Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9:

Cơ hội đưa phim tài liệu ra thế giới

08:20 19/06/2018
Diễn ra từ ngày 8 đến ngày 17-6 tại Hà Nội, Liên hoan phim (LHP) Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 quy tụ 22 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc của Việt Nam và 11 quốc gia trên thế giới. Không chỉ mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi giữa các nhà làm phim tài liệu trong nước với các nhà làm phim quốc tế mà LHP còn góp phần đưa khán giả đến gần với phim tài liệu hơn.


LHP Tài liệu Châu Âu - Việt Nam là sự kiện thường niên do Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước Châu Âu phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương tổ chức. Trong số 22 phim tham dự LHP năm nay có 11 phim quốc tế (Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Áo, Đan Mạch, Séc, Anh và Israel) và 11 phim của Việt Nam.

Trong số các đại diện của Việt Nam có 8 phim thuộc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 1 phim của Đài Truyền hình Việt Nam, 1 phim của Điện ảnh Quân đội và 1 phim của nhà sản xuất độc lập. Đây đều là những bộ phim đặc sắc, được chọn lựa kỹ trước đó. Hầu hết các bộ phim quốc tế đều là những phim đã giành được giải thưởng cao tại nước sở tại. Các phim của Việt Nam cũng đều là những phim được vinh danh tại các LHP, giải thưởng của Điện ảnh cũng như được khán giả yêu mến..

Phát biểu tại cuộc họp báo, đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khẳng định: "Thông qua các bộ phim tại LHP, khán giả có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như các nước khác. Đây là cơ hội để hiểu rõ hơn những mối quan hệ giữa người với người, khám phá các vùng đất cũng như các vấn đề đương đại".

Phim tài liệu về Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng.

Khán giả sẽ được xem miễn phí các bộ phim tham gia LHP tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội) và Trường Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh). Mỗi buổi chiếu, khán giả sẽ được xem một bộ phim tài liệu của Việt Nam và một bộ phim quốc tế. Bên cạnh đó, 4 phim của các nhà làm phim trẻ sẽ được trình chiếu vào một số buổi chiều. Tại LHP, khán giả cũng có thể được giao lưu với một số đạo diễn trong nước và quốc tế.

Các phim tham gia LHP lần này được đánh giá là khá đa dạng về đề tài từ môi trường, xã hội, văn hóa, di sản, âm nhạc đến hòa nhập. Bộ phim Thụy Điển "Ingmar Bergman - trong con mắt biên đạo múa" được chọn chiếu khai mạc.

Đây là bộ phim kể về Ingmar Bergman - đạo diễn phim, sân khấu, nhà biên kịch nổi tiếng của Thụy Điển - thông qua 4 màn ba lê có một không 2 của 4 biên đạo múa sáng tạo nhất của nước này. Phim đã từng được Giải thưởng Praha Vàng tại Liên hoan truyền hình quốc tế 2018: giải thưởng đặc biệt về thành tựu nổi bật.

Đại diện của Tây Ban Nha "Một ngày tôi thấy 10.000 con voi" lại là một bộ phim tài liệu hoạt hình. Phim kể về chuyến thám hiểm của người đàn ông có tên là Angono Mba cùng các nhà làm phim Tây Ban Nha. Khi đó ông làm công việc vác đồ và dẫn đoàn phim đi xuyên Ghi - lê để quay lại những  thước phim tài liệu về cuộc sống tại mảnh đất thuộc địa và tìm kiếm một cái hồ bí ẩn nơi có truyền thuyết kể rằng có 10.000 con voi cùng sinh sống.

Đặc biệt có sự xuất hiện của bộ phim "Tạm biệt Hạ Long" do đạo diễn người Đức gốc Việt còn khá trẻ Ngô Ngọc Đức làm đạo diễn. Tuy nhiên, do chưa được Cục Điện ảnh cấp phép nên bộ phim chưa được trình chiếu ở Việt Nam trong thời gian này.

Tám bộ phim tài liệu của Việt Nam tham gia LHP năm nay đều là những bộ phim xuất sắc được sản xuất trong thời gian vừa qua với nhiều chủ đề từ nhân vật đến những vấn đề nổi bật của cuộc sống. "Giáo sư Tôn Thất Tùng - người thầy tôn kính" (đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ và Đào Đức Thanh) kể về Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, một thần tượng ngành Y học Việt Nam và thế giới, người đã gây sự kinh ngạc cho thế giới vì những phát minh mới mẻ trong lĩnh vực phẫu thuật gan khi mới 27 tuổi, người được bầu vào Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris và được giải thưởng quốc tế Lannelogue.

Cuộc đời Giáo sư Tôn Thất Tùng có nhiều lứa học trò, nhiều người trong số họ cũng đã trở thành những bác sĩ tài danh. Và những thế hệ học trò ấy vẫn chắt chiu ghi nhớ những kỷ niệm về người Thầy trong trái tim của mình.

"Lớp học hy vọng" của Trịnh Quang Tùng và Đỗ Thị Huyền Trang lại kể về lớp học đặc biệt tại Viện Nhi Trung ương ra đời năm 2008 với hy vọng mang lại cho các bệnh nhi một tinh thần tốt để vượt qua những nỗi đau thể xác. "Khát vọng người" của đạo diễn Phạm Huyên lại khai thác nỗi đau chất độc da cam. Các nhân vật trong phim đều là nạn nhân của chiến tranh. Họ đều có những nỗi đau riêng nhưng đều có một khát khao, một nghị lực phi thường để trở thành người có ích.

Ngoài ra, không thể không kể tới bộ phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh "Lê Bá Đảng, từ Bích La đến Paris" khắc họa phần nào cuộc sống và sự nghiệp của cố họa sỹ Lê Bá Đảng. Cả cuộc đời gắn bó và hy sinh cho sáng tạo nghệ thuật, Lê Bá Đảng đã để lại cho chúng ta hàng trăm tác phẩm bao gồm nhiều thể loại: Tranh, tượng, nghệ thuật cắt giấy, phù điêu và những ý tưởng sáng tạo chưa thể thực hiện được.

Nhiều bộ phim của Việt Nam cũng đã đề cập đến những vấn đề nổi cộm của đất nước như việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển Formosa trong "Nhớ biển" (đạo diễn Hoàng Dũng), tật cận thị đang tiến triển âm thầm, dai dẳng tàn phá sức khỏe thị giác của cộng đồng, đặc biệt là trẻ em trong lứa tuổi đi học, làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai ở "Dịch cận thị" (đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh).

Phim “Ingmar Bergman” qua con mắt biên đạo múa được chiếu khai mạc LHP.

Cuộc sống của những người dân tộc Chăm làm nghề chăn cừu trên những sa mạc mênh mông ở "Cuộc di cư của bầy cừu" (đạo diễn Đặng Linh)... Bên cạnh đó, LHP cũng ghi nhận sự tham gia của 4 nhà làm phim trẻ Việt Nam với "Lăn" của Nguyễn Ngọc Mai, "Khi sóng vỗ bờ" (Nguyễn Xuân Hoàng Minh), "Khúc tình phố" (Lê Mỹ Cường) và "Phố nghề hàng thiếc" (Hương Na Nguyễn)

Có thể nói, cuộc đối thoại giữa phim tài liệu Châu Âu và Việt Nam tại các kỳ LHP  đã mang đến cho công chúng và người làm nghề những trải nghiệm thú vị. Là cơ hội để khán giả đến gần hơn với phim tài liệu - một loại hình phim quan trọng trong đời sống nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục khán giả. Tiệm cận với xu hướng làm phim hiện đại, các phim tài liệu của Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong việc sử dụng lời bình, âm nhạc và độ dài của phim cũng linh hoạt hơn.

Sự xuất hiện của nhiều nhà làm phim độc lập, chủ động mang phim ra rạp đã góp phần xóa bỏ quan niệm lâu nay rằng phim tài liệu chỉ làm theo đơn đặt hàng, phục vụ tuyên truyền. Những đề tài góc cạnh của đời sống và mang tính thời sự được dư luận quan tâm đã được các đạo diễn mạnh dạn phản ánh trong tác phẩm của mình.

Qua những LHP quốc tế, điều mà các nhà làm nghề nhận ra rằng kinh phí không hẳn là một trở ngại trong việc đưa phim tài liệu Việt Nam ra thế giới mà chính ý tưởng độc lập, sự nhạy bén trước các sự kiện, thể hiện vai trò người ghi sự thật trong xã hội mới là chìa khóa để những người làm phim tài liệu Việt Nam mở cánh cửa ra nước ngoài.

Không thể phủ nhận phim tài liệu là thể loại kén khán giả, nhưng như NSND Nguyễn Như Vũ khẳng định, hơn 60 năm sản xuất, hãng vẫn có lượng khán giả trung thành qua nhiều thế hệ. Bên cạnh những bộ phim được sản xuất từ Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, các Đài Truyền hình thì sự xuất hiện của các nhà làm phim độc lập đã giúp cho bức tranh phim tài liệu của Việt Nam thêm đa dạng, nhiều màu sắc.

Sự háo hức của khán giả khi tới rạp xem phim tài liệu cũng đã là minh chứng cho thấy phim tài liệu hoàn toàn có khả năng bán được vé nếu bộ phim đó đề cập tới những vấn đề mà dư luận quan tâm cũng như cách làm phim hấp dẫn. Đặc biệt, qua mỗi mùa LHP, Việt Nam đã giao lưu và học tập được cách làm phim của nhiều nước Châu Âu trong việc đa dạng đầu ra cho phim của mình.

Thảo Duyên

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文