Em chỉ sợ trái tim mình cằn cỗi

08:13 17/01/2017
Đọc tập thơ "Mùa yêu" của Bích Nhã Kỳ, NXB Hội Nhà văn, 2016.


Trong trái tim rất đỗi đàn bà của mình, Bích Nhã Kỳ đã âu lo như vậy. Cái âu lo cũng thường tình của biết bao người đàn bà khác, nhưng trong thơ cô cứ nhói lên khắc khoải. Khi người đàn bà ở tuổi 30, chạm ngưỡng những được mất cuộc đời, trải nghiệm những trái ngọt và cả những đắng cay tuổi trẻ, dự cảm về tháng năm và con đường phía trước, họ trở nên nhạy cảm hơn, thiết tha hơn với thực tại.

Ta uống cạn hôm nay
Ngày mai xuân rũ bóng

Tôi đặc biệt chia sẻ cảm thức này của người đàn bà trong Bích. Người viết câu thơ đã ngộ thấu đáo về hư không, sự vô nghĩa kiếp người. Như xuân kia không phải cứ mỗi độ lại về. Xuân của đời người có thể rũ bóng ngày mai. Câu thơ buồn giống cảm giác khi ta nhìn những cánh hoa rơi trong gió lạnh.

Bích Nhã Kỳ không phải người làm thơ chuyên nghiệp. Cô đến với thơ như cuộc viếng thăm một vùng đất bí ẩn của tâm hồn. Cuộc viếng thăm quan trọng với cô, vì trong bộn bề cuộc sống của một người lăn lộn với công việc kinh doanh, cô cần một nơi vừa để nương náu vừa để cất giữ những trải nghiệm tinh thần. 

Cô không đoái hoài việc mình trở thành gì trong thi ca. Cô chỉ biết thành thật. Có lẽ vì thế, rải rác trong tập thơ, bạn sẽ gặp những câu thơ tự nhiên đến không cần chải chuốt. Và bạn cũng sẽ gặp những câu thơ làm bạn giật mình. Cái giật mình đó là trời cho, nó giống như người đi trên đường và bất ngờ gặp một miền hoa nở. Những rung cảm từ đáy sâu bất ngờ thức giấc.

Như thế này:

Khi chúng ta xa nhau
Mọi thứ vẫn bình thường như cỏ
Chỉ có bão trong lòng riêng em biết mà thôi... 

Và một lúc khác:

Cơn bão nghiêng vào đêm nỗi cô đơn
Gió nghiêng vào hư vô
Một vài nỗi nhớ

Và ước mong bắt đầu lại, như ước mong được trở lại tháng ngày tuổi trẻ, cảm nhận lại hương vị thanh xuân thêm một lần nữa. Cũng có thể là tìm lại những gì đã qua trong tiếc nuối, trong xa xót, trong buồn.

Hay là thế, anh đưa em về biển
Nhặt yêu thương ta bỡ ngỡ năm nào
Hay là thế, anh tỏ tình lần nữa
Em run run tay áo khát môi mềm...

Thơ Bích Nhã Kỳ không cố gắng tỏ ra tài hoa, hay học tìm chữ nghĩa trong sự phức tạp của nó. Người làm thơ trong cô chỉ đơn giản là lắng nghe thật sâu sắc 3 tinh tế đàn bà của mình và thả nó trên giấy. 

Cô chọn tên cho tập thơ là "Mùa yêu" cũng bởi những run rẩy ấy. Những run rẩy của con tim đã từng ca hát vì yêu, đau vì yêu, thương tổn vì yêu. Nhưng mãi mãi, yêu là bến bờ nó hướng tới, nó tìm kiếm như tìm kiếm ý nghĩa của tồn tại.

Đàn bà là gì? Mãi mãi là yếu mềm hơn một cọng cỏ. Đắm đuối vì yêu như cách để vượt thoát, để hướng lên trên những bình thường của đời sống, những buồn khổ của kiếp người. Như đã nói, với Bích, bất hạnh nhất với đàn bà là con tim khô lạnh. Nỗi sợ đó còn kinh khủng hơn cả cái chết. Một ngày nào đó tình yêu vắng bóng, đàn bà còn gì trên tay?

Có thể bạn sẽ trào nước mắt khi đọc tự sự của người đàn bà trong thơ Bích Nhã Kỳ:

Em
Chỉ là em yêu ghét tận cùng
Biết nắm chặt tay anh khi mùa giông bão tới
Biết se sắt lòng khi trái tim lạc lối
Và biết cỏ hoang
Cũng chỉ mọc ven đường.

Khi Yêu, đàn bà cúi mình, khiêm nhường như cỏ. Vô tư như cỏ và hết mình như cỏ.

Khi Yêu, đàn bà tự khâu vá vết thương cho mình. Không cần biết người mình yêu có biết điều đó hay không.

Chiều nay vội em nhắc mình tự bước
Dẫu chênh vênh con dốc cũ nhọc nhằn
Chiều nay lạnh em tự mình che khuất
Nửa con tim đau nhức độ đông tàn...

Chẳng có chút gì mạnh mẽ, những đau nhức ấy. Nhưng lại là một sự mạnh mẽ ẩn sâu phía dưới, chỉ người trong cuộc, trong Yêu và chấp nhận những rủi ro, trái ngang mới có thể đi xuyên qua sự "tự mình" thấm thía ấy.

Đọc "Mùa yêu" của Bích Nhã Kỳ, tôi như gặp mình trong những câu thơ giản dị viết mà như không viết của cô. Thương xiết bao người đàn bà Yêu trong cô. Khoắc khoải, chờ đợi, khát khao được tận hiến. Và mỗi một rung cảm dù nhỏ cũng đủ để lại những dư chấn ngọt ngào hay những buồn khổ mênh mang.

Em gọi anh khan cả giọng tình
Gió vô tâm chẳng buồn vá víu
Chỉ là em
Mình em đơn lẻ...

Tôi biết rằng, để làm một doanh nhân, người phụ nữ như Bích Nhã Kỳ đã phải vượt qua nhiều cam go của đời sống. Cô không được phép yếu mềm, mong manh. Cô phải sống với một phần khác của mình: lý trí, quyết liệt. Đó có thể là những kỹ năng phải rèn luyện để có. 

Nhưng tôi cam đoan rằng, trong thơ, Bích Nhã Kỳ là thật nhất. Người ta không có con đường nào khác khi ngồi trước trang giấy để viết dù một câu thơ, ngoài con đường trở về chính mình. Thơ Bích nữ tính, mỏng nhẹ và có phần sương khói. Như người đàn bà luôn cần chốn nương tựa chở che. Và cái đẹp trong thơ cô chính là biểu hiện trong sự nữ tính đó.

Mưa giăng buổi ấy con đường
Vầng trăng lỡ hẹn sông thương lỡ đò
Chờ người bên ấy mang cho
Mong manh áo mỏng môi hờ ngực duyên...

Cứ có gì đó vừa lãng mạn vừa trắc trở trong "Mùa yêu" của Bích Nhã Kỳ. Nhưng ngẫm ra, có tình yêu nào không mang trong nó những ẩn ức của còn đấy mà mất đấy. Hiện hữu đấy mà ảo ảnh đấy. Yêu là hướng về một miền đất hoàn hảo. Nó ở ngay đây và có thể nó đã là quá khứ. Nó ở ngay đây và có thể nó còn trong tương lai. Làm sao có thể đoán định.

Nhưng Bích Nhã Kỳ không phải người đàn bà làm thơ mang theo hoài nghi. Cô sống với thực tại của mình, chân thật đến độ. Nhu khiêm đến mức tự nhận mình là loài hoa dại.

Hoa dại nở trên miền đất trống
Đâu bận tâm mệt mỏi đời thường
Ta nhận thấy phần mình ở đó
Những buồn vui bé nhỏ cuộc đời...

Biết mình là thời khắc quan trọng để thấu hiểu đời sống này. Người đàn bà biết mình thì khi sống trong "Mùa yêu" họ sẽ bước đi như là hương thơm, như là hoa nở, như là cỏ. Họ không hiện hữu nữa. Họ biến vào tình yêu. Bằng cách đó, tình yêu sẽ thiên đường.

Tôi mong thế, người đàn bà trong thơ Bích Nhã Kỳ sẽ luôn khiêm nhu như thế. Tận cùng trong thanh xuân, trong Yêu, bất kể mùa nào.

Bình Nguyên Trang

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文