Đã thơm rồi đâu chịu vô danh

08:00 11/10/2012
Văn nghệ sĩ thường có sự thái quá. Bởi chất nghệ sĩ có sẵn trong mỗi con người. Ai đó đã nói: "Bẩm sinh con người là nghệ sĩ". Những nhà văn, nghệ sĩ chỉ là sự phát triển thái quá của chất nghệ sĩ. Đó cũng là sự vượt ngưỡng so với mọi người bình thường. Tất cả các tài năng đều thế cả. Không vượt ngưỡng thì không có tài năng. Nhưng đấy là sự vượt ngưỡng của tư chất, khác với sự vượt ngưỡng về phẩm chất...

Ngưỡng của nghệ thuật

Cuộc sống là một nghệ thuật. Sự hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần mới tạo nên hạnh phúc. Nghệ thuật là biết tạo ra sự hài hòa ấy. Để có sự hài hòa thì không được vượt ngưỡng. Ngưỡng tức là giới hạn cho phép để giữ mọi sự ở trạng thái cân bằng. Ông cha ta đã rất chú ý đến điều này nên đã gửi lòng vào những câu ca dao tục ngữ: "Già néo đứt dây", "Tức nước vỡ bờ", "Chồng giận thì vợ làm lành/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng khê bao giờ"...

Nhưng biết được đâu là ngưỡng thì khó vô cùng. Những năm gần đây, cuộc sống xã hội sôi động nên sự vượt ngưỡng rất nhiều. Vượt ngưỡng có thể vô tình mà cũng có thể cố ý. Có những hoa hậu, nghệ sĩ cố tình tạo ra những vụ xì-căng-đan để được nổi tiếng. Phần nhiều những vụ việc vượt ngưỡng là do không tự biết mình. Người trong cuộc thì không thấy, nhưng người ngoài cuộc thường thấy rõ. Người ta gọi đấy là những sự "hoắng".

Ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật còn đòi hỏi cao hơn, nên sự vượt ngưỡng thường trở thành kệch cỡm. Một cô ca sĩ khi đã có danh nhưng cố gây ấn tượng bằng cách gào lên, nhăn mặt gây điểm nhấn; những nghệ sĩ hài cố cù khán giả để gây cười một cách thái quá mà trở nên tục tĩu; một nhà văn đã nổi tiếng rồi nay không viết được như trước nữa bèn phá cách rồi phát ngôn quảng cáo rùm beng cho mình; có những ông làm thơ cũng loàng xoàng thôi in liền dăm bảy tập... Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khuyên nhà thơ Xuân Diệu không nên đưa một số bài viết của mình vào tập tiểu luận "Dao có mài mới sắc". Ông nói đại ý: Tầm cỡ anh thì không nên nhận những bài ấy làm gì! Tức là Chế Lan Viên muốn "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" và ông đã tìm ra cái ngưỡng của sự tinh chất.

Văn nghệ sĩ thường có sự thái quá. Bởi chất nghệ sĩ có sẵn trong mỗi con người. Ai đó đã nói: "Bẩm sinh con người là nghệ sĩ". Những nhà văn, nghệ sĩ chỉ là sự phát triển thái quá của chất nghệ sĩ. Đó cũng là sự vượt ngưỡng so với mọi người bình thường. Tất cả các tài năng đều thế cả. Không vượt ngưỡng thì không có tài năng. Nhưng đấy là sự vượt ngưỡng của tư chất, khác với sự vượt ngưỡng về phẩm chất. Những tư chất lãnh đạo, tư chất quản lý, tư chất khoa học, tư chất nghệ sĩ thì cần đẩy đến mức cao nhất. Nó sẽ trở thành tài năng trong mỗi lĩnh vực. Còn phẩm chất xã hội thì không được vượt ngưỡng. Do vậy mới cần điều chỉnh bằng các bộ luật. Nhầm lẫn giữa sự phát triển tư chất của mỗi người với việc phải giữ gìn phẩm chất theo yêu cầu của xã hội là không thể chấp nhận được. Rất tiếc, trong lịch sử văn chương nghệ thuật nước nhà, có giai đoạn có những văn nghệ sĩ đã nhầm lẫn đánh đồng giữa hai phẩm chất này.

Bia tiến sĩ Khoa thi Nho học năm Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung soạn lời văn, trong đó có câu "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Bây giờ, thời kinh tế thị trường, nhiều người không có tư chất nghệ sĩ nhưng cứ nhảy ra làm nhà thơ, làm nghệ sĩ. Tất nhiên là họ không vì sự nghiệp văn học nghệ thuật mà vì danh lợi. Mới chán làm sao khi phải nghe những đội văn nghệ vườn biểu diễn trên sông Hương, trên miền quan họ dịp Hội Lim. Tôi đồng tình với những ý kiến phê phán sáng kiến kỷ lục hơn hai nghìn người biểu diễn hát quan họ trong Hội Lim 2012 vừa qua. Thật là những người tổ chức không hiểu nghệ thuật là gì. Đâu phải cứ cất lời, cứ hát theo là thành quan họ, thành ca sĩ. Nghệ thuật đòi hỏi sự tinh túy. Thưởng thức nghệ thuật cũng cần có tâm hồn đồng điệu. Ông cha ta đã chế giễu: "Con oanh học nói" và "đàn gảy tai trâu". Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì giễu nhại: "Một đoàn thằng ngọng đứng xem chuông/ Nó bảo nhau rằng: ấy, ái, uông...".

Những nhà thơ, nhà văn, những ca sĩ, nghệ sĩ đích thực, đấy là những người có tài. Nhiều người không có tài mà cứ đòi trở thành nhà văn, thành nghệ sĩ là lập lờ đánh lận con đen. Quần chúng nhân dân chính là Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, sao có thể lừa được. Hôm hội thảo tại Trại sáng tác Lý luận Phê bình lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam đầu tháng 8 ở Cửa Lò Nghệ An vừa qua, nhà văn, Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hạnh có bảo tôi: "Mọi người biết cả đấy!". Vâng, lừa thế nào được nhân dân, những người làm nên lịch sử, làm nên mọi giá trị vật chất và tinh thần của cuộc đời này. Nhất thời cái thật và cái giả có thể lẫn lộn. Nhưng thời gian sẽ bóc trần mọi của giả. Chỉ có vàng thật là không bị phá hủy.

Ở đời biết được ngưỡng cũng là nghệ thuật. Đó cũng là tài năng. Mỗi người luôn cần là chính mình. Oan Uytman (Mỹ) chỉ có "Lá cỏ" mà cũng lưu danh mãi toàn thế giới. Chỉ sợ anh không có hương thôi. Chứ đã có được một chút gì đấy thì "Đã thơm rồi đâu chịu vô danh".

Tài năng nghệ thuật

Báo Văn nghệ Công an số 182 ra ngày 20/8/2012 có bài viết của nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải: "Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thần đồng thứ thiệt". Cái tiêu đề làm tôi chú ý. Chú ý không phải tôi xa lạ gì với Trần Đăng Khoa mà cần tìm tòi để hiểu biết thêm. Chú ý vì cái từ "thứ thiệt" này. Nghĩ mà thấy buồn, xót xa. Thế ra có rất nhiều thần đồng không "thứ thiệt". Thực ra thì không chỉ thần đồng, rất nhiều các danh hiệu khác bây giờ cũng không thứ thiệt. Nhưng thôi, việc ấy để một dịp khác bàn. Nay tôi chỉ muốn trao đổi về khía cạnh tài năng nghệ thuật.

Ông cha ta đã đúc kết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Điều này thì muôn đời vẫn đúng. Nhưng vấn đề chọn được hiền tài thì khó vô cùng. Vừa rồi, các địa phương có rộ lên phong trào "Thu hút nhân tài", nhưng rồi mọi người cũng thấy ngán bởi nhân tài "thứ thiệt" thì ít, mà nhân tài rởm thì nhiều. Biết lấy danh hiệu nào để xác định nhân tài? Giáo sư hay tiến sĩ? Nhà văn hay nghệ sĩ nhân dân? Điểm tốt nghiệp xuất sắc hay điểm giỏi?... Bởi danh hiệu nào cũng có thể mua được bằng tiền!

V.I. Lênin có nói "nhân tài rất quý và rất hiếm". Nhân tài về lĩnh vực văn chương nghệ thuật có lẽ còn hiếm hơn. Thần đồng thơ của Việt Nam thế kỷ XX có lẽ chỉ có Trần Đăng Khoa. Phê bình văn chương xuất chúng của thế kỷ XX có lẽ cũng chỉ có Hoài Thanh. Các nhà thơ xuất chúng của thế kỷ XX cũng đâu quá mươi người. Ở các lĩnh vực nghệ thuật khác còn hiếm hơn nữa. Mặc dù những người điếc không sợ súng tự nhận mình thì rất nhiều.

Đời sống văn chương nghệ thuật xưa nay luôn mâu thuẫn giữa đòi hỏi sự đa dạng sắc hương với chất lượng hương sắc. Kiệt tác điêu khắc về người phụ nữ chỉ có thần vệ nữ Milo. Kiệt tác chân dung phụ nữ chỉ có nàng Mona Lisa. Nền văn chương mỗi nước cũng chỉ có được một vài tác phẩm có chất lượng tương đối hoàn mỹ... Cho nên khát vọng nghệ thuật luôn là ước vọng của các nghệ sĩ đích thực từ đời này sang đời khác ở tất cả các quốc gia trên trái đất. Và ước vọng thì nhiều mà người đạt tới thì quá ít. Nhưng khát vọng vươn tới luôn là động lực để văn chương nghệ thuật của nhân loại không ngừng được nâng lên.

Tài năng luôn luôn là một bí ẩn. Có những người học rộng biết nhiều nhưng viết văn cứ nhạt thếch. Năm 1990, nhà văn - giáo sư Hoàng Ngọc Hiến giảng bài cho một Trại sáng tác văn học ở tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương và Hưng Yên), đã phải bực mình nói: "Khốn nạn, có những tiến sĩ văn không viết nổi một câu văn!". Còn thần đồng thứ thiệt thì mới học cấp 1 cấp 2 đã có thơ hay. Lại như nhà thơ Nguyễn Khuyến, cái thời lẫy lừng nhất của ông khi ông làm Tổng đốc thì chả có câu thơ nào đáng nhớ, nhưng khi đã sức cùng lực kiệt về nghỉ ở vườn Bùi quê hương làm ông lão nhà quê thì mới trở thành "nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam". Rồi những ông vua làm thơ như Lê Thánh Tông, Tự Đức thì chỉ có những bài thơ gọi là "đọc được", phải phủi bụi thời gian kha khá mới tìm thấy, chứ không có bài nào thật xuất sắc. Thế mà các "thảo dân" Hồ Xuân Hương, Tú Xương thì nhiều bài cứ như ngọc phát sáng, không cần phải quảng cáo, tung hô chi nhiều. Nếu nói trên bình diện công bằng và bình đẳng, thì tài năng là được hưởng sự công bằng và bình đẳng nhất, bởi tài năng tự nổi bằng chính sức lực của mình, không có quyền lực sức mạnh nào dìm xuống được. Tài năng cũng không chen chỗ của ai, tất cả các tài năng đều có đủ chỗ đứng mặc dù "văn nhân tương khinh".

Thật là hạnh phúc nếu chúng ta được sống cùng thời với các nhân tài, mặc dù chúng ta không phải được thường xuyên gặp gỡ các nhân tài ấy. Theo quy luật tự nhiên thì ánh sáng từ các nhân tài mặc nhiên sẽ tác động đến xã hội, tạo ra một không khí bổ ích, để xã hội được sống phong phú, thoải mái hơn. Vì thế các thế hệ sau này mới phải nhọc công đi tìm kiếm, nghiên cứu sự tác động của các vĩ nhân, các tài năng đối với đương thời, đối với tiến trình lịch sử của lĩnh vực mà tài năng phát lộ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về các thời điểm mà nhân tài tỏa sáng:

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

Chúng ta không nên quá sùng bái các nhân tài, nhưng cũng không nên "gần chùa gọi bụt bằng anh". Bởi mỗi nhân tài đều có sứ mệnh. Hãy tạo điều kiện để các nhân tài phát huy hết tài năng của mình, giúp họ phát sáng và đóng góp nhiều nhất cho xã hội

Đ.Q.T.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Khoảng hai tháng qua, nhiều hộ nông dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lo lắng, đứng ngồi không yên khi vườn sầu riêng đang xanh tốt bỗng dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tính đến nay đã có khoảng 200ha sầu riêng ở địa phương bị chết.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文