên hoan, hội diễn khi qua rồi công chúng cũng không còn nhớ đến… Phải chăng những thành tựu còn chờ ở tương lai?". 

Ông cho rằng vấn đề này chúng ta cần nhìn lại cách nghĩ và cách làm của người xưa qua các giai đoạn để làm bài học kinh nghiệm. Đồng thời kết hợp với tư duy mới, nhịp sống thời đại mới vào những kinh nghiệm truyền thống mà người xưa để lại.

Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, có ba yếu tố để cải lương sống được: tuồng hay, hấp dẫn; đào kép hát hay, diễn giỏi; khán giả yêu mến. Đây là ba yếu tố sống còn, rất đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Muốn có tuồng hay thì cần soạn giả có tài, đạo diễn có tay nghề và nội dung luôn gắn với đời sống. Ông cho rằng sở dĩ cải lương giai đoạn 1955-1975 vẫn đỏ đèn, đông khách dù chiến tranh liên miên, dù hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn vì khi đó các nghệ sĩ không bó mình trong một góc an toàn nào đó, không ôm quá khứ vàng son mà chuyển mình và lăn vào cuộc sống sôi động như chính cái tên của môn nghệ thuật này.

"Để thành một nghệ sĩ giỏi, các nghệ sĩ cần qua nhiều cuộc cọ xát, rèn luyện. Xưa gánh hát nhiều, người nghệ sĩ các hạng lăn lộn với nghề từ thuở thiếu niên và đều có chỗ dụng võ. Họ đi từ gánh hát này sang gánh hát khác, từ nơi này sang nơi khác, gặp đủ loại thầy, đủ loại khán giả. Từ đó họ định hình được chính bản thân và cũng học hỏi được nhiều. Do đó, khi đã trở thành ngôi sao họ luôn có cái riêng về hát, diễn.

Nói theo kiểu bây giờ là những ngón độc mà người khác không có. Riêng khán giả, muốn có khán giả biết và yêu cải lương thì phải cần giáo dục. Nhiều MC trên truyền hình chưa phân biệt được cải lương và vọng cổ. Khó mà trách được họ. Không hiểu thì công chúng không thích, không yêu cải lương" - nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy phân tích.

Nhu cầu học nghề và truyền nghề của cải lương là có thật nhưng dường như chưa hề được chú ý. Phải có những trường chuyên dạy những người có lòng, có năng khiếu với nghệ thuật cải lương. Không chỉ dạy hát mà dạy cả thủ thuật bí truyền trong cách diễn. Dạy cách soạn một tuồng cải lương như thế nào. Bởi viết tuồng cải lương không như cách viết kịch bản phim hay thoại kịch. Người viết ngoài tài năng, kiến thức còn phải có hiểu biết về ngũ âm và âm luật của nhạc tài tử…

Cách xét chọn nghệ sĩ để vinh danh của Giải Thanh Tâm cũng rất đáng học hỏi. Người nghệ sĩ không được đăng ký tranh giải và không hề biết ban giám khảo là ai, chấm điểm mình khi nào. Ban giám khảo là những đạo diễn, thầy tuồng, ký giả nổi tiếng am hiểu cải lương âm thầm đến từng đoàn hát xem nghệ sĩ diễn để tìm những nghệ sĩ đủ tài và đức. Có như thế những nghệ sĩ được vinh danh mới thật sự xứng đáng, đi tiếp đường dài chứ không phải lóe lên rồi vụt tắt như quán quân ở nhiều giải thưởng cải lương hiện nay.

Mai Quỳnh Nga

Khi biết Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh (Trung tâm CNSH) triển khai dự án trên 425 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã làm quen, mua chuộc những lãnh đạo chủ chốt, bằng cách thường xuyên thăm hỏi, biếu quà. Khi đã thân thiết, Nhàn nhờ các lãnh đạo nâng giá thiết bị, nâng dự toán theo ý Nhàn. Sau đó, Nhàn lập liên danh dự thầu, bày "quân xanh" , thâu tóm các gói thầu, để AIC ngồi không hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng.

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文