Ai kiểm duyệt phụ đề?

07:46 19/12/2019
Việt Nam đang là một thị trường hứa hẹn của các nền tảng OTT giải trí và vì thế, Netflix cũng không thể bỏ qua mảnh đất màu mỡ này. Với sự tham gia của Netflix, nhiều ông lớn như HBO+, Film+… đều phải dè chừng...


Ở thời đại công nghệ có thể giúp người dùng truy cập vào rất nhiều kho dữ liệu một cách nhanh chóng như hôm nay, các nền tảng OTT cũng đang trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt ở thị trường giải trí tại nhà. Và Netflix là một trong những cái tên đình đám bậc nhất trên thế giới với kho phim đa dạng, cập nhật. Thậm chí, để tăng tính cạnh tranh, Netflix còn tham gia sản xuất phim và không ít bộ phim của nền tảng này đã tạo dấu ấn lớn trong lòng khán giả.

Việt Nam đang là một thị trường hứa hẹn của các nền tảng OTT giải trí và vì thế, Netflix cũng không thể bỏ qua mảnh đất màu mỡ này. Với sự tham gia của Netflix, nhiều ông lớn như HBO+, Film+… đều phải dè chừng.

Và Netflix cũng đã mang về thị trường Việt Nam rất nhiều phim giá trị, phim kinh điển, phim mới phát hành… giúp người xem có cơ hội được tiếp cận với văn hoá thế giới nhanh và mở rộng hơn. Nhưng cũng từ đó, bắt đầu nảy sinh một số vấn đề mà nếu không kiểm soát chặt chẽ ắt sẽ gây ra rất nhiều hệ quả đáng tiếc.

Một trong những vấn đề nổi cộm ấy chính là việc dịch phụ đề tiếng Việt của phim nước ngoài mà điển hình nhất là bộ phim mới phát hành mang tên "Marriage Story" (Chuyện hôn nhân) do Heyday Films sản xuất và Netflix là nhà phát hành độc quyền.

Đầu tiên, phải thừa nhận, đây là một bộ phim hay về đề tài gia đình, với những mâu thuẫn, diễn biến tâm lý rất con người, rất đời thường. Phim diễn ra nhẹ nhàng nhưng để lại quá nhiều suy nghĩ sâu sắc cho người xem. Diễn xuất của diễn viên cũng rất tuyệt vời. Tuy nhiên, khi xem phim với phần phụ đề của tiếng Việt, lập tức chúng ta cảm thấy bị shock dù chúng ta hiểu rằng nghĩa gốc trong tiếng Anh đúng là như vậy.

Điển hình, ở đoạn tranh luận giữa hai nhân vật chính Charlie và Nicole ở gần cuối phim. Mâu thuẫn vợ chồng trước ngưỡng cửa li dị đã được đẩy lên tận cùng và cả hai văng tục vào nhau rất nặng nề. Tuy nhiên, cách dịch phụ đề lại quá sống sượng, đặc biệt là khi Nicole cáo buộc chồng của mình đã ngoại tình và quan hệ tình dục với người đàn bà khác.

Trong ngôn ngữ gốc (tiếng Anh), cô dùng một từ rất tục và nặng. Song, việc dịch nó ra thành một từ cũng rất tục và nặng sang tiếng Việt liệu có phải là phương cách tối ưu để chứng tỏ rằng cái thoại phim nó căng thẳng như vậy thì cần chuyển tải đúng như vậy?

Nên nhớ, sự căng thẳng của thoại phim không chỉ nằm ở ngữ nghĩa mà còn nằm cả ở âm sắc, tốc độ nói, thái độ nói của nhân vật, tức là nó bao gồm cả âm và hình chứ không chỉ là ngữ nghĩa đơn thuần. Tại sao không thể kiếm các từ "ngủ", "quan hệ"… thậm chí là "chơi" mà cứ phải dùng đúng từ tục nhất trong tiếng Việt? Không chỉ có thế, khi Nicole mắng chồng mình bằng một từ mô tả cơ quan sinh dục của đàn ông, người dịch phụ đề cũng sống sượng dùng từ tục nhất của tiếng Việt để chuyển tải.

Nhiều phim nước ngoài có cảnh văng tục đều được giữ nguyên khi ra rạp nhưng khi chiếu lại trên truyền hình, chúng sẽ bị thay bằng tiếng "beep". Ngay cả ở trong âm nhạc cũng vậy. Gần 15 năm trước, khi nam ca sỹ James Blunt diễn trên BBC, câu hát gốc của anh là "f…ing high" (một từ tục) đã buộc phải bị thay thành "flying high".

Dễ hiểu, khi phát hành ở rạp, hoặc khi trình diễn ở các concert, kiểm duyệt đầu vào nằm ở ngay khâu bán vé. Ví dụ, một phim như "Marriage Story" gắn mác 18 + chắc chắn không ai bán vé cho người vị thành niên. Nhưng nếu chiếu đại chúng trên truyền hình thì khác. Có gắn 18 + đi nữa và gia đình nào có ý thức kiểm soát chặt thành viên vị thành niên đi nữa cũng khó có thể triệt tiêu hoàn toàn khả năng những người vị thành niên bị xem không chủ đích.

Vậy thì có nên dịch phụ đề thẳng thừng như thế hay không khi người dùng Netflix vẫn còn khả năng khiến người vị thành niên trong gia đình mình là người xem bất đắc dĩ? Và không chỉ "Marriage Story" là phim có phụ đề dịch sống sượng như thế.

Câu hỏi đặt ra là "ai kiểm duyệt những phụ đề đó trước khi phim được Netflix phát hành ở Việt Nam?". Còn chuyện những người khen ngợi và cổ súy, đó là quan điểm riêng của họ và ở trong gia đình họ, tự họ phải canh chừng để không có người xem bất đắc dĩ nào.
Văn Đoàn

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文