Đắt hay rẻ, đáng hay chưa đáng?

08:09 11/06/2016
Thỉnh thoảng ta được nghe: Ông diễn viên hài này thủ một vai trong một buổi diễn, vô ra dăm lần, ông nhận được vài tỉ đồng tiền thù lao; rồi lại được nghe một nghệ sĩ có vài chục năm tuổi nghề kể: Chúng em phải mở cửa hàng này kia mới có tiền sống, chứ cứ tập rồi diễn thì thu nhập đâu có đủ sắm vài bộ quần áo với ít nữ trang đâu chị!


Lại nghe: Sân khấu không có người xem, nghệ sĩ bị bỏ quên rồi! Cũng nghe: Giá vé vào rạp đắt quá, người xem bị bỏ rơi rồi!

Tìm nguyên nhân và giải pháp, nghệ sĩ bảo: Tại dân ta mải lo kiếm tiền sinh nhai độ nhật; nhà nghiên cứu bảo: Có lẽ cần phải "nâng" quần chúng, người xem lên mới được; nhà quản lí đề xuất: Nhà nước nên có chính sách đầu tư để bồi dưỡng lực lượng sáng tác, biểu diễn, để nâng cấp trang thiết bị cho các nhà hát...

Lại thăm dò ý kiến công chúng - người xem, thì được biết: Người khen sân khấu ta có nhiều cố gắng cũng có, và ý kiến này mới đáng giật mình, suy nghĩ, rằng: Diễn kịch như thế, đóng phim như thế ai người ta xem! Người nghe ý kiến này lại "thăm dò", gạn hỏi mãi, thì được nghe thêm: Chị ơi, họ diễn kịch như học trò cấp III diễn, họ đóng phim mà chả thấy số phận đâu, chỉ thấy bộ dạng múa may, cố đặc tả tâm trạng bằng nhướn mắt với chau mày rồi độn cảnh rừng núi, phố phường, nhà ở cứ như khoe cảnh khoe của thế thì xem chỉ thêm bực thôi à!

Nói thế có quá không nhỉ?

Thì ra, trăm sự trăm lí, đều quy lại ở mấy chữ tài năng, công phu và dùng tiền cả thì phải? Chữ dùng tiền có vẻ dễ nói hơn. Xin thưa trước, là tôi không tin có ông nào được vài tỉ như vừa kể ở trên. Có lẽ ông ấy thay mặt cả kíp diễn mà nhận thì phải, còn như nếu chỉ nhận cho một mình ông ta, thì theo cơ chế nào vậy? Cách thức vận dụng nào vậy? Không lẽ ta đã "mất công bằng" quá thể rồi ư? Còn như chi cho tài năng, thì quả thật, có khi là không biết mấy cho vừa, có lúc, lại phải ngó trước trông sau cho vừa lòng em kia anh nọ nữa chăng?

Dẫu sao, ta vẫn ở trong tình trạng làm ăn tập thể cơ mà. Vả chăng, cứ chữ tài năng này có yếu tố thiên bẩm, trời cho ai nấy được. Mà có tài rồi, nếu ít công phu rèn luyện dài lâu, thì ta biết rồi đấy, rất khó mà được công chúng tôn vinh, tin cậy dài dài, và nhà nước, nếu có muốn bênh, cũng nên vừa vừa thôi chứ. Với lớp trẻ đang học trong các trường nghệ thuật hay đã đi làm ở các đoàn, các rạp, thì tài năng có thực được bao nhiêu, hay ta, nói như ai nói, là con em trong ngành cả, không vào trường nào được, thì vào học sân khấu, điện ảnh... rồi tính (!). Số học viên này thất nghiệp là phải, đóng phim như diễn kịch, đạo diễn phim như ông nhắc vở ghép cảnh trường quay thì khán giả bỏ rơi là phải rồi còn gì.

Câu chuyện giá vé vào rạp đắt hay rẻ, sơ sơ mà kể, mà bàn qua một chút thế, hẳn có chỗ đường được, và chắc có vị buồn đau.

Chung quy, thì cũng lại ở chỗ con người cả. Ta đã chọn người vào ngành, sắm vai thế nào? Ta đã quyết tâm phát huy truyền thống, phát triển cái hay cái đẹp của nghệ thuật thời nay từ xuất phát điểm nào? Ta đã dùng tiền với định chế ra sao?

Có nhiều lí do cụ thể để bỏ tiền mua vé vào rạp thưởng thức một vở diễn, một bộ phim, để giành thì giờ xem kịch và phim qua tivi. Chuyện đáng hay hay chưa đáng chi tiền, giành thời gian cho việc xem - thưởng thức này xem ra, lại không chỉ cụ thể mãi ở một vài người.

Văn nghệ, văn hoá và việc chi tiêu của một người, cũng là chuyện của muôn người nữa đấy. Quay lưng ngoảnh mặt với nhau quả không phải với nhau đâu. Xin bàn thêm xem sao. 

Nguyên An

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文