Chử Đồng Tử: Một trầm tích văn hóa

07:39 25/12/2018
Chử Đồng Tử là một trong những hình tượng văn hoá đẹp nhất trong hệ thống mã biểu tượng của văn hoá Việt cần được nhìn nhận, cắt nghĩa, lý giải sâu hơn để đưa giá trị hình tượng trở về với vị trí lớn lao đích thực. Truyện là một trầm tích văn hóa hàm chứa cả một liên văn hoá bề rộng và tầng lớp các chiều sâu ý nghĩa...


Trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử - bốn vị thánh sống mãi) của văn hoá Việt là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì ba vị đầu là nhân vật thời Vua Hùng dựng nước, chỉ có Thánh Mẫu Liễu Hạnh là có gốc tích ở thế kỷ XVI.

Đáng chú ý, theo huyền thoại thì dù không được Vua Hùng thừa nhận nhưng về bản chất, Chử Đồng Tử vẫn là con rể Vua Hùng, trong khi đó Sơn Tinh là con rể chính thức được Vua Hùng gả con gái. Như vậy là trong ba thánh "bất tử" thì có tới hai là con rể. Chi tiết này nằm trong một loạt các sự tích Vua Hùng cho thấy các chàng rể đóng vai trò rất lớn trong việc dựng nước và giữ nước, trong việc sáng tạo nên các kỳ tích văn hoá.

Cũng là con rể nhưng Trọng Thủy trong truyền thuyết "An Dương Vương" lại phản trắc? Đây là những câu hỏi rất cần được giải mã từ các nhà nghiên cứu. Nhưng có một lý do khi An Dương Vương gả con gái cho con Triệu Đà, không phải là mất cảnh giác, mà là nằm trong tập quán ngoại giao thời cổ đại là mong muốn hoà hiếu giữa các quốc gia, lãnh thổ, cộng đồng mà các lãnh chúa, các lãnh tụ bộ tộc, bộ lạc… thường gả con cho nhau. Họ làm "thông gia", thân tín, gần gũi, chia sẻ, như một thành ngữ cổ: "Thông gia thông giáo nấu cháo nuôi nhau".

Tập quán này kéo dài mãi về sau, ở thời trung đại ta vẫn thấy Vua Trần gả con gái cho con vua các nước lân bang như Chiêm Thành… Đành rằng đó là bài học cảnh giác với kẻ thù xâm lược, nhưng có nên trách cứ An Dương Vương là "nhẹ dạ" mà "mất cảnh giác" rồi để mất nước? Liệu có nặng nề quá chăng? Liệu có đúng với bản chất vấn đề lịch sử?

Trở lại chi tiết con rể trong chuỗi huyền thoại Vua Hùng, phải chăng có một sự thật là nhờ chính sách hoà hiếu rộng rãi mà thời đó đạt được các kỳ tích văn hoá? Các chàng rể quý như Sơn Tinh, như Chử Đồng Tử là những chứng minh…!!!

Truyện "Chử Đồng Tử" trước hết là bài ca về đạo Hiếu đậm bản sắc Việt.

Tranh minh họa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Người Việt có cả hẳn một kho tàng tục ngữ, ca dao về chữ Hiếu: "Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha"; "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con"; "Làm con hiếu nghĩa đi đầu/ Hiếu cha, hiếu mẹ việc gì cũng xong"… Chứng tỏ chữ Hiếu đã trở thành một bản sắc đậm đà, thành một nét tính cách, một truyền thống văn hoá. Truyền thuyết "Chử Đồng Tử" trước hết là sự minh họa sinh động, cụ thể bằng hình tượng rất mực cảm động và chân thực cho nét văn hoá này.

Chuyện rằng nhà nghèo quá, lại mới gặp tai họa (cháy nhà) mà cha (Chử Cù Vân), con (Chử Đồng Tử) mặc chung nhau một cái khố. Trước khi chết, người cha dặn con cứ táng trần cho bố, còn giữ lại cái khố để con mặc. Như vậy đến lúc chết người cha vẫn thương con, day dứt vì con không có khố để mặc lúc này còn lúc khác. Và rất có thể ông còn day dứt vì không tròn trách nhiệm làm cha phải thu vén, chăm lo cho con trọn vẹn. Bao nhiêu nỗi niềm dồn tụ vào câu nói trăng trối ấy!

Chử Đồng Tử không nỡ táng cha trần. Đây không chỉ là chữ Hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm "trần sao âm vậy" và "nghĩa tử là nghĩa tận", nghĩa là dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, luyến tiếc. Đồng Tử mong cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân… Đồng Tử không chỉ tròn chữ Hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân.

Chữ Hiếu trong truyện này còn mang màu sắc Nho giáo và Phật giáo. Theo lối chiết tự từ Hán Việt thì chữ Hiếu có hai bộ, gồm bộ "lão" chỉ người già ở phần trên và bộ "tử", chỉ con cái ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ "Hiếu" là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già. Nho giáo coi chữ Hiếu là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức con người. Hiếu là hết lòng thờ kính bố mẹ.

Đạo Phật cũng coi trọng chữ Hiếu, trong kinh Thiện Sinh, bản kinh nguyên thủy trong bộ kinh Trường A Hàm ra đời đã 26 thế kỷ ghi lại lời Phật dạy, có nêu 5 điều con cái phải kính thuận cha mẹ. Phật coi "cha mẹ là phương Đông" có thể hiểu đó là phương mặt trời mọc, có mặt trời mới có sự sống.

Truyện "Chử Đồng Tử" của ta là sự giao thoa rất đẹp hai tư tưởng lớn ấy. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có bình hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân của Vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn chữ Hiếu!

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu hôn nhân tự do đã đi vào lịch sử văn hoá Việt như là một mối tình đẹp nhất, chung thuỷ, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả trên thế giới.

Chử Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái Vua Hùng cành vàng lá ngọc, cao sang, quý phái, vương giả chấp nhận lấy làm chồng. Nàng đã vượt cả quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, bao nội quy, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một con vua mà đi lấy chồng không hề tương xứng, không hề "môn đăng hộ đối". Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng "hoang" (Đồng Tử đích thực là kẻ "hoang", tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau bờ sậy…).

Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương những con người dưới đáy mạnh mẽ, bao la không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời trong sáng này. Truyện cách ta trên dưới bốn ngàn năm mà vào ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai dũng cảm dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế cho nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung là vì thế.

Truyện xây dựng tình huống ngẫu nhiên gặp nhau (Tiên Dung quây màn tắm ngay chỗ Đồng Tử ẩn trốn) cũng chỉ góp phần làm thêm dư vị huyền ảo, bay bổng cho câu chuyện mà thôi. Cái tài nghệ của câu chuyện vẫn nằm ở nội dung nhân văn rất đẹp kia. Ở đây tài và tình của dân gian hoà lẫn vào nhau, không tách bạch.

Truyện còn là bài ca về một ước mơ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hoà bình.

Chử Đồng Tử học được phép thuật thần tiên, hai vợ chồng biến cải những nơi đầm lầy thành làng mạc, phố phường trù phú, họ trở thành giàu có, họ làm thuốc cứu người, họ vượt biển buôn bán… Sau khi "hoá" họ còn hiển linh giúp Triệu Quang Phục đuổi giặc Lương, còn ngầm mách Nguyễn Trãi về Lam Sơn tụ nghĩa… Câu chuyện đong đầy những ước mơ thật đẹp. Dân gian chắp cánh thêm cho ước mơ ấy cứ bay mãi. Vợ chồng họ có tài năng, trở thành giàu có. Không chỉ dừng ở đấy, họ còn làm thuốc cứu người. Họ còn vượt biển mang hàng hoá về cho người dân…

Chi tiết Đồng Tử học phép thuật chứng tỏ truyện mang màu sắc Đạo giáo rõ nét. Cho nên sau này người Việt tôn Đồng Tử là ông tổ của Đạo giáo Việt Nam nên gọi là "Chử Đạo Tổ".

Rõ ràng truyện là cả một trầm tích văn hoá, có phong tục, tập quán văn hoá bản địa, có màu sắc Nho, Phật, Lão giao thoa, tiếp biến hoà quyện vào nhau tạo nên một tổng phổ những sắc màu văn hoá, có những hình tượng lung linh đẹp mãi tỏa rạng đến hôm nay và mai sau, vượt cả biên giới để soi những ánh sáng nhân văn ở miền đất mới.

Nguyễn Thanh Tú

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文