Có một Đà Lạt trong thơ và nhạc

11:42 06/08/2020
Đà Lạt với vẻ đẹp trong trẻo mà dịu dàng, u uẩn mà kiêu sa đã đi vào không biết bao nhiêu tác phẩm thơ, nhạc nổi tiếng suốt từ nửa đầu thế kỷ trước cho tới nay. Không biết ai đó đã viết một câu thật đúng về Đà Lạt mà tôi rất tâm đắc: Đây là nơi còn mãi mùa thu.


Trong cái nóng oi bức của mùa hè Bắc Bộ, để nghĩ về sự dịch chuyển đến một không gian núi đồi có khí hậu mát mẻ quanh năm, tôi chắc rằng sẽ có rất nhiều người nghĩ về Đà Lạt. Phải rồi, Đà Lạt cũng là thành phố ở Việt Nam có nhiều tên gọi theo phong cách mỹ từ hóa nhất mà không đâu sánh bằng: “thành phố mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, xứ hoa đào, thành phố sương mù, thành phố tình yêu, tiểu Paris phương Đông...”. 

Và chắc chắn không phải ngẫu nhiên, Đà Lạt với vẻ đẹp trong trẻo mà dịu dàng, u uẩn mà kiêu sa đã đi vào không biết bao nhiêu tác phẩm thơ, nhạc nổi tiếng suốt từ nửa đầu thế kỷ trước cho tới nay. Không biết ai đó đã viết một câu thật đúng về Đà Lạt mà tôi rất tâm đắc: Đây là nơi còn mãi mùa thu.

Đà Lạt thành phố ẩn hiện trong sương mù.

Nơi khơi nguồn sáng tác

Ngược dòng thời gian, chính bác sĩ Alexandre Yersin là người đã gợi ý cho viên Toàn quyền Paul Doumer xây dựng một khu nghỉ dưỡng ở vùng cao nguyên Lâm Viên, tức Đà Lạt ngày nay. Cho tới ngày 20 tháng 4 năm 1916, Hội đồng phụ chính của vua Duy Tân thông báo Dụ, thành lập thị tứ Đà Lạt. 

Và cho đến những năm 40 của thế kỷ trước, Đà Lạt đã được coi là thủ đô mùa hè của toàn Liên bang Đông Dương, được chọn làm nơi lui đến để nghỉ dưỡng của giới thượng lưu cũng như những tâm hồn nghệ sĩ. Những thi phẩm nổi tiếng đầu tiên viết về Đà Lạt đều do những thi sĩ ở các miền đất khác tìm về và sáng tác. 

Thời kỳ Thơ Mới lãng mạn (1932 - 1945) phải kể tới hai bài “Đà Lạt trăng mờ” của Hàn Mặc Tử và “Đà Lạt đêm sương” của Quách Tấn. Nếu như Hàn Mặc Tử ấn tượng mạnh mẽ với trăng Đà Lạt thì Quách Tấn lại ấn tượng với sương Đà Lạt. Và hiển nhiên hai bức tranh mê đắm quyến rũ ở nơi khói sương này đều hiện lên vào ban đêm. 

Ban đêm mang đến nhiều thi vị hơn, cũng như mức độ huyền ảo và yên tĩnh tuyệt đối đã làm những tâm hồn thi sĩ cảm giác như lạc vào tiên giới: “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu/ Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ/ Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ” (Hàn Mặc Tử), “Một luồng sương bạc bỗng từ mô/ Lẻn cuốn vầng trăng cuốn mặt hồ/ Cuốn cả non sao bờ suối ngọc/ Người lơ lửng đứng giữa hư vô” (Quách Tấn). 

Trong hai bài thơ, cả hai thi sĩ đều có chung những cảm giác về trăng, về hồ, về đêm vắng…Và quan trọng hơn nữa là đều có cảm giác về tình yêu đôi lứa. Không gian này, cảnh vật này như để dành riêng cho những người yêu nhau cần tìm đến đây. Hàn Mặc Tử thì viết: “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu”. Còn Quách Tấn, chàng cảm thấy như có một bàn tay người thiếu nữ đang ve vuốt thân mình: “Trời đất tan ra thành thủy tinh/ Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh/ Âm thầm mơn  trớn bên đôi má/ Hơi mát đê mê chạy khắp mình”. 

Nếu như Hàn Mặc Tử và Quách Tấn là những thi sĩ từ Bình Định tìm lên với Đà Lạt từ trước 1945 thì cách sau đó gần nửa thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Duy từ một khoảng cách địa lý xa hơn cùng tìm lên với Đà Lạt và để lại những vần thơ quyến rũ: “Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng/ Ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi/ Tiếng móng ngựa gõ giòn trên dốc vắng/ Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi/ Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ/ Ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người” (Đà Lạt một lần trăng).

Thiên đường của những loài hoa

Rừng thông đà Lạt.

Một trong những vẻ đẹp khó quên của Đà Lạt đối với ai từng một lần đặt chân đến đây là thế giới của muôn ngàn sắc hoa. Và đối với mỗi người nghệ sĩ, có lẽ đã tự chọn cho mình một loài hoa riêng nào đó để mà ám ảnh, để mà yêu thương suốt cả cuộc đời. 

Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” như món quà tặng riêng cho Đà Lạt: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân êm mây trôi/ Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ/ Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ”. 

Sau 1975, nhạc sĩ Trần Kiết Tường lại xúc động với loài hoa mang tên mimosa: “Mimosa, từ đâu em tới/ Mimosa vì sao em tới đất này/ Đà Lạt đồi núi chập trùng/ Đà Lạt trời mây nước mênh mông/ Anh đã biết rồi, em ơi vì sao em tới/ Anh đã biết rồi em ơi, vì em yêu cuộc sống trên cao, có thông reo rì rào…”. Một số thi sĩ khác lại ấn tượng khó quên với những đóa hoa quỳ Đà Lạt: “Thành phố dốc đồi già theo người đi/ Hoa quỳ dại có bao giờ vàng thế/ Sao hoa quỳ buồn quá/ Hay chính ta buồn/ Tẩu thuốc nào để lại khói sương” (Tháng Mười, thành phố dốc đồi – Đỗ Trung Quân), “Chợt thấy đôi khi đời quá mệt/ Ta rủ ta lên núi rong chơi/ Cám ơn em đóa quỳ độ lượng/ Đã hồn nhiên mở cửa đất trời” (Chợt thấy – Mường Mán).

Thành phố của tình yêu

Ai đó đã nói rằng, người ta thường đến Đà Lạt với người yêu của mình. Đi chơi Đà Lạt ít khi đi một mình mà bao giờ cũng có đôi. Quả thực, cảnh đẹp nơi đây sẽ dễ khiến người ta yêu nhau hơn, như một thứ gia vị làm cho  tình yêu thêm nồng nàn, lãng mạn, đắm say: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ/ Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ/ Từng đôi đi trên phố vắng/ Bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm” (Đà Lạt hoàng hôn, Nhạc và lời: Minh Kỳ - Dạ Cầm), “Rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối/ Rước em lên đồi hẹn với bình minh/ Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép/ Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm” (Cỏ hồng – Phạm Duy). 

Và cũng bởi chính nơi đây đã từng mang nhiều giai thoại về những câu chuyện tình buồn, để từ đó tạo nên những thác Cam Ly, hồ Than Thở: “Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở/ Đêm xuống, Than Thở vang cung hờn, thêm se sắt tâm hồn”. Mà chuyện tình yêu muôn đời đâu có thể nói trước điều gì, Đà Lạt vì thế vừa là nơi chứng kiến những hạnh phúc lứa đôi, vừa là nơi chứng kiến những nỗi đau, những biệt ly xa xót tâm hồn: “Thành phố buồn lắm tơ vương/ Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn/ Và con đường ngày xưa lá đổ/ Giờ không em sỏi đá u buồn/ Giờ không em hoang vắng phố phường/ Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương/ Tiễn đưa người, quên núi đồi quên cả tình yêu” (Thành phố buồn – Nhạc và lời: Lam Phương).

Từ một cách thể hiện khác, thi sĩ Bùi Chí Vinh lại có những câu thơ thật phong trần, bụi bặm lãng tử với vẻ táo bạo gai góc rất riêng khi viết về Đà Lạt với bóng hình một người con gái mà anh yêu: “Trái tim tôi mọc một rừng thông khi ghé thăm Đà Lạt/ Em xô ngã tôi bằng trận gió ái tình/ Tôi sẽ hứng chịu sự -dịu – dàng – độc – ác/ Để những người đến sau tôi không chịu khổ vì em” (Mùa xuân của Alibaba), “Mất đến mười năm yêu Đà Lạt/ Mới quàng vai được những ngọn đồi/ Em có đi trên đồi không vậy?/ Sợ chạm vào em lại điếng người” (Mười năm đứng trước Đà Lạt). 

Nếu như Phạm Duy trong âm nhạc từng có một ca khúc “Cỏ hồng” viết ở Đà Lạt thì thi sĩ Đỗ Trung Quân cũng có một thi phẩm mang tên “Cỏ hồng” viết ở thành phố cao nguyên này trong nỗi niềm hoài niệm tiếc thương một tình yêu chỉ còn trong ký ức: “Con đồi dài như em còn ngoan/ Lòng ta rụng trái thông khô thảng thốt/ Ta qua dốc phía hoàng hôn tím ngắt/ Cỏ hồng xưa đổi sắc dưới chân mình/ Và ta buồn như mây trắng mông mênh/ Soi bóng suối – chú bé xưa ngồi khóc/ Công chúa nhỏ mang chùm hoa đi mất/ Tóc hiền ngoan theo gió lên trời”.

Đà Lạt sẽ còn mãi trong nỗi nhớ của những ai từng đặt chân đến nơi đây. Đà Lạt sẽ còn mãi với những kỷ niệm, những mối tình được làm chứng bởi bao cỏ hoa, những con suối, vạt đồi, hàng thông xanh in bóng. Và với những người từng có một tuổi thơ gắn bó với Đà Lạt rồi sau này cách xa, thì nỗi nhớ về nơi mình lớn lên mãi mãi nồng nàn trong trẻo như thuở ban đầu: “Này Đà Lạt ơi, tôi biết em từ thuở nhỏ/ Cùng em năm tháng, sưởi ấm nhau bằng môi khô… Này Đà Lạt ơi em đã trong tôi trọn một đời/ Để khi xa cách mới thấy cõi lòng chơi vơi…Này Đà Lạt ơi, suốt đời tôi sẽ yêu em/ Này Đà Lạt ơi, suốt đời tôi sẽ không quên…” (Tình yêu cho Đà Lạt – Nhạc và lời: Trịnh Nam Sơn).

Đỗ Anh Vũ

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.